MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sóng ngầm” trên thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh

07-08-2018 - 20:35 PM | Bất động sản

Thị trường căn hộ chùng xuống, nhiều ông lớn "án binh bất động" do ảnh hưởng của quy định hành chính và các đợt thanh kiểm tra, thị trường đất nền các khu đô thị vệ tinh vùng TP. Hồ Chí Minh và nhà phố trong nội đô vẫn giao dịch hết sức sôi động.

Giá nhà trong nội đô “nhảy vọt”

Trước Tết, sau thời gian tìm kiếm, chị Ngọc quyết định đầu tư vào căn nhà phố nằm trong hẻm xe hơi của Quận Bình Thạnh với giá 3,7 tỷ đồng cho diện tích 62m2 với kỳ vọng mang lại tỷ suất lợi nhuận 20%/năm.

Tuy nhiên, 2 tháng sau Tết Nguyên Đán, giới đầu tư nhà đất thuyết phục chị Ngọc nhượng lại căn nhà nói trên với giá 4,5 tỷ đồng rồi 5,2 tỷ đồng ở thời điểm cuối tháng 6/2018. Dù đã lãi hơn 40% chị Ngọc vẫn chưa đồng ý chuyển nhượng căn nhà nói trên, bởi theo chị Ngọc cầm 5,2 tỷ đồng hiện nay chị khó có thể mua được căn nhà tọa lạc trên hẻm xe hơi vào được, ngay trong các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh với diện tích tương đương.

Chị Hồng, ngụ tại Quận Phú Nhuận, tháng trước đã quyết định rút tiền tiết kiệm đầu tư mua căn nhà 3,8m x 19m với giá 5,5 tỷ đồng, trên đường Phan Văn Trị, Q. Gò Vấp. Tuy nhiên, ngay khi vừa hoàn tất thủ tục sang tên căn nhà, chị Hồng đã bán lại căn nhà với giá 6,2 tỷ đồng. Dĩ nhiên, trừ phần thuế chị Hồng vẫn có lãi cao hơn gửi tiền tiết kiệm.

“Sóng ngầm” trên thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Giá nhà trong căn hẻm xe hơi tại Q. Gò Vấp đang giao dịch khoảng 100 triệu đồng/m2, tăng bình quân 30% so với cuối năm 2017.

Trường hợp như chị Ngọc hay chị Hồng không phải là hiếm. Giá nhà phố đã nhảy vọt từ sau Tết Mậu Tuất và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là những căn nhà cấp 3-4 nằm trên các hẻm xe hơi. Ngay cả những căn nhà diện tích nhỏ, tại các hẻm xe ba gác vào được, trên các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh cũng tăng giá không kém và khan hiếm hàng.

Mới đây, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2016 – 2025, trong đó nổi bật nhất là việc hạn chế xây dựng nhà cao tầng tại các khu vực quận trung tâm và khuyến khích việc dịch chuyển ra các khu vực ngoại thành. Nội dung này khiến cho những gia đình có thu nhập tầm trung muốn ở sống trong trung tâm TP. HCM nhiều hơn, qua đó cầu về nhà ở trong trung tâm tăng.

Giới đầu tư lâu năm trên thị trường nhà đất cho rằng, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao trở lại, lãi suất tiết kiệm thấp, lượng cung nhà cấp 3-4 trong các hẻm xe hơi có bề ngang từ khoảng 4m trở nên ngày một khan hiếm và nỗi lo về cháy nổ tại các chung cư, kẹt xe và ngập nước là các yếu tố khiến cho giá nhà đất trong trung tâm thành phố nhảy vọt.

Anh Thanh, một môi giới nhà trong nhóm Bất động sản Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp có giao dịch thành công trung bình 15 giao dịch/tháng đánh giá, kinh tế Mỹ còn duy trì tăng trưởng cao như kết quả đã đạt được trong nửa đầu năm 2018, các chính sách nhằm thúc đẩy việc giãn dân ra khu vực ngoại thành có hiệu lực, giá nhà đất tại các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng.

Báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường xây dựng và bất động sản trên địa bàn tuy không còn sốt như những tháng đầu năm nhưng vẫn là lĩnh vực khá sôi nổi và đóng góp tích cực cho nền kinh tế TP.HCM với 8% GRDP và là ngành đóng góp vào GRDP của thành phố lớn thứ 3.

“Sóng ngầm” nhà đất lan đến vùng ngoại thành và đô thị vệ tinh

Trong 2 tháng trở lại đây, một lượng lớn đất nền tại khu vực phía Đông (Q.2) đã được các ông lớn như Novaland, Hưng Thịnh Land, Phú Long Land bung ra thị trường. Từ nay đến cuối năm, khu vực Quận 9 cũng sẽ có thêm khoảng 1.000 đất nền được đưa ra thị trường. Trước đó,  khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai hay khu lân cận Bình Dương các nhà phát triển bất động sản như Kim Oanh cũng đã bung lượng hàng lớn đất nền và nhanh chóng được thị trường mua hết.

Trong khi đó, ở phía Tây Bắc và Nam TP. Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ bán sản phẩm thành công ở Long An đạt đến 100% ở nhiều dự án, giá bình quân từ 6,8 - 12 triệu đồng/m2.

Báo cáo của DKRA Việt Nam cho biết, tại thị trường Long An, 6 tháng đầu năm có thêm 18 dự án bất động sản mới, lượng cung đất nền ra thị trường đạt 4.162 sản phẩm và được thị trường hấp thụ gần hết toàn bộ với giao dịch thành công 4.090 sản phẩm.

Ở phía Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh, Casaland và Nhà Xum công bố đưa ra thị trường 400 sản phẩm  đã có sổ đỏ với giá bán 9,8 triệu đồng/m2. Đây là dòng đất nền trong tổ hợp dự án Saigon Eco Lake có quy mô 68 ha, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Giá bán này được chủ đầu tư và đơn vị phân phối đánh giá là rẻ hơn thị trường xung quanh 30%.

“Sóng ngầm” trên thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 2.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông, pháp lý dự án rõ ràng giúp các chủ đầu tư dự án đất nền bán hàng "đắt như tôm tươi". 

Khảo sát thực tế, hiện giao dịch tại các huyện ở Long An, liền kề TP. Hồ Chí Minh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc khá sôi động, giá đất cũng cao hơn các vùng khác và tăng khoảng 20 – 30% trong khoảng nửa năm.

Tại thị trấn Đức Hòa, giá đất nền mặt tiền dao động trên 15 triệu/m2. Tại Cần Giuộc, giao dịch phổ biến trong vùng giá trên 18 triệu/m2 như vùng chợ Long Thượng, công viên hồ Cánh Sen hay gần UBND xã Long Hậu. Đặc biệt tại Bến Lức, giá đất nền có nơi đạt trên 20 triệu/m2, gấp đôi ba lần giá giao dịch tại một số huyện xa TP. Hồ Chí Minh hơn như Tân An, Thủ Thừa, Đức Huệ, Cần Đước...

Giới chuyên môn cho rằng, hạ tầng giao thông kết nối vào trung tâm TP. Hồ Chí Minh đang được đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Quyết định này sẽ tác động lớn đến sự phát triển bất động sản vùng Hồ Chí Minh trong thời gian sắp tới, khi xu hướng dịch chuyển dần ra khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhờ giao thông thuận lợi hơn.

Theo Hồng Quân

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên