MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI: 'Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng thêm để phục hồi kinh tế'

21-09-2021 - 17:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh: Trọng Hiếu

Ảnh: Trọng Hiếu

Báo cáo mới đây của SSI cho biết lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp NHNN cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.

Trong báo cáo mới đây, SSI cho biết mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm nhẹ khoảng 0,02%, kết tuần ở 0,68% cho kỳ hạn qua đêm và 0,8% cho kỳ hạn 1 tuần. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng sẽ có nhiều biến động khó lường hơn trong tuần cuối Quý 3, khi áp lực lên thanh khoản hệ thống tăng dần.

Trong tuần qua, theo quan sát của SSI, lãi suất huy động có diễn biến trái chiều ở nhiều ngân hàng. Cụ thể, lãi suất được điều chỉnh giảm khoảng 0,1 – 0,3% ở các NHTM lớn như BIDV, TCB, Sacombank. Trong khi các ngân hàng nhỏ như Baovietbank, PGBank điều chỉnh tăng.

"Điều này một phần là do áp lực của Thông tư 08/2020, có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất cho vay", SSI nhận định.

Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy trong tháng 7, tổng tiền gửi ngân hàng giảm 0,2% so với tháng trước, chủ yếu đến từ mức giảm 0,5% của tiền gửi từ tổ chức kinh tế. Tăng trưởng tiền gửi hầu như đi ngang trong suốt 3 tháng qua, khi dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp và khiến nhu cầu tiền mặt tăng.

Mặc dù chênh lệch tiền gửi – tín dụng tiếp tục thu hẹp kể từ tháng 11/2020 nhưng SSI cho rằng, mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực và lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp NHNN cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.

Về thị trường ngoại hối, SSI nhận định số liệu CPI của Mỹ trong tháng 8 hạ nhiệt khi chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ, trong đó CPI cơ bản tăng 4,0%. Bên cạnh đó, thông tin doanh số bán lẻ Mỹ công bố vào ngày 16/9 cũng cho tín hiệu tích cực, khi tăng 0,8% so với tháng trước và trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng giảm 0,8% trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Điều này thúc đẩy đồng USD và lợi tức TPCP Mỹ tăng trong khi giá vàng thế giới giảm mạnh.

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND niêm yết ở các NHTM đi ngang trong tuần qua, kết tuần giao dịch ở mức 22.640-22.870 đồng/USD.

Cán cân thương mại trong tháng 8 duy trì nhập siêu hơn 100 triệu USD nhưng tích cực hơn so với ước tính từ Tổng cục thống kê (-1,3 tỷ USD), cho thấy hoạt động sản xuất đã phần nào được phục hồi trong nửa cuối tháng 8.

"Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế, do vậy SSI kỳ vọng cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm, trong khi đó dòng kiều hối thường sẽ tăng mạnh trong cuối năm. Nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định", SSI nhận định.

Ngân sách tháng 8 ghi nhận bội chi 15,5 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên trong 8 tháng cán cân ngân sách vẫn bội thu 86,1 nghìn tỷ đồng, giúp Chính phủ sẽ có thêm nhiều dư địa trong việc sử dụng công cụ tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau dịch bệnh. Chi ngân sách được kỳ vọng sẽ tăng mạnh khi Chính phủ tích cực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sau khi dịch được kiểm soát và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Trên thị trường TPCP thứ cấp, nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang mua ròng 163 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,62 nghìn tỷ đồng.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên