SSI: Kế hoạch chia cổ tức của Vietcombank đã được trình lên Chính phủ
VCB có kế hoạch chi trả cổ tức 8% bằng tiền mặt cho năm 2020 và 27,6% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2019 trong 6 tháng cuối năm 2021.
- 12-08-2021VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank giảm lãi suất cho vay thêm 4.000 tỷ đồng, cam kết miễn phí 100% phí dịch vụ cho các địa phương khó khăn
- 12-08-2021Lãi suất tại 4 "ông lớn" Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đang như thế nào?
- 30-07-2021Lợi nhuận quý 2/2021 của Vietcombank sụt giảm 14%
Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI vừa có báo cáo đánh giá về cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank.
Theo SSI, với sự bùng phát dịch Covid-19 gần đây, VCB đã công bố gói cho vay ưu đãi dành cho các khách hàng bị ảnh hưởng bắt đầu từ ngày 15/7/2021. Điều này sẽ khiến thu nhập lãi thuần giảm 1,8 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2021. Do đó, SSI giảm 8% ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 xuống còn 26,4 nghìn tỷ đồng (tăng 14,7% so với 2020).
"Chúng tôi cũng ước tính lợi nhuận trước thuế của VCB năm 2022 đạt 33,7 nghìn tỷ đồng (tăng 27% so với 2021), với giả định tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 14% và 10,9% so với cùng kỳ, và NIM ở mức 3,05%", SSI cho biết.
6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank mạnh mẽ trong tất cả các mảng hoạt động: Tăng trưởng tín dụng tăng 9,8% so với đầu năm, cao hơn tổng mức tăng trưởng của các ngân hàng niêm yết mà SSI nghiên cứu là 7,7% so với đầu năm.
Điều này được thúc đẩy bởi các cho vay khách hàng cá nhân (tăng 11,8% so với đầu năm), doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng 9,8% so với đầu năm) và các tập đoàn lớn (tăng 8% so với đầu năm). Phần lớn tín dụng cho vay khách hàng cá nhân tăng là do cho vay mua nhà (tăng 11,8% so với đầu năm), tăng từ 25,8% trong tổng dư nợ năm 2020 lên 26,3% trong 6 tháng đầu năm 2021. Cho vay mua nhà là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho vay tại VCB trong 3 năm qua. Cho vay các doanh nghiệp lớn tăng tốc với mức tăng trưởng mạnh nhất ở mảng có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 11% so với đầu năm), mảng duy trì tăng trưởng cao trong 3 năm qua. VCB kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị phần cho vay doanh nghiệp FDI trong thời gian tới.
NIM của nhà băng này cải thiện đáng kể trong quý 2/2021 (tăng 66 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 3,5%). NIM đã ở mức thấp trong quý 2/2020 khi VCB triển khai các gói cho vay ưu đãi quy mô lớn.
Và sang nửa đầu năm 2021, VCB đã cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giảm tổng cộng 2,1 nghìn tỷ đồng thu nhập lãi. Do đó, lợi suất tài sản giảm 28 điểm cơ bản so với cùng kỳ trong quý 2/2021. Tuy nhiên, chi phí vốn vốn giảm mạnh hơn 101 điểm cơ bản do xu hướng giảm của lãi suất huy động và số dư CASA được cải thiện (tăng 23,6% so với cùng kỳ). Tính đến tháng 6/2021, VCB đã cắt giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn với trung bình 120 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Với lãi suất huy động giảm xuống rất thấp, tiền gửi của khách hàng chỉ nhích lên 1,8% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng 9,8% so với đầu năm. Điều này khiến tỷ lệ LDR thuần tăng lên 86,6%, trong khi tỷ lệ LDR tính theo quy định chỉ khoảng 80% thấp hơn mức trần 85%.
Đáng chú ý, thu nhập từ phí của VCB tăng mạnh. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ ngân hàng số (Digibank) tăng 85% so với cùng kỳ, đạt 80% so với năm 2020. VCB hiện có lượng khách hàng lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết với 19 triệu khách hàng cá nhân, trong đó 65-70% là khách hàng gần đây sử dụng dịch vụ. Gần 5 triệu khách trong số này sử dụng ứng dụng Digibank. Số lượng giao dịch qua các kênh kỹ thuật số đạt 300 triệu lượt trong nửa đầu năm 2021, cao hơn tổng số lượt giao dịch trong năm 2019 và tương đương 80% trong năm 2020.
Thu nhập từ dịch vụ thẻ tăng 60% so với cùng kỳ, phản ánh sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và việc chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng cũng đã thu được 400 tỷ đồng hoa hồng từ bán bảo hiểm (bancassurance). Ngân hàng có kế hoạch ban đầu cho năm 2021 là 500 tỷ đồng, nhưng sau đó nâng lên 700 tỷ đồng. VCB kỳ vọng bancassurance sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 60% so với cùng kỳ trong 5 năm tới và có khả năng là động lực tăng trưởng chính cho thu nhập phí.
Dịch vụ thanh toán tăng trưởng khiêm tốn ở mức 5% so với cùng kỳ, trong khi hoạt động tài trợ thương mại chậm lại do dịch Covid-19. Tuy nhiên, VCB vẫn duy trì thị phần 15% trong hoạt động tài trợ thương mại.
VCB có kế hoạch chi trả cổ tức 8% bằng tiền mặt cho năm 2020 và 27,6% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2019 trong 6 tháng cuối năm 2021. Kế hoạch đã được trình lên chính phủ và ngân hàng đang chờ phê duyệt. Kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ có thể bị lùi lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị