Sony lãi lớn 1,9 tỷ USD nhờ từ bỏ bán tivi, tủ lạnh: Cú chuyển mình ngoạn mục để thoát khỏi số phận như Toshiba, Sharp và Panasonic
Trong khi Toshiba phải bán mình với giá 14 tỷ USD, Sharp kinh doanh thua lỗ và cần chính phủ cứu trợ hay Panasonic đã có lúc muốn bán mảng tivi nổi tiếng thì Sony, một tên tuổi lớn của ngành điện tử Nhật Bản lại đang có cú chuyển mình ngoạn mục.
- 21-12-2023Đoạn kết buồn của tượng đài Nhật Bản Toshiba: Chính thức huỷ niêm yết sau 74 năm, tương lai bất định
- 19-12-2023Hàng loạt ‘siêu tượng đài’ Toshiba, Sharp, Sanyo…phải bán mình, nay người Nhật ‘lật kèo’, mua lại biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ với giá 14,9 tỷ USD
- 21-09-2023Kết thúc 74 năm 'hoàng kim', Toshiba chính thức 'bán mình' với 13,5 tỷ USD, hủy giao dịch trên sàn chứng khoán
Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của Sony đã phá vỡ dự báo của thị trường khi tập đoàn Nhật Bản này lãi đến 279,11 tỷ Yên, tương đương 1,9 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh trong quý II/2024. Con số này cao hơn 10% so với quý trước đó và cũng vượt mức dự đoán 214,3 tỷ Yên của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên điều khiến nhiều người quan tâm là Sony đạt được thành công này nhờ việc từ bỏ bán tivi tủ lạnh hay ánh hào quang "hàng điện tử Nhật Bản" xưa cũ để chuyển sang làm mảng trò chơi, âm nhạc, phim ảnh và giải trí.
Mảng giải trí hiện đóng góp đến gần 60% tổng doanh thu quý II của Sony, tăng gấp đôi so với con số chỉ 30% cách đây 10 năm.
Cụ thể mảng trò chơi điện tử của Sony nổi tiếng với dòng máy PlayStation đã thu về đến 864,9 tỷ Yên doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Mảng âm nhạc và hình ảnh thu của hãng cũng đều chứng kiến tăng trưởng doanh thu tương ứng 23% và 21%.
Số liệu này khiến nhiều người giờ đây thắc mắc liệu Sony có còn là một hãng điện tử Nhật Bản hay không khi lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng giải trí.
Quyết tâm 2 đời CEO
Tờ Financial Times (FT) cho hay rất nhiều người chơi trò chơi điện tử hiện nay biết đến cái tên Sony khi hãng cho ra mắt những trò kinh điển như "The Last of Us". Thậm chí trong mảng âm nhạc và điện ảnh, cái tên Sony cũng là một thế lực lớn với các nhà sản xuất.
Chuyên gia phân tích David Gibson của MST Financial từng nhận định rằng 2 đời CEO của Sony đã cố gắng phát triển mảng trò chơi để rồi đến đời thứ 3 là CEO Kenichiro Yoshida, hãng thiết bị điện tử Nhật Bản này đã có cú chuyển mình ngoạn mục để thoát khỏi tình cảnh như của các hãng lâu đời khác.
Thật vậy, trong khi Toshiba phải bán mình với giá 14 tỷ USD, Sharp kinh doanh thua lỗ và cần chính phủ cứu trợ hay Panasonic đã có lúc muốn bán mảng tivi nổi tiếng thì Sony, một tên tuổi lớn của ngành điện tử Nhật Bản lại đang có cú chuyển mình ngoạn mục.
Hiện phần lớn những tập đoàn điện tử tiêu dùng từng nổi tiếng của Nhật Bản đều phần lớn suy yếu, phá sản hoặc sống lay lắt với chút ít lợi nhuận.
Ngành tivi-vốn từng làm nên tên tuổi Nhật Bản như Sony, Sharp nhưng những thương hiệu này lại không chuyển đổi thành công sang dạng tivi màn hình phẳng, không bắt kịp xu thế vì sự bảo thủ.
Hậu quả là cuộc cách mạng màn hình phẳng khiến LG và Samsung của Hàn Quốc trỗi dậy.
"Đã từng có thời điểm ai cũng có đồ Sony trong nhà, nhưng giờ đây chẳng ai nhìn thấy lại hình ảnh đó một lần nào nữa", chuyên gia phân tích Tony Costa của Forrester Research nhận định.
Trong bối cảnh đó, sự thay đổi là điều tất yếu và Sony có vẻ đã thành công hơn so với những ông lớn cùng ngành.
"Họ đã quyết định thay vì làm dàn trải thì tập trung vào những mảng thế mạnh có lợi hơn, và điều đáng ngạc nhiên là Sony đang kinh doanh rất tốt trong mảng giải trí", chuyên gia Gibson nhận định.
Theo FT, Sony đã đầu tư cho các trò chơi điện tử kể cả khi ngân sách không có nhiều và chấp nhận một cuộc chiến với ngành dịch vụ Streaming đầy nóng bỏng. Kết quả là giờ đây mảng giải trí chiếm đến gần 60% doanh thu của hãng với khoản lợi nhuận vượt dự đoán.
Trước đây, các nhà phân tích chỉ chăm chú vào doanh số bán tivi hay điện thoại của Sony thì giờ đây họ sẽ phải tìm hiểu thông tin về trò chơi điện tử, các phim bom tấn của Sony hay các bài hát liên quan đến mảng âm nhạc của tập đoàn này.
Tính từ khi dịch chuyển sang mảng giải trí từ năm 2013, giá cổ phiếu của Sony đã tăng hơn 10 lần.
Anime và Game
Trong số những mảng giải trí mạnh nhất của Sony thì hoạt hình (Anime) được đánh giá là chủ chốt bởi đây không chỉ là miếng bánh béo bở tại Nhật Bản mà còn đang dần bùng nổ mạnh trên khắp thế giới nhờ Internet và toàn cầu hóa.
Năm 2020, Sony đã mua lại dịch vụ streaming hoạt hình Crunchyroll từ AT&T với giá 1,2 tỷ USD và hiện kênh này đã có 10 triệu lượt đăng ký. Mục tiêu của Sony là xây dựng một đế chế kinh doanh hoạt hình lớn nhất thế giới.
Bởi vậy tập đoàn công nghệ Nhật Bản này đã đi một nước cờ táo bạo khi phân phối các sản phẩm phim hoạt hình của mình cho cả những nền tảng streaming trực tuyến đối thủ của Crunchyroll để tối đa hóa lợi nhuận.
"Nếu xét về quyền phân phối các bộ phim anime thì Sony đang sở hữu bản quyền. Họ đang đi những nước cực kỳ đúng đắn trong ngành game, hoạt hình và cả phim ảnh nữa. Sony giờ đây là tập đoàn giải trí chứ chẳng phải công nghệ nữa rồi", chuyên gia phân tích Atul Goyal của Jefferies thừa nhận.
Báo cáo của Hiệp hội hoạt hình Nhật Bản (AJA) cho thấy trong thời kỳ đại dịch, doanh số bán anime đã bùng nổ qua các nền tảng trực tuyến trong nước và thậm chí lan rộng trên toàn thế giới khi người dân bị cách ly ở nhà. Chính điều này đã tạo thêm một cú hích lớn cho Sony.
Số liệu mới nhất cho thấy tổng giá trị thị trường toàn cầu của ngành hoạt hình Nhật Bản đã đạt kỷ lục 2,7 nghìn tỷ Yên, tương đương 20 tỷ USD trong năm 2021. Các ước tính của hãng SkyQuest Technology Consulting và nhiều chuyên gia phân tích của Sony cho thấy thị trường anime toàn cầu đang tăng trưởng 10%/năm và có thể đạt 47,14 tỷ USD vào năm 2028.
Năm 2021, thị trường ngoài Nhật Bản cho anime chiếm tới 1,3 nghìn tỷ Yên và các chuyên gia đều đồng ý rằng khán giả nước ngoài sẽ đóng góp ngày càng nhiều doanh thu cho hoạt hình xứ sở mặt trời mọc. Thậm chí trong năm 2023, nhiều dự báo cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, doanh thu anime ở thị trường nước ngoài sẽ vượt mặt cả quê hương Nhật Bản.
Nói đến sự dịch chuyển của Sony sang mảng giải trí thì không thể không nói đến trò chơi "The Last of Us", tựa game đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Đây là bước ngoặt quan trọng khiến Sony bành trướng lãnh thổ từ mảng game sang các hạng mục phim ảnh, âm nhạc khác.
Tựa game này được ra mắt vào năm 2013 trên hệ máy PlayStation, do một studio trực thuộc Sony sản xuất. Ngay lập tức chúng trở thành hiện tượng khi bán được 37 triệu bản cũng như thu hút được vô số người hâm mộ. Sức hút của dòng game này đã khiến đài HBO của Mỹ ký hợp đồng dựng thành phim truyền hình, qua đó cho thấy sức lan tỏa của Sony.
Không dừng lại đó, nhiều sản phẩm game của Sony cũng đang được dựng thành phim như "Horizon Zerro Dawn" do Netflix sản xuất, "God of War" do Amazon Prime Video ký hợp đồng.
"Giờ đây tôi đều phải trả tiền cho Sony khi nghe các bài hát của ban nhạc The Clash hay xem bộ truyền hình ‘The Boys’ trên Amazon. Nếu tôi là người hâm mộ ‘Người Nhện’ thì chắc chắn sẽ phải trả khá nhiều tiền cho Sony để mua các sản phẩm liên quan, từ phim ảnh đến game", chuyên gia Pelham Smithers chuyên theo dõi Sony thừa nhận.
*Nguồn: CNBC, FT
An ninh tiền tệ