MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sri Lanka đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì khủng hoảng COVID-19

04-01-2022 - 17:37 PM | Tài chính quốc tế

Một người đàn ông trả tiền mua rau tại chợ ở Colombo. Ảnh: Getty Images

Một người đàn ông trả tiền mua rau tại chợ ở Colombo. Ảnh: Getty Images

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và y tế ngày càng trầm trọng, Sri Lanka đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ vào năm 2022 khi lạm phát tăng lên mức kỷ lục, giá lương thực tăng vọt và kho bạc cạn kiệt.

 

Theo trang The Guardian (Anh), do tác động của COVID-19 và ảnh hưởng của đại dịch đến ngành du lịch, chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng. Cùng với mức chi tiêu tăng vọt, việc cắt giảm thuế đã khiến nguồn thu của đất nước bị thâm hụt, các khoản trả nợ lớn cho Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong một thập kỷ. Trong khi đó, việc chính phủ in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài đã thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Lạm phát tăng cao

Ngân hàng Thế giới ước tính khoảng 500.000 người dân ở Sri Lanka đang sống trong tình trạng dưới mức nghèo đói kể từ khi đại dịch bùng phát.

 Sri Lanka đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì khủng hoảng COVID-19  - Ảnh 1.

Một người lao động ngồi trên xe đẩy hàng trên một con phốở Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Reuters

 

Lạm phát đạt mức cao kỷ lục 11,1% vào tháng 11/202. Hơn nữa, giá cả leo thang đã khiến những người dân, dù trước đây rất khá giả, cũng đang phải vật lộn để nuôi sống gia đình. Nhiều người thậm chí không đủ khả năng chi trả cho các loại hàng hóa thiết yếu. Sau khi Tổng thống Rajapaksa tuyên bố Sri Lanka đang trong tình trạng khẩn cấp về kinh tế, nước này đã triển khai quân đội để đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, bao gồm gạo và đường, được bán theo giá chính phủ ấn định. Nhưng giải pháp này “như muối bỏ bể”, chẳng làm được gì để xoa dịu nỗi đau của người dân.

Anurudda Paranagama, một lái xe ở thủ đô Colombo, đã phải làm thêm việc để chi trả chi phí ăn uống tăng cao và trang trải khoản vay mua ô tô, nhưng anh vẫn không thể xoay xở đủ. “Tôi khó mà trả nợ được. Đến khi phải trả tiền điện, tiền nước và tiền ăn uống thì không còn đồng nào”, anh nói và cho biết hiện gia đình anh chỉ ăn 2 bữa một ngày thay vì 3 bữa như thường lệ.

Một người bán tạp hóa trong làng của Paranagama phải bóc gói sữa bột 1kg, chia thành nhiều gói 100g, vì nhiều khách hàng không đủ tiền mua cả gói. Paranagama cho biết trước đây, anh mua 1kg đậu ăn cả tuần, nhưng giờ chỉ mua được 100g.

 Sri Lanka đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì khủng hoảng COVID-19  - Ảnh 2.

Một người bán buôn gạo bắt đầu giao dịch tại Pettah, một trung tâm thương mại ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh: EPA

 

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, mất việc làm và nguồn thu quan trọng từ du lịch, vốn đóng góp hơn 10% GDP của đất nước, là rất đáng kể. Trên 200.000 người đã mất kế sinh nhai trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.

Tình hình trở nên tồi tệ đến mức nhiều người dân đang tìm cách rời Sri Lanka để ra nước ngoài. Trong hàng người dài tại văn phòng hộ chiếu, cứ 4 người thì có một người nói muốn rời khỏi đất nước. Họ chủ yếu là người trẻ và có học thức. Còn với những công dân lớn tuổi hơn, tình trạng hiện tại gợi nhớ đến đầu những năm 1970 - khi sản lượng hàng hóa trong nước ở mức thấp, cùng với việc kiểm soát nhập khẩu - đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa cơ bản. Người dân khi đó đã phải xếp hàng dài để mua bánh mì, sữa và gạo.

Cựu Phó thống đốc Ngân hàng trung ương WA Wijewardena cảnh báo cuộc đấu tranh của những người dân sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính, từ đó khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn.

Gánh nặng nợ nước ngoài 

 Sri Lanka đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì khủng hoảng COVID-19  - Ảnh 3.

Ảnh: Shutterstock

 

Một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với Sri Lanka là gánh nặng nợ nước ngoài khổng lồ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Quốc gia này nợ Trung Quốc hơn 5 tỉ USD và năm ngoái đã vay thêm 1 tỉ USD từ Bắc Kinh để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính cấp bách,

Trong 12 tháng tới, Sri Lanka sẽ phải hoàn trả các khoản vay trong và ngoài nước, ước tính khoảng 7,3 tỉ USD, bao gồm khoản hoàn trả 500 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 1. Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2021, dự trữ ngoại tệ sẵn có của nước này chỉ còn 1,6 tỉ USD.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ramesh Pathirana cho biết Sri Lanka hy vọng sẽ giải quyết các khoản nợ dầu với Iran bằng trà. Theo đó, nước này sẽ gửi cho Iran lượng trà trị giá 5 triệu USD mỗi tháng để tiết kiệm nguồn tiền tệ cần thiết.

Nghị sĩ đối lập và nhà kinh tế Harsha de Silva gần đây đã nói với quốc hội rằng vào tháng 1/2023, Sri Lanka sẽ chỉ còn 437 triệu USD dự trữ ngoại tệ. Trong khi tổng nợ nước ngoài sẽ tăng lên tới 4,8 tỉ USD từ tháng 2-10/2022.  “Quốc gia sẽ hoàn toàn vỡ nợ”, ông nói.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajith Nivard Cabraal đã đảm bảo rằng Sri Lanka có thể trả các khoản nợ của mình “liền một lúc”, nhưng Wijewardena cho biết nước này có nguy cơ vỡ nợ rất lớn, dẫn đến hậu quả kinh tế thảm khốc.

Ngành nông nghiệp điêu đứng

 Sri Lanka đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì khủng hoảng COVID-19  - Ảnh 4.

Nông dân Sri Lanka chật vật vì lệnh cấm phân bón hoá học và thuốc trừ sâu. Ảnh: AP

 

Trong khi đó, quyết định đột ngột vào tháng 5 của Tổng thống Rajapaksa về việc cấm tất cả loại phân bón hoá học và thuốc trừ sâu đã buộc nông dân phải sử dụng sản phẩm hữu cơ, đẩy ngành nông nghiệp vốn thịnh vượng trước đây rơi vào tình trạng điêu đứng hơn bao giờ hết. Nhiều nông dân đã quen sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không thể tìm ra giải pháp thay thế để tạo ra cây trồng khỏe mạnh hoặc diệt cỏ dại và côn trùng. Nhiều người sợ bị thua lỗ đã quyết định không trồng trọt, làm tăng thêm tình trạng thiếu lương thực ở Sri Lanka.

Vào cuối tháng 10, chính phủ đã buộc phải quay đầu và nông dân hiện đang phải vật lộn để trang trải chi phí nhập phân bón cao ngất ngưởng mà mà không có sự trợ giúp.

“Chi phí trồng lúa mì đã tăng lên một cách chóng mặt. Chính phủ không có tiền trợ cấp phân bón", Ranjit Hulugalle, một nông dân nói và cho biết nhiều người không muốn đầu tư thêm vì không biết liệu có thu được lợi nhuận hay không.

Chính phủ đã phải sử dụng các biện pháp cứu trợ tạm thời, như hạn mức tín dụng để nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu từ đồng minh láng giềng là Ấn Độ, cũng như hoán đổi tiền tệ từ Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh và các khoản vay để mua xăng dầu từ Oman. Tuy nhiên, những khoản vay này chỉ có thể cứu trợ trong ngắn hạn và cần hoàn trả nhanh chóng với lãi suất cao, làm tăng thêm gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka.

Anushka Shanuka – huấn luyện viên thể dục, một trong những người từng có cuộc sống sung túc nhưng giờ đang phải vật lộn để kiếm sống – chia sẻ: “Chúng tôi không thể sống như trước đại dịch,” ông nói và cho biết giá rau đã tăng hơn 50%. “Chính phủ hứa sẽ giúp chúng tôi nhưng không có gì xảy ra, vì vậy chúng tôi đang nỗ lực nhất có thể. Nhưng không biết chúng tôi có thể bám trụ thế này được bao lâu nữa ”.

Theo Vân Khánh

Báo Tin Tức

Trở lên trên