Sông hoa, chợ nổi sẽ xuất hiện ở Sài Gòn?
Với tiềm năng về giao thông thủy cùng nhiều tuyến đường thủy nằm ngay cạnh trung tâm, hàng loạt điểm tham quan bằng đường sông giàu tiềm năng khai thác, du lịch TPHCM được kỳ vọng trở thành một điểm đến hấp dẫn về du lịch đường sông trong khu vực.
- 21-10-2014Nổ tàu vận tải hàng hóa giữa chợ nổi Cái Răng –Cần Thơ
- 06-02-2013Tấp nập chợ nổi trái cây giữa Sài Gòn
- 06-07-2012Về Tây Đô đi chợ nổi Cái Răng
Chiều ngày 28/11/2017 Sở giao thông vận tải thành phố phối hợp cùng Sở du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm "Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM".
Theo nội dung được đề cập tại buổi tọa đàm, với tiềm năng về giao thông thủy cùng nhiều tuyến đường thủy nằm ngay cạnh trung tâm, hàng loạt điểm tham quan bằng đường sông giàu tiềm năng khai thác, du lịch TPHCM hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn về du lịch đường sông trong khu vực.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở giao thông vận tải TPHCM, với lợi thế TPHCM có hệ thông sông, kênh Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 1.000km. Thành phố hiện có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm, thuận tiện trong việc vận chuyển hành khách, chẳng hạn như tuyến sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, sông Vàm Thuật, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè…
Các tàu khách quốc tế với lượng du khách lớn đều có thể vào tận trung tâm thành phố tại khu vực cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không cần phải trung chuyển. Thêm nữa, TPHCM cũng có hàng loạt điểm tham quan bằng đường sông, giàu tiềm năng khai thác du lịch như Trung tâm TP như Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Hội trường Thống Nhất...
Theo ông Cường, số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố năm 2017-2018 phấn đấu đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo. Song song đó, thành phố cũng đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đi đường biển đến TP đạt 470.000 lượt/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ông Cường cũng nêu ra một số khó khăn như một số dự án đầu tư xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên tuyến sông Sài Gòn; dự án khai thông tuyến rạch Chiếc, nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai gây khó khăn giao thông thủy.
Ngoài ra, hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của TP. Đặc biệt là từ khi bến Bạch Đằng được tạm ngưng hoạt động để chỉnh trang đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động du lịch đường thủy, Quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ cho du lịch còn hạn chế.
Trong khi đó theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, muốn du lịch đường sông phát triển nhà nước cần quan tâm bằng những chính sách cụ thể chứ không nói chung chung như xưa nay nữa.
Nhưng cụ thể, phát triển bến bãi, giá cả, sản phẩm gì…? Ông Mỹ dẫn chứng ở Singapore tàu gỗ chở 40 khách chạy đầy sông, trong khi sông Sài Gòn lèo tèo. Chúng ta cần bỏ bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết.
“Làm đẹp hai bên bờ sông như đã làm đẹp ở một số tuyến đường, tại sao có đường hoa Nguyễn Huệ lại không có sông hoa? Làm được đảm bảo sông hoa đẹp và độc đáo không có nước nào sánh bằng. Về lâu dài, ngay từ bây giờ phải quy hoạch đường sông cho 20 năm sau, chỗ nào công viên, chỗ nào khu mua sắp, chỗ nào ẩm thực. Cần phải có khu lưu trú cho khách dọc hai bên bờ sông, từng bước thay đổi thói quen du lịch đường sông”, ông Mỹ đặt vấn đề.
Vị doanh nhân này đánh giá, nếu so sánh với thủ đô du lịch đường sông Bangkok -Thái Lan, TPHCM có nhiều kênh rạch, lợi thế hơn hẳn, nhưng thực tế chúng ta chưa làm được như du lịch nước bạn. "Du lịch đường thủy của TPHCM đang thiếu điểm nhấn, làm sao để thành phố có được sản phẩm du lịch riêng, đậm chất du lịch của Sài Gòn xưa với trên bến dưới thuyền?" - ông đặt câu hỏi.