MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sốt giá cà chua không chỉ ở Việt Nam

19-12-2021 - 13:14 PM | Thị trường

Sốt giá cà chua không chỉ ở Việt Nam

Giá cà chua tăng cao đang là chủ đề chung của toàn thế giới, nguyên nhân do áp lực từ các loại virus trên cây cà chua như ToBRV, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường và chi phí sản xuất tăng.

Tại Trung Quốc, thời tiết xấu và chi phí sản xuất tăng khiến giá cà chua duy trì ở mức cao kéo dài.

Từ mùa Hè cho đến nay, giá cà chua Trung Quốc luôn duy trì cao. Cách đây một thời gian, Sơn Đông, Hà Bắc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam và những nơi khác bị mưa lớn liên tục trong nhiều ngày khiến tỷ lệ đậu trái ở cây cà chua thấp hơn bình thường, làm giảm đáng kể lượng cung cà chua cho thị trường so với những năm trước.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng, kéo giá thành sản xuất tăng; giá dầu tăng cũng khiến chi phí vận chuyển tăng, góp phần đẩy giá rau nói chung và cà chua nói riêng tăng mạnh.

Hiện tại, giá bán cà chua ở Trung Quốc nhìn chung vẫn ở mức cao, khoảng 6 nhân dân tệ/500 gram.

Trong những năm gần đây, nhu cầu cà chua bi cao cấp ở các thành phố cấp một của Trung Quốc đã tăng mạnh. Chẳng hạn như ở Thượng Hải, do diện tích trồng trọt ở khu vực thành thị hạn chế nên nguồn cung cà chua bi hiện tại chưa bằng 1/5 tổng lượng tiêu thụ. Vì vậy, một số công ty đã bắt đầu xây dựng nhà kính tại các khu đô thị trong thành phố để giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo nguồn cung cà chua bi tại địa phương.

Trong khi đó, tại Châu Âu, khủng hoảng năng lượng, thời tiết bất lợi và virus gây áp lực lên người trồng cà chua.

Sau một mùa Hè giá cà chua cao ngất ngưởng, giá cà chua tiếp tục cao kể cả ở mùa Thu, thậm chí còn tăng cao hơn mùa Hè, trái ngược với xu hướng của những năm gần đây. Thông thường, tháng 11 giá cà chua thường giảm nhẹ vì lượng cà chua nhập khẩu tăng cao, song năm nay mọi thứ không theo quy luật. Giá cà chua ở Hà Lan và Bỉ đều tăng tiếp trong tháng 11.

Trong các nhà kính trồng cà chua của Hà Lan và Bỉ, đèn đã sáng từ cuối tháng 11. Đã đến lúc ánh sáng tự nhiên không đủ cho các loại cây trồng. Thị trường cà chua Hà Lan và Bỉ năm nay có sự đặc biệt do giá liên tục cao kể từ mùa Hè tới nay.

Ở thời điểm hiện tại, giá năng lượng cao là yếu tố quan trọng nhất khiến giá cà chua không thể hạ nhiệt. Hầu hết những người không sử dụng điện thắp sáng cho cây cà chua hiện đang chuyển sang trồng những loại cây khác, chuẩn bị cho một vụ cà chua mới sau vài tháng tới. Ngay cả đối với những người sử dụng điện thắp sáng, mùa cà chua năm nay cũng không thuận lợi trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp diễn. Một số nông dân ở Bỉ và Hà Lan đã lựa chọn giải pháp từ bỏ những loại cây cần thắp sáng. Một số người khác điều chỉnh chiến lược chiếu sáng hoặc chiến lược canh tác, theo đó giảm bớt lượng điện sử dụng. Do đó, cây trồng phát triển chậm hơn.

Ngoài khó khăn về giá năng lượng cao, virus gây bệnh cho cây cà chua cũng đang góp phần giữ giá ở mức cao. Virus ToBRFV đã tấn công quả cà chua ở cả Hà Lan và Bỉ, buộc nhiều người nông dân phải phá bỏ những cánh đồng cà chua đi để chuyển sang trồng dưa chuột hoặc ớt ngọt.

Ngành sản xuất cà chua Italy cũng gặp nhiều khó khăn kể từ mùa Hè, khi nhiệt độ cao khiến các loại bệnh như virus hại trái cà chua xuất hiện. Nắng nóng đã làm giảm một nửa sản lượng cà chua của Italy, trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng. Giá cà chua trung bình ở Italy lên tới 1,5 euro/kg nhưng cũng chưa đủ trang trải chi phí cho người sản xuất.

Ở những nơi khác trên thế giới, giá cà chua năm nay cũng tăng bất thường. Tại Nam Phi, giá cà chua tăng cao cũng do yếu tố thời tiết, cụ thể là mưa quá nhiều. Trong khi đó, giá ở Mỹ gần đây giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Tại Việt Nam, giá cà chua cũng đang tăng bất thường. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá tăng gấp đôi trong vòng một tháng qua, lên tới 50.000 – 60.000 đồng/kg. Tại các địa phương, giá cà chua cũng dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/kg tùy loại. Đáng lo ngại là xu hướng giá tăng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lý giải nguyên nhân cà chua khan hiếm và tăng giá đột biến, trước hết phải kể tới việc giá rau củ trong nước tăng cao từ tháng 9 tới nay do mưa lớn kéo dài làm cho cây ngập úng. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 kéo dài khiến bà con lo ngại có thể rơi vào tình trạng nông sản thu hoạch không bán được như đã từng xảy ra nên thu hẹp diện tích trồng. Ngoài ra, nhiều vùng trồng ở miền Tây và thủ phủ Đà Lạt chuyển đổi cây trồng, giảm diện tích trồng cà chua nên lượng hàng bán ra thị trưởng giảm mạnh.

Trong khi đó, nguồn cung cà chua nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng do việc thông quan hàng hóa từ Trung Quốc chậm hơn bình thường. Hiện nay diện tích trồng cà chua chỉ còn ở một số vùng như Mộc Châu, Đà Lạt nên việc thông quan gặp khó khăn sẽ khiến cho sản lượng giảm. Mặt khác, giá cà chua ở chính Trung Quốc cũng tăng cao kéo dài do yếu tố thời tiết và chi phí sản xuất tăng.

Sắp đến mùa thu hoạch cà chua ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Với thời tiết khô ráo và có nắng, dự kiến khoảng 2 tuần nữa giá cà phê trong nước sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá cà chua thế giới dự báo sẽ vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, mặc dù đã giảm chút ít so với mức cao nhất của năm nay.

Tham khảo: Freshplaza

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên