MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống: Người khôn ngoan không nói xấu, người hiểu chuyện không phóng đại, người hiểu lí lẽ không tranh luận

10-06-2020 - 13:37 PM | Sống

Trong cuộc sống, niềm vui và nỗi buồn mỗi người có không giống nhau. Tương tự, quan điểm và cách lý giải của mỗi người về cùng một sự việc cũng không giống. Thế nên, không nên vì muốn cả thế giới hiểu mình mà cố chấp tranh luận vô ích với những người không xứng đáng.

Nhà triết học Democritus từng nói:

"Di sản của người tri thức giá trị hơn nhiều tiền tài của người giàu có nhưng thiếu hiểu biết."

Điều này có nghĩa là gì?

Đời người thứ đắt giá nhất, vẫn là giá trị tâm hồn.

Người khôn ngoan không nói xấu

Trên một chiếc xe lửa nọ, có một cậu bé nhìn ra bên ngoài cửa sổ và hét lên:

"Bố ơi, mau nhìn kìa, cái cây kia nó đang tự mình đi lùi lại!"

Người bố nghe vậy liền mỉm cười với con. Một cặp vợ chồng trẻ ngồi cạnh họ tỏ vẻ thương hại với người bố trước hành vi "chậm phát triển trí tuệ" của cậu bé kia.

Một lát sau, cậu bé lại tiếp tục phấn khởi gọi bố: "Bố ơi, nhìn lên trời xem, mây đang chạy theo con này!"

Cặp vợ chồng trẻ lúc này nhịn không được nữa, nên nói với bố cậu bé:

"Tại sao anh không dẫn con anh đến một bác sĩ giỏi nhờ người ta trị chứng chậm phát triển trí tuệ cho cậu bé?"

Bố cậu bé kia mỉm cười đáp: "Chúng tôi mới từ bệnh viện về."

Cặp vợ chồng lập tức phán định trình độ bác sĩ ở đó thật sự quá kém.

Lúc này, ông bố mới nói:

"Không đâu, vị bác sĩ đó rất tài năng. Con trai tôi kể từ khi sinh ra đến nay đều chưa từng nhìn thấy được vật gì. Vậy mà nay nó có thể nhìn thấy cả thế giới."

Nghe xong, đôi vợ chồng cảm thấy xấu hổ vô cùng.

Khi chúng ta sống trong thế giới này, mỗi người đều có những việc bất đắc dĩ riêng. Khi chúng ta chưa hiểu về con người hoặc hoàn cảnh của họ, đừng nên dễ dàng đánh giá một người nào đó chỉ vì chúng ta "nhìn thấy" bề ngoài của họ là như thế.

"Nếu bạn không hiểu, hãy im lặng. Vì bạn không bao giờ biết được người khác đã từng phải trải qua điều gì."

Người hiểu chuyện không phóng đại

An làm trợ lý tổng giám đốc đã được 7 năm. Trong suốt 7 năm nay, đồng nghiệp bên dưới có người thích cũng có người ghét. Những người ghét An thì dựng chuyện nói đủ điều, rằng An nhờ quan hệ mới được vào làm vị trí này.

An biết hết nhưng vẫn không nói gì.

Đến một hôm nọ, công ty xảy ra chuyện, vài tài liệu thiết kế mới trong bộ phận bị mất. Mọi người đều chỉ định V., một trong những người trước đây từng nói xấu An là kẻ trộm. Tổng giám đốc giao nhiệm vụ điều tra sự việc lại cho An.

Sau khi xem camera, kết hợp với điều tra các thành viên còn sót lại trong phòng trước lúc xảy ra vụ việc, An đã tìm được tài liệu kia.

V. không phải kẻ trộm, cô ta chỉ bất cẩn gom cả tài liệu mới và tài liệu cũ bỏ vào kho.

Sau khi điều tra xong, V. nghĩ bản thân sắp mất việc chắc rồi, bởi vì An nhất định sẽ dựa vào chuyện này để trả thù cô ta.

Thế nhưng An lại không làm thế. Cô báo cáo đầy đủ sự thật cho tổng giám đốc, không hề nói quá bất kì sự việc nào, đồng thời còn xin tổng giám đốc xét đến thành tích nổi trội lúc trước của V. mà cho cô ấy được tiếp tục làm việc ở đây.

Người hiểu chuyện sẽ không phóng đại, dù cho đối phương từng có hiềm khích với mình trước đây đi nữa. Đó không chỉ là biểu hiện của sự tu dưỡng về đạo đức, còn thể hiện năng lực tự kiểm soát cảm xúc bản thân mạnh mẽ..

Dù nhìn thấu chân tướng cuộc sống, cũng nên dùng cách tử tế và khoan dung đối đãi với nó. Như thế, sẽ không khiến con người lương thiện ban đầu của bạn thay đổi, cũng không để ngoại cảnh thay đổi con người bạn.

Người hiểu lí lẽ không tranh luận

Cô Dương từng kể một câu chuyện thế này:

Một hôm, đang lúc cô ấy phát biểu trước toàn thể rất nhiều người thì một nữ sinh cố tình lớn tiếng chỉ trích, nói rằng cô ấy đang lan truyền những ý kiến nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến tinh thần học sinh.

Lúc đó, cô Dương rất bất ngờ, cô không hiểu tại sao nữ sinh đó lại chỉ trích nội dung bài phát biểu của cô.

Đối diện với lời chỉ trích vô căn cứ đó, cô Dương rất muốn chứng minh với mọi người rằng mình vô tội.

Thế nhưng hiện tại cô đang đứng trên bục giảng hội trường với hàng trăm đôi mắt hướng về cô. Nếu chỉ vì thắng thua nhất thời mà cố chấp tranh luận với nữ sinh đó, cô sẽ bị những đánh giá cực đoan khác.

Suy nghĩ như thế, cô Dương giả vờ như chưa từng nghe thấy gì và tiếp tục bài thuyết trình của mình.

Sau khi kết thúc, rất nhiều giáo viên và học sinh đưa ra những ý kiến khác nhau về cách giảng dạy của cô Dương. Cô ấy cũng gật đầu cám ơn, nhưng không hề trách cứ gì nữ sinh kia.

Nếu bạn thực sự đã làm đúng, vậy không cần giải thích với tất cả mọi người, cũng không cần tranh luận với bất kì ai.

"Cuộc sống có một loại trí tuệ, gọi là không tranh chấp."

Dù bạn có tranh cãi bao nhiêu lần, cả thế giới cũng không vì thế mà đối xử tử tế với bạn. Có người đồng tình, ắt có người phản đối. Như Lỗ Tấn từng nói:

"Niềm vui và nỗi buồn mỗi người có không giống nhau. Tương tự, quan điểm và cách lý giải của mỗi người về cùng một sự việc cũng không giống."

Có một số người, vì tự ái mà đưa ra cách xử sự không lí trí. Chúng ta nên học cách "giữ một cái đầu lạnh" để đối mặt với những vấn đề nan giải. Có đôi lúc, không tranh cãi đúng sai không phải vì bạn hèn nhát, yếu đuối, vô năng, mà vì bạn hiểu rõ người nào xứng đáng để giải thích, người nào không cần thiết để bạn lãng phí cảm xúc.

Sống trên đời, không cười nhạo ai khi bạn hơn họ, không phê phán ai khi không hiểu về họ, không dựng chuyện về ai khi không thích họ, cũng không cố chấp tranh luận với ai khi đã biết làm điều đó chỉ thừa thãi.

Hãy cố gắng hết sức sống vì những điều mình thích, viết lên câu chuyện của chính mình, mà trên đó không tồn tại những người ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của bạn.

Theo Thiên Tuyết

Trí thức trẻ

Trở lên trên