Sống ở đô thị, thu nhập 10 triệu, thành thật khuyên bạn không nên dùng thẻ tín dụng: Tiền ít thì đừng để mang nợ thêm
Thẻ tín dụng có phải là công cụ chi tiêu hiệu quả của hội kiếm chưa được nhiều tiền?
- 29-03-2024Từ chuyện thu nhập 35 triệu/tháng, vay ngân hàng 500 triệu mua ô tô nhưng sau 4 năm phải bán cắt lỗ: Kiếm bao nhiêu tiền mới đủ “nuôi” xe?
- 25-03-2024Đôi bạn thân TikToker ai cũng "xin vía": Thu nhập lên đến 1 tỷ/tháng, tự tậu nhà "khu đất vàng" từ Hà Nội đến TP.HCM
- 25-03-2024Cô gái bỏ việc để làm blogger du lịch, đầu tư hàng trăm triệu nhưng thu nhập bằng 0: Ứa nước mắt ân hận!
Sử dụng thẻ tín dụng giúp mọi người dễ dàng mua sắm không cần nhìn giá. Cũng vì thế, chúng từng được xem là món đồ không nên có của người lương chưa dư dả.
Còn với hội kiếm được 10 triệu đồng/tháng - mức lương phổ biến của những người trẻ khi mới đi làm, họ nghĩ sao về hình thức thanh toán “chi tiêu trước, trả nợ sau” này?
Chỉ kiếm được 10 triệu đồng/tháng nên không dám dùng thẻ tín dụng
Nguyễn Hà (25 tuổi, Ninh Bình), có mức lương từ công việc văn phòng là khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hiện tại, cô đang sống cùng bố mẹ nên có thể tiết kiệm được nhiều chi phí như tiền nhà ở, ăn uống… Song Nguyễn Hà tự nhận thấy chưa để dành được nhiều tiền nên cô nàng muốn tiết kiệm nhiều hơn, thay vì phung phí vào các khoản chi tiêu không cần thiết.
Ảnh minh họa
Đi làm đã lâu nên Nguyễn Hà nhận được không ít lời mời gọi mở thẻ tín dụng từ nhân viên ngân hàng, với các lời mời chào hấp dẫn như tặng vali, tặng tiền, tặng túi xách hay miễn phí thường niên trong 1 năm đầu sử dụng.
Tuy nhiên, cô nàng vẫn “nói không” với hình thức thanh toán này và chưa từng mở thẻ tín dụng. Nguyên nhân không chỉ đến từ sự phức tạp trong cách dùng thẻ tín dụng, mà Nguyễn Hà còn sợ rơi vào vòng xoáy nợ nần tín dụng, lương vừa về đến túi đã tiêu hết sạch cho những thú vui không cần thiết.
Nguyễn Hà chia sẻ: “Thỉnh thoảng mình vẫn nhận được các lời mời chào mở thẻ tín dụng. Ai nói mình không tận dụng ưu đãi đến từ hình thức thanh toán này thì mình chịu. Mình chỉ xài trong số tiền có sẵn ở tài khoản ngân hàng hay tiền mặt thôi.
Khi dùng thẻ tín dụng, mình sợ sẽ mang nợ vì suy nghĩ ‘nếu thiếu tiền mua đồ thì chỉ cần quẹt thẻ’. Đồng thời, mình cũng e ngại rủi ro mang nợ xấu vì không hiểu rõ cách dùng thẻ tín dụng. Vả lại, ngày thường mình không di chuyển và đi công tác xa nhà thường xuyên, hay mua đồ trên sàn TMĐT nên cũng khó tận dụng các ưu đãi từ thẻ”.
Một trường hợp khác, Vũ Thúy (24 tuổi, Hà Nội) cũng hủy bỏ ngay thẻ tín dụng sau 1 năm sử dụng. “Không dùng thẻ tín dụng, không biết bản thân tiêu hoang thế nào”, cô nàng nhớ lại.
Thời điểm chưa dùng thẻ tín dụng, Vũ Thúy còn có thể tiết kiệm đến 2-4 triệu đồng/tháng từ mức lương khoảng 10 triệu đồng của công việc văn phòng. Tuy nhiên, sau khi dùng thẻ tín dụng, chuyện “vừa nhận lương đã lo trả tiền nợ nần của tháng trước” là bình thường với cô nàng.
“Khi còn dùng thẻ tín dụng, lương tháng nào mình tiêu hết tháng đấy, có khi còn phải vay mượn thêm từ bạn bè để thanh toán hết dư nợ. Sau đó, mình sợ quá phải báo ngân hàng hủy thẻ. Ngân hàng lại ‘bẫy’ là cho mình miễn thêm phí thường niên năm tiếp theo. Giờ đã 2 năm rồi, mình chưa động lại vào thẻ tín dụng. Tuy nhiên, nhờ dùng thẻ tín dụng thì mình cũng dần biết về kế hoạch tài chính và hoạch định cho tương lai. Chỉ tiếc là số tiền mình từng bỏ ra cho cái thẻ này cũng không ít”, Vũ Thúy nói.
Ảnh minh họa
Cần phải tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng thẻ tín dụng
Trái với những quan điểm trên, có những người trẻ dù mức lương chưa cao nhưng vẫn chọn quẹt thẻ tín dụng trong các chi tiêu hàng ngày. Thông thường, nhiều bạn e ngại dùng thẻ tín dụng vì sợ nảy sinh tâm lý ỷ lại vào chiếc thẻ, tiêu tiền nhiều hơn mức kiếm được nên có thể hình thành nợ nần.
Tuy nhiên, với Huyền Thương (25 tuổi, Hà Nội) thì cô nàng cho rằng: Nếu biết tính toán khi dùng thẻ tín dụng thì đây là một chiếc thẻ đáng tiền và không lo mang áp lực trả nợ trong tương lai. Huyền Thương đã dùng 2 thẻ tín dụng bên cạnh chuyển khoản ngân hàng và xài tiền mặt để thanh toán.
“Mình dùng một thẻ tín dụng thì được cashback 10% nếu thanh toán trên sàn thương mại điện tử và bảo hiểm y tế. Ngoài ra, mình cũng có thẻ tín dụng để được hoàn tiền khi đi grab và đi tàu, tầm 10% cashback.
Với mình, tiền hoàn của thẻ tín dụng cao hơn phí thường niên nhiều. Cái quan trọng là mọi người phải chú ý khi đến kỳ thanh toán thì phải trả nợ hết. Nếu canh không đủ tiền thì chuyển sang trả góp, thường mình áp dụng cho hàng giá trị lớn như máy giặt, tủ lạnh.
Thẻ tín dụng tính ra đối với mình, một người hiểu chút về tài chính và có thu nhập ổn định thì ok đấy. Nhiều khi mình không thiếu tiền để mua đồ, nhưng vẫn quẹt thẻ tín dụng thanh toán. Bởi hình thức trả tiền này khá tiện, và trong trường hợp cấp bách, mình có thể vay trước 1 khoản thay vì rút ra từ tài khoản tiết kiệm hàng tháng”, Huyền Thương chia sẻ.
Ảnh minh họa
Cùng có mức lương khoảng 10 triệu đồng và đã dùng thẻ tín dụng là Hoàng Tuấn (22 tuổi, Hải Phòng). Anh chàng cho biết vẫn nhận được nhiều lợi ích khi dùng hình thức thanh toán này, đặc biệt là chiết khấu cao từ thương hiệu lớn.
“Nhìn chung, bạn chỉ cần nhớ hạn thanh toán thẻ tín dụng và trả nợ đầy đủ là không lo nợ xấu. Bên cạnh đó, bạn nên mở thẻ tín dụng cần thiết, phù hợp với nhu cầu chi tiêu. Đừng mở 2-3 thẻ tín dụng cùng lúc vì bạn có thể bị quên và khó khăn trong kiểm soát tài chính. Như mình có 1 thẻ tín dụng mở để bạn làm ở ngân hàng ‘chạy’ KPI.
Tuy nhiên, mình đã đóng chúng chỉ sau vài tháng vì không nhận được nhiều ưu đãi hoàn tiền hay giảm giá từ thẻ này. Bên cạnh đó, sẽ có rất nhiều bên gọi điện để mời bạn sử dụng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, hoặc cung cấp thông tin để tự mở thẻ. Tốt nhất là bạn nên cảnh giác để tránh không bị lừa đảo”, Hoàng Tuấn bày tỏ.
Nhịp Sống Thị Trường