Spam - "Huyền thoại” đại diện ẩm thực Mỹ: Từ khẩu phần ăn của binh lính đến món khai vị đắt đỏ giữa trung tâm New York
Tính từ lúc sản phẩm đầu tiên được bán ra vào năm 1937, đã có hơn 8 tỷ hộp Spam được tiêu thụ trên 44 triệu quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với gần 13 hộp được tiêu thụ mỗi giây, Spam tự hào trở thành đại diện cho nền ẩm thực Hoa Kỳ.
Thành công của Spam đến từ 2 yếu tố: thứ nhất là xuất hiện đúng thời điểm, và thứ hai là việc tạo được sự kết nối với khách hàng, trở thành đại diện cho lòng khẳng khái và tháo vát của người Mỹ.
"Gãi đúng chỗ ngứa"
Nguyên liệu chủ yếu của Spam là thịt vai lợn (từng là phần thải của các cửa tiệm thịt heo), cùng với một tỷ lệ lớn muối, nước, đường và Natri nitrit.
Công thức này tồn tại mãi đến năm 2009, khi tập đoàn Hormel thêm tinh bột khoai tây để giảm lượng gelatin tạo ra trong quá trình chế biến Spam.
Thành phần của hộp thịt Spam
Khi xuất hiện trên thị trường vào năm 1937, Spam là loại thịt hộp duy nhất trên thị trường không cần bảo quản lạnh, đặc tính này khiến Spam trở nên nổi bật trong mắt người tiêu dùng.
Tập đoàn Hormel còn chủ động tạo tiếng vang khi tổ chức một cuộc thi đặt tên, kết quả là diễn viên Kenneth Daigneau được chọn là người thắng cuộc với cái tên "Spam", nhận số tiền thưởng 100 USD.
Sau khi chọn được tên sản phẩm phù hợp, Hormel Foods đầu tư mạnh vào quảng cáo, nhấn mạnh tính linh hoạt của Spam trong nhiều công thức chế biến nhằm xóa tan hoài nghi về hương vị nhàm chán của sản phẩm.
Nổi bật hơn cả là vào năm 1940, khi tập đoàn Hormel cho ra mắt quyển sách nấu ăn dày 20 trang, trong đó có đến 50 cách để chế biến và sử dụng Spam.
Không những thế, Spam còn được sinh "đúng thời" với hai sự kiện lịch sử quan trọng: Đại khủng hoảng những năm 1930 và Chiến tranh Thế giới thứ Hai những năm 1940.
Với sự kiện đầu tiên, Spam trở thành một thực phẩm "phải có" trong bếp với giá thành rẻ, hạn sử dụng lâu và không cần bảo quản lạnh. Không những thế, các bà nội trợ còn nhanh chóng nhận ra Spam dễ dàng được chiên, hấp, luộc, nướng …
Con đường phát triển của Spam như "diều gặp gió" khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai nổ ra. Không những trở thành loại thực phẩm chủ yếu cho hậu phương gặp phải khó khăn tài chính vì chiến tranh, Spam còn trở thành khẩu phần ăn mặc định của quân đội với "độ bền" cao nhất trong các loại thực phẩm đóng hộp.
Ước tính có đến 68 triệu ký Spam được quân đội Mỹ tiêu thụ trong thời gian tham gia cuộc chiến. Không ít quân nhân còn bôi trơn súng ống và chống thấm nước cho giày bằng một lớp mỡ trong Spam.
Spam trở thành khẩu phần ăn chính của quân đội Mỹ
Và tại mỗi nước mà Mỹ đóng quân, Spam lại được "tuồng" ra cho người dân bản địa để đổi lấy các thực phẩm tươi sống khác.
Đặc biệt tại châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, khi Spam nhanh tróng trở thành một món ăn có tiếng. "Spam không những chịu được khí hậu khắc nghiệt mà còn "sống sót" qua nhiều tháng tích trữ." nhà sử học Rachel Laudan cho hay.
Kể từ đó, Spam đã trở thành một thực phẩm thiết yếu trong "kho dự trữ" ở nhiều hộ gia đình, nhất là khi quốc gia đó đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế.
Từ thiết yếu thành huyền thoại
Thành công về mặt doanh thu là thế, Hormel Foods vẫn mong muốn biến Spam thành một sản phẩm vượt qua cái mác "giá rẻ và tiện lợi".
Và một lần nữa, Hormel Foods lại đi trước thời đại khi đưa ra một hướng marketing chưa từng được hãng nào áp dụng: Sử dụng Spam là yêu nước Mỹ.
Bắt đầu với nhóm nhạc Hormel Girls được hãng này tài trợ, nhiều nữ sĩ quan sau khi xuất ngũ đã trở thành một phần trong chuyến đi xuyên quốc gia, trình diễn những bài hát yêu nước và "tiện thể" quảng cáo về Spam.
Nhóm nhạc này còn vinh dự xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình quốc gia.
Ngoài ra, Spam còn trở thành nhà tài trợ chính cho Lễ hội ẩm thực Spamarama, thành lập Bảo tàng Spam, tổ chức cuộc thi chế biến Spam vào năm 1991, tài trợ cho một đội đua NASCAR vào năm 1995 và lấn sang lĩnh vực sân khấu với vở nhạc kịch Spamalot vào năm 2005.
Không chỉ dần trở thành một thương hiệu "chuẩn Hoa Kỳ", Spam còn dần len lỏi vào nền ẩm thực và văn hóa của nhiều nước trên thế giới.
Tại Hawaii, nơi tiêu thụ ít nhất 7 triệu hộp Spam mỗi năm, có hàng chục cửa hiệu McDonald’s với những sản phẩm "bản địa" như Spam & trứng, cơm Spam và Spam cuộn rong biển, tất cả đều là món ăn được ưa chuộng.
Tại Hàn Quốc, Spam còn vươn lên thành một món quà tặng phổ biến vào mỗi dịp lễ Tết. Tại Anh, Spam được chiên giòn với khoai tây chiên, trở thành món ăn ưa thích tại các quán bar.
Còn tại Philippines, "Spamsilog" trở thành một bữa sáng quốc dân khi kết hợp với cơm chiên và trứng ốp la.
Ngay tại quê nhà Mỹ, Spam cũng dần len lỏi vào menu của nhà hàng cao cấp, như món Cơm chiên Spam với nhum biển và nấm tại Liholiho Yacht Club, hay món Pasta ăn kèm Spam và nấm cục truffles tại nhà hàng Noreetuh New York.
Từ sản phẩm phục vụ cho binh lính cho đến món ăn lên đến 40 USD tại những nhà hàng nổi tiếng nhất, Spam chắc chắn đã khiến vô số nhà đầu tư đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Kết quả
Tính đến hết năm 2019, Spam đã liên tiếp phá kỷ lục doanh số của mình trong 5 năm liên tiếp.
Mặc cho xu hướng "ăn lành mạnh" ngày một phổ biến, trong giai đoạn 2017- 2019, doanh thu của tập đoàn Hormel đã tăng 3,6%, lên 9,5 tỷ USD/năm. Lợi nhuận của tập đoàn cũng tăng mạnh lên 980 triệu một năm với tỷ suất lợi nhuận tăng từ 9,2% lên 10,3%.
Với tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, Hormel Foods được dự đoán sẽ tiếp tục phá kỷ lục trong một năm 2020 đầy bất ổn.
Trí thức trẻ