MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sony đang vực dậy từ “đống đổ nát”?

24-08-2016 - 15:17 PM | Tài chính quốc tế

Khi Kazuo Hirai lên giữ vị trí CEO Sony cách đây khoảng 4 năm, ông đã tuyên bố sẽ vực dậy cả công ty. Và thực sự, ông không “hứa hão”.

Kết quả báo cáo tài chính của Sony gần đây đã có những dấu hiệu khả quan hơn. Vị chủ tịch kiêm CEO công ty cũng cho biết việc cải cách cơ cấu sắp sửa hoàn thành.

Trong hàng thập kỷ, Sony từng là một công ty bất khả chiến bại. Gã khổng lồ Nhật Bản đứng đằng sau những chiếc máy nghe nhạc Walkman huyền thoại và máy chơi game nổi tiếng PlayStation đã sở hữu một thương hiệu mạnh đến nỗi chỉ cần mang danh Sony là đủ hấp dẫn khách hàng.

Nhưng những năm trước, biểu tượng của sự cải tiến và thành công đã trở thành biểu tượng của sự suy thoái, xuống dốc. Từ năm 2008 đến 2014, Sony lỗ 1 nghìn tỷ yên (9,91 tỷ USD). Một lãnh đạo đã nghỉ hưu của Sony đã tổng kết lại trong mấy từ: "Sony đã trở thành một tổ chức quan liêu đến mức không thể thách thức rủi ro".

Trách nhiệm đảo ngược tình thế thua lỗ liên miên và xói mòn văn hóa tập đoàn đè lên vai Chủ tịch kiêm CEO Kazuo Hira, người nhậm chức ngay sau khi công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 456 tỷ yên vào cuối tháng 3/2012. Một số người tự hỏi liệu Sony còn có gì để cạnh tranh với một thời đại mà phần mềm chứ không phải phần cứng mới là vua.


CEO Sony giải thích về chiến lược kinh doanh của công ty trong một sự kiện hồi tháng 6 (Nguồn: Reuters)

CEO Sony giải thích về chiến lược kinh doanh của công ty trong một sự kiện hồi tháng 6 (Nguồn: Reuters)

Thế nhưng, trong năm tài khóa 2015, Sony có được lợi nhuận ròng hợp nhất lần đầu tiên kể từ 3 năm trở lại đây. Mảng phần cứng điện tử cũng làm ăn có lãi lần đầu tiên trong vòng 5 năm. Vậy Sony có đang quay trở lại? Điều này chưa thể kết luận. Sự phục hồi của Sony không thể được đánh giá chỉ dựa trên kết quả kinh doanh mà còn phải dựa trên khả năng hấp dẫn người dùng.

Trả lời trang Nikkei Asian Review, ông Hirai tiết lộ bước tiếp theo công ty sẽ cho ra mắt những sản phẩm điện tử kích thích “trí tò mò” mà vẫn đi đôi với bản sắc của Sony. Dù đó là một chiếc TV, một con robot hay một thiết bị thực tế ảo, nhiệm vụ của một công ty sản xuất phần cứng là phải tận dụng tối đa “1 inch cuối cùng” trên mạng lưới kết nối tất cả chúng ta, ông khẳng định.

Ông Hirai cho hay: “Đóng góp to lớn nhất vào kết quả cải thiện của bản báo cáo kinh doanh năm tài khóa 2015 chính là khả năng cạnh tranh mới của các mặt hàng điện tử. Điều này bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm có giá trị thặng dư cao, chú trọng vào thiết kế, đem sản phẩm đến cho khách hàng thông qua những chiến dịch tiếp thị hiệu quả. Người tiêu dùng yêu thích những chiếc TV Bravia, smartphone Xperia và những thương hiệu khác của chúng tôi và chúng tôi kỳ vọng tất cả mảng kinh doanh thiết bị điện tử tiêu dùng đều làm ăn có lãi trong năm tài khóa hiện tại”.

Ông Hirai cũng đặt mục tiêu trong năm tài khóa 2017, lợi nhuận hoạt động của công ty sẽ đạt trên 500 tỷ yên (4,95 tỷ USD) lần đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây. Trước đó, lần gần đây nhất Sony đạt lợi nhuận hoạt động trên 500 tỷ yên là vào năm 1997. Cũng theo ông Hirai, việc cải tổ cấu trúc đã gần như hoàn tất, Sony bước vào giai đoạn tiếp theo đó là tăng trưởng và tạo ra lợi nhuận. Ông cũng cho biết, công ty sẽ dựa trên công nghệ tự động hóa và trí thông minh nhân tạo để tạo ra các sản phẩm tương xứng với bản sắc của Sony.

Khi phóng viên hỏi về việc Sony có cảm thấy mình may mắn khi vẫn trụ lại được trong ngành sản xuất TV, ông Hirai chia sẻ: “Chúng tôi không có ý định bỏ mảng kinh doanh TV. Chúng tôi kiên định tin tưởng rằng Sony có thể phục hồi lại mảng này bằng cách đem đến những sản phẩm cạnh tranh và giảm chi phí sản xuất cũng như hậu cần. Kế hoạch tôi vẽ ra từ khi làm Phó chủ tịch cấp cao đã thành công nhưng mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng”.

Thành lập năm 1946, giữa tàn tro của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, Sony đã phát triển ra một trong những máy thu thanh bán dẫn (transistor radio) dành cho người tiêu dùng đầu tiên trên thế giới và sau đó là nhiều sản phảm nổi tiếng khác. Tuy nhiên, đầu thế kỷ 21, mọi thứ bắt đầu đi xuống. Tháng 4/2003, Sony tiết lộ báo cáo thất vọng và thừa nhận tương lai phía trước sẽ rất gập ghềnh. Cổ phiếu lao dốc và chạm mức thấp nhất 2 thập kỷ. Một số đã gọi hiện tượng này là "Sony shock".

Sự phổ biến của kết nối Internet đã khiến tầm quan trọng của TV, CD, DVD bị lu mờ. Sự đa dạng hàng hóa đã cho phép các hãng giá rẻ của Trung Quốc và Hàn Quốc theo kịp và vượt mặt các nhà sản xuất Nhật Bản kỳ cựu.

Sony mất phương hướng. Hãng tụt lại sau lưng Apple trong việc kết hợp phần mềm, phần cứng và các tính năng online trong sản phẩm. Khi các cựu lãnh đạo than thở, Sony càng sợ rủi ro. Càng đi theo hướng an toàn Sony lại càng gặp khó khăn.

Nhưng khi Hirai nhậm chức, ông thề sẽ "thay đổi" Sony. Và ông không nói đùa.

Hirai không đi theo con đường cũ. Khi hàng điện tử luôn được xem là cốt lõi của Sony, ông lại đưa tên tuổi của công ty vào ngành âm nhạc ở Mỹ và ngành game ở Nhật. Chính những khoản đầu tư ngoài ngành này đã giúp Hirai vẫn có thể tiếp tục theo đuổi công cuộc tái cơ cấu dù mảng kinh doanh thiết bị điện tử vẫn theo đà sa sút, theo ông Yu Okazaki, nhà phân tích của công ty Nomura Security.

Khi Hirai và Kenichiro Yoshida, Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc tài chính, cùng nhau tham gia vào kế hoạch này, Sony đã bán hoặc sáp nhập một loạt các mảng kinh doanh: màn hình LCD cỡ vừa và nhỏ, chất hóa học, PC Vaio, pin…. Hãng cũng giảm bớt nhân sự hành chính tại trụ sở và cắt giảm 10.000 nhân viên trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Sony cố gắng duy trì doanh số mạnh trong mảng giải trí, bao gồm game, nhạc, phim và truyền hình. Tỷ suất lợi nhuận của công ty ở mảng âm nhạc lên cao nhờ sự phát triển nở rộ của dịch vụ stream nhạc trực tuyến. Máy chơi game mới nhất của hãng, PlayStation 4, cũng thành công vang dội. Với mảng TV, nhờ tập trung vào TV 4K siêu nét, hãng đã đưa mảng TV từ thua lỗ trở thành có lợi nhuận trong năm tài khóa 2014, lần đầu tiên trong 11 năm.

Giờ đây, toàn bộ mảng điện tử của Sony đã có lãi trở lại, Sony sẵn sàng đối diện với thách thức mới: Tiếp tục sáng tạo.

Một đại diện nhà đầu tư châu Âu hồi tưởng về cuộc gặp với cựu CEO Sony, Nobuyuki Idea, người bị nghi ngờ là thủ phạm gây ra “cái chết” của công ty đã kể lại: “Tôi đến Nhật để thảo luận với ông Idei về những mối quan ngại đang ngày càng lớn của Sony. Chúng tôi ăn tối cùng nhau. Tôi muốn nói về tỷ suất lợi nhuận; Idea muốn nói về loại rượu mà chúng tôi đang uống”.

Khi nhà đầu tư này chỉ ra rằng lợi nhuận hoạt động của Sony với các sản phẩm điện tử chỉ là 2-4% trong khi Samsung đạt tỷ suất lợi nhuận là 30%, Idei đã nói rất “hào hùng” rằng: “Samsung chỉ làm phụ kiện cho sản phẩm của chúng ta. Đó là sự khác nhau giữa một nhà sản xuất thép và một nhà sản xuất xe hơi. Chúng ta sản xuất xe hơi”.

Sau chuỗi dài thất bại một phần vì tư tưởng chủ quan và niềm kiêu hãnh “Chúng ta là nhà sản xuất xe hơi”, liệu Sony lần này có mắc phải sai lầm của quá khứ? Hy vọng những dấu hiệu khởi sắc trong công việc kinh doanh của công ty hứa hẹn đem đến một tương lai tốt đẹp hơn cho công ty chứ không phải là “ánh sáng lóe lên rồi chợt tắt”.

Theo Lê Kiên (Tổng hợp)

ICTnews

Trở lên trên