MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sốt ruột chờ chính sách visa

Chính phủ vẫn chưa quyết định sẽ dừng hay tiếp tục gia hạn chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu trong khi thời hạn kết thúc là 30-6 đã cận kề.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2017 đứng thứ 67/136 quốc gia. Trong đó, yêu cầu về thị thực (visa) ở mức thấp với thứ hạng 116/136 quốc gia.

Chính sách thị thực còn khắt khe

Việt Nam hiện mới miễn thị thực du lịch cho công dân 24 nước, ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Indonesia đã miễn thị thực cho công dân 168 nước; Malaysia miễn cho công dân 162 nước; Singapore, Philippines 159 nước; Thái Lan 57 nước... Các nước này cũng áp dụng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khẳng định miễn visa là chính sách cực kỳ quan trọng trong phát triển du lịch. Theo Hội đồng Lữ hành thế giới, chính sách visa cởi mở sẽ làm tăng từ 8%-10% lượng khách. Điều này minh chứng rõ ngay năm đầu tiên miễn thị thực (2015) cho 5 nước Tây Âu đã có 720.000 lượt khách Tây Âu đến Việt Nam. Năm 2016, con số này tăng lên 835.000 lượt, tăng 16%, doanh thu đạt 202 triệu USD. Năm 2017, lượng khách Tây Âu cán mốc 1,5 triệu lượt người.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng đối với một thị trường xa như Tây Âu, khách du lịch chi trả cao thì con số tăng trưởng 15%-20% Việt Nam đạt được mỗi năm là niềm mơ ước với nhiều nước.

Sốt ruột chờ chính sách visa - Ảnh 1.

Du khách châu Âu trải nghiệm tour tham quan phố cổ Hà Nội bằng xích lô Ảnh: PHONG LINH


"Khi mở cửa, khách lập tức sẽ tăng trưởng. Visa là điều đầu tiên thể hiện thái độ của chúng ta với khách du lịch, có chào đón, mời mọc họ không. Khách du lịch luôn muốn đến những nước có thủ tục visa đơn giản, thủ tục nhập cảnh dễ dàng" - ông Bình nói.

Nhiều địa phương, hiệp hội, bộ, ngành… gần đây liên tiếp kiến nghị Chính phủ tiếp tục miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho hay tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân hồi tháng 7-2017, TAB cũng đã đề xuất cần cải thiện chính sách visa nhưng đến nay mới có 2 cải thiện nhỏ là có thêm 6 nước được áp dụng visa điện tử và Chile được miễn thị thực nhập cảnh.

Năm nước là thị trường nguồn của du lịch Việt Nam tại châu Âu sẽ hết thời hạn miễn thực vào ngày 30-6 nhưng phản hồi từ Bộ Ngoại giao và Bộ Công an vẫn là nên hạn chế số nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.

Kiến nghị gia hạn, mở rộng diện miễn visa

Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh để du lịch được cởi trói thì cần gia hạn miễn thị thực, đồng thời mở rộng các nước được miễn. Về thời hạn, nên miễn 5 năm để các công ty du lịch dễ dàng trong việc thiết kế các tour cho khách. Theo ông Bình, thời hạn 15 ngày rất khó thiết kế tour đối với khách chi trả cao, nghỉ dài. Việc không cho phép quay trở lại sau 30 ngày cũng nên hủy bỏ để khách có quyền quay trở lại ngay.

Ông Lê Công Năng, Trưởng Phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty Du lịch Vietrantour, cho rằng nhiều đoàn khách đến từ 5 nước Tây Âu trong thời điểm này sẽ gặp khó khi lên kế hoạch du lịch Việt Nam vì chưa có thông tin chính sách miễn visa được gia hạn. Thông thường, khách du lịch ở các nước châu Âu lên kế hoạch cho chuyến du lịch trước từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy, khi biết chính sách miễn visa vào Việt Nam đối với công dân nước họ sắp hết hiệu lực, du khách sẽ tạm dừng kế hoạch du lịch Việt Nam ít nhất đến hết ngày 30-6 để chờ chính sách gia hạn. Như vậy, chính sách miễn thị thực chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm sẽ trở thành rào cản khiến Việt Nam mất đi một lượng khách không hề nhỏ.

Ông Kenneth Atkinson, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cảnh báo nếu Việt Nam xóa chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu thì lượng khách đến Việt Nam sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng vì các nước khác đều tạo thuận lợi nhiều hơn về thị thực.

"Loại bỏ miễn thị thực sẽ là một bước lùi, sẽ gửi thông điệp xấu đến ngành du lịch nói chung và chắc chắn tác động rộng hơn chứ không chỉ là 5 nước" - ông Kenneth Atkinson nói.

Đề xuất miễn visa lên 30 ngày

Chuyên gia kinh tế - TS Lương Hoài Nam cho rằng đối với du khách quốc tế từ các nước phát triển, vấn đề visa không phải ở mức phí vì nó quá nhỏ trong tổng chi phí chuyến đi mà là ở sự nhiêu khê, cảm giác khó chịu nếu phải xin visa, trong khi họ được miễn visa vào nhiều nước khác.

Ông Nam đề xuất Chính phủ cần tăng số ngày miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày cho công dân 12 nước đã được miễn visa để phù hợp với độ dài các tour xuyên Việt và số ngày nghỉ phép của du khách. Ngoài ra, kéo dài thời hạn các chương trình miễn visa du lịch hiện đang là từng năm lên mỗi giai đoạn dài 5 năm hoặc tốt hơn nữa là dài 10 năm để các doanh nghiệp hàng không, du lịch yên tâm đầu tư.


Theo Yến Anh

Người lao động

Trở lên trên