Sóng ngầm thương chiến Mỹ - Trung
Thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka - Nhật Bản cuối tuần qua sẽ không sớm dẫn đến một giải pháp lâu dài, đồng thời cả hai bên có thể sẽ gánh chịu thêm "nỗi đau" trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Ðó là nhận định của các kinh tế gia và chiến lược gia đầu tư, được báo The South China Morning Post ngày 3-7 trích dẫn. Ngân hàng Mỹ quốc (Bank of America) tin rằng có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể đạt được một dạng thỏa thuận nào đó vào mùa hè năm nay nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ về một đợt áp thuế nữa trước đó.
Trong một nhà máy sản xuất điện thoại của Huawei ở tỉnh Quảng Đông. Ảnh: BLOOMBERG
Ngày 2-7 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này sẽ lên kế hoạch mở cửa ngành dịch vụ tài chính ở Trung Quốc và sửa đổi luật đầu tư nước ngoài ở quốc gia này để nhượng bộ Mỹ. Cùng ngày, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố cuộc đàm phán thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang đi đúng hướng. Theo ông, bất kỳ nhượng bộ nào dành cho Bắc Kinh liên quan đến Tập đoàn Công nghệ Huawei đều là nhỏ nhoi so với một thỏa thuận thương mại to lớn.
Theo Reuters, ông Navarro khẳng định Washington sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đồng minh để bảo đảm rằng họ không chấp nhận công nghệ 5G của Huawei, đồng thời nhấn mạnh Mỹ cho phép bán một số loại chip cấp độ thấp để đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán, cũng như để bảo đảm Bắc Kinh đồng ý mua số lượng đáng kể nông sản của Mỹ.
Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, nói với báo Financial Times rằng sự nới lỏng lệnh cấm sẽ không "ảnh hưởng nhiều" đến hoạt động kinh doanh của Huawei trong khi công ty thích ứng với thái độ thù địch mới của Mỹ. Tuy vậy, theo trang tin CNBC, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài gần một năm nay có thể sẽ leo thang khi các thuế suất mà Washington và Bắc Kinh áp đặt lên hàng tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của nhau vẫn có hiệu lực dù hai bên đã nối lại đàm phán.
Người Lao động