MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSF tăng vốn 215%: Từ sản xuất giày bata trở thành công ty giáo dục, liên quan tới Thành Bưởi

Lỗ âm vốn chủ sở hữu, SSF muốn phát hành riêng lẻ 6,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 100 tỷ đồng. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, trong khi thị giá trên sàn 2.700 đồng/cp và giá trị sổ sách -9.674 đồng/cp. Danh sách nhà đầu tư chiến lược có 3 cá nhân, trong đó có đại diện từ nhà xe Thành Bưởi. Số tiền phát hành dùng để trả nợ và đầu tư dự án giáo dục (trường trung học cơ sở).

Thị giá 2.700 đồng/cp, SSF muốn phát hành riêng lẻ giá 10.000 đồng/cp

CTCP Giáo dục G Sài Gòn ( UPCoM: SSF ) đang lấy ý kiến cổ đông về việc chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Tổng khối lượng là 6,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ phát hành 215%.

Giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cp, tương ứng với số tiền thu về 68 tỷ đồng. Thị giá cổ phiếu SSF đi ngang ở mức 2.700 đồng/cp, thấp hơn 73% so với giá chào bán riêng lẻ. Giá trị sổ sách của công ty theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2019 là âm 9.674 đồng/cp.

Danh sách cổ đông chiến lược bao gồm 3 cá nhân. Người mua nhiều nhất là ông Lê Dương với khối lượng 2,8 triệu cổ phiếu. Ông Dương chính là người đại diện theo pháp luật cho Chi nhánh công ty TNHH Thành Bưởi Sài Gòn, thuộc nhà xe Thành Bưởi. Hai cá nhân còn lại Nguyễn Thành Sơn và Nguyễn Thị Mai mua 2 triệu cổ phiếu mỗi người.Cổ phiếu phát hành riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện trong quý III-IV sau khi có chấp thuận của UBCKNN.

Trước phát hành, cơ cấu cổ đông bao gồm 3 cổ đông lớn là Trần Thủy Tiên (26,76%), Nguyễn Thị Xuân Mai (15,63%) và Nguyễn Đoàn Duy Thanh (9,9%), lượng cổ phiếu quỹ chiếm tỷ lệ 2,91%.

Phát hành để trả nợ và đầu tư dự án về giáo dục

Ngày 11/2, UBND TP HCM đã công bố điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với khu đất do SSF quản lý tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong có chức năng đất giáo dục (trường trung học cơ sở). Để đáp ứng mục tiêu được tiếp tục thuê đất hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty cần nguồn tài chính để giải ngân cho quá trình cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị dạy học…

SSF cho biết trong giai đoạn khó khăn nhất đã vay của ông Lê Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi, số tiền 9 tỷ đồng và hiện còn nợ 3 tỷ đồng. Cổ đông lớn Nguyễn Đoàn Duy Thanh cũng cho công ty mượn hơn 17 tỷ đồng. Theo đó, công ty cần khoản tài chính để thanh toán nợ cho ông Thành và ông Thanh số tiền 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần bổ sung nguồn vốn làm thủ tục pháp lý xin tiếp tục thuê đất, giải ngân đầu tư hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học và kinh doanh giáo dục theo phương án xã hội hóa số tiền 48 tỷ đồng.

SSF hoạt động ra sao?

SSF tiền thân là Nhà máy Giày Bata của Pháp được thành lập năm 1950. Doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Giày Sài Gòn năm 1994 và cổ phần hóa năm 2004. Cổ phiếu SSF chính thức được giao dịch trên sàn chứng khoán từ tháng 4/2010. Mới đây vào 7/7, công ty lại đổi tên thành Giáo dục G Sài Gòn để phù hợp với chiến lược mới.

Công ty có lãi đúng 3 năm đầu lên sàn, sau đó là chuỗi thua lỗ trong kinh doanh. Năm 2013, doanh nghiệp bắt đầu có lỗ lũy kế và đỉnh điểm lỗ gần 28 tỷ đồng năm 2016 ngay sau khi SCIC thoái vốn.

SSF tăng vốn 215%: Từ sản xuất giày bata trở thành công ty giáo dục, liên quan tới Thành Bưởi - Ảnh 1.

Cũng sau vài tháng Nhà nước thoái vốn, SSF bất ngờ công bố thông tin tạm ngưng hoạt động từ 1/2/2016 để tái cấu trúc với lý do các khách hàng truyền thống không tiếp tục tái ký hợp đồng, mặt khác công ty chưa tìm được khách hàng mới. Bên cạnh đó, khủng hoảng nguồn vốn buộc doanh nghiệp phải tăng mạnh vay nợ từ các tổ chức, cá nhân.

Tính đến cuối năm 2019, công ty đã lỗ lũy kế hơn 70 tỷ đồng và làm âm vốn chủ sở hữu 31 tỷ đồng. Tổng tài sản doanh nghiệp còn hơn 2 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn.

Dừng hoạt động sản xuất giày vải, hoạt động của SSF giờ đây phụ thuộc lớn vào hoạt động cho thuê mặt bằng tại mảnh “đất vàng” hơn 10.000 m2 tại trụ sở chính 419 Lê Hồng Phong, Quận 10, TP HCM.

Giá thuê đất hàng năm công ty phải trả cho Nhà nước là 100.000 đồng/m2, tức mỗi tháng chưa đến 10.000 đồng/m2. Giá thuê không tưởng cho khu đất vàng này này được áp dụng từ năm 2007 đến khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thậm chí, doanh nghiệp còn lấy một phần đất nhà nước cho Thành Bưởi thuê làm bãi đỗ xe và đón trả khách, vi phạm quy hoạch sử dụng đất (đất công nghiệp sạch, không quy hoạch bến bãi vận tải) nên Quận 10 đã có văn bản yêu cầu cả hai doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép.

SSF tăng vốn 215%: Từ sản xuất giày bata trở thành công ty giáo dục, liên quan tới Thành Bưởi - Ảnh 2.

Vị trí mô phỏng khu đất 419 Lê Hồng Phong. Ảnh: Google Maps.


Tháng 5/2019, Thường trực UBND TP HCM cho biết sẽ thu hồi và bàn giao toàn bộ diện tích khu đất số 419 Lê Hồng Phong cho UBND quận để xây trường trung học cơ sở, bổ sung quỹ đất giáo dục phục vụ nhân dân. Tháng 2/2020, Thành phố đã công bố điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với khu đất này.

Theo Huy Lê

Người đồng hành

Trở lên trên