Sốt đất nền chưa tác động lớn vào tiền gửi
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 4/2017 tổng huy động vốn của các TCTD tăng gần 2%, trong khi tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2016.
- 18-04-2017Phá sản ngân hàng: Tiền gửi của người dân sẽ thế nào?
- 13-04-2017Có nên tăng lãi suất tiền gửi USD?
- 24-03-2017Vì sao các ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi?
Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) khẳng định, thời điểm tháng 4/2017 vừa qua có hiện tượng “sốt giá ảo” ở một số khu vực vùng ven như quận 9, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh… Theo đó, HoREA đã gửi kiến nghị tới các cấp chính quyền TP.HCM, cấp bách đưa ra các giải pháp hạ nhiệt cơn sốt giá đất nền vùng ven và phòng ngừa rủi ro cho người dân trong các giao dịch nhà đất.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trong một năm qua giá đất nền đã tăng mạnh ở mức từ 30% đến 70% tại các quận, huyện vùng ven TP.HCM. Điều này khiến cho giới đầu cơ chuyển hướng đổ tiền vào việc mua bán, sang nhượng BĐS. Lượng tiền đổ vào mua bán đất nền, nhà phố xây sẵn tăng lên hàng trăm ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiền gửi đang tiếp tục tăng vào hệ thống ngân hàng trong hai tháng gần đây
Ở một diễn biến mới nhất, thị trường đất nền TP.HCM đã có sự lắng dịu nhất định trong tuần gần đây. Các ngân hàng ở TP.HCM cho rằng, lượng tiền gửi chưa có biến động lớn trong thời gian sốt đất nền trong thời gian qua. Trưởng Phòng giao dịch của một NHTM (Q.2, TP.HCM) cho rằng, dòng tiền tiết kiệm của người dân trong những tháng đầu năm nay có biến động nhẹ. Theo đó, một bộ phận người dân có tiền nhàn rỗi tranh thủ đặt cọc chờ giá tại các dự án được quảng cáo có mức sinh lợi cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Thậm chí, một số người vừa rút tiền tiết kiệm, vừa vay thêm tiền NH để mua nhà ở tại các dự án chung cư tầm trung ở các khu vực vùng ven vì lo ngại giá đất sẽ tiếp tục lên mạnh.
Thực tế, trong quý I/2017 các NHTM liên tục nâng thêm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài như một cách cơ cấu lại nguồn vốn để có thể cho vay BĐS với kỳ hạn dài. Trong thời điểm 3 tháng đầu năm 2017, huy động vốn của hệ thống các TCTD trên địa bàn TP.HCM ghi nhận một thực tế không tăng, trong khi tín dụng vẫn tăng trưởng đều đặn. Cùng lúc, cho vay BĐS có tài sản thế chấp của các NHTM đang có sức bật mạnh hơn so với các mảng cho vay khác. Đơn cử, cuối tháng 4/2017, chỉ trong vài đợt mở bán căn hộ, các chủ đầu tư BĐS vùng ven TP.HCM như Phú Mỹ Hưng, Him Lam Land, PHPReal… đã bán hết gần 5.000 căn hộ chung cư với giá dao động từ 1,65-1,85 tỷ đồng/căn.
Lãi suất vay mua nhà dành cho cá nhân hiện nay ở mức 7,5%/năm đến 9,5%/năm áp dụng cho 6 tháng đến 12 tháng đầu tiên sau ngày giải ngân, sau đó các NHTM áp dụng lãi suất tiền gửi 12 tháng cộng thêm 3%-3,5% lãi suất những năm tiếp theo. Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 4/2017 tổng huy động vốn của các TCTD tăng gần 2%, trong khi tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2016.
Các chuyên gia tài chính phân tích, trong bối cảnh sốt ảo giá đất ở TP.HCM hiện nay, nếu so với kênh gửi tiết kiệm NH, thì mức độ rủi ro của hoạt động đầu tư đất nền, nhà phố là rất lớn. TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng, nếu người dân thực sự có nhu cầu mua nhà ở thì tốt nhất vẫn nên chọn các dự án có các NHTM đang bảo lãnh. Bởi thực tế, về mặt pháp lý, BĐS đối với phân khúc đất nền hiện nay ở nhiều nơi chưa hoàn thiện. Nếu “đánh cược” rút tiền đầu tư để kỳ vọng giá lên thì rủi ro cực lớn. Đó là chưa kể nếu vay thêm tiền để mua thì rủi ro còn lớn hơn.
Thời báo ngân hàng