SSI Research: Brexit – Vẫn còn cơ hội UK ở lại với EU
Nếu David Cameron không tuyên bố kích hoạt điều 50 vào ngày mai, sẽ không thể biết được khi nào điều 50 được kích hoạt. Mà càng trì hoãn thì càng có khả năng điều đó sẽ không xảy ra.
- 28-06-2016Brexit - Phần nổi của tảng băng chìm
- 28-06-2016Những lời khuyên cho nhà đầu tư Việt vượt qua Brexit
- 28-06-2016Nước Anh sẽ như thế nào sau cú sốc mang tên Brexit?
Sau Brexit, mối quan tâm lớn hiện tại là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. SSI Research liệt kê các sự kiện vừa xảy ra và có thể xảy ra trong các tháng và năm tới trong bảng dưới. Vấn đề trước mắt là ai sẽ lên làm Thủ tướng mới, khi nào Chính phủ UK kích hoạt Điều 50 và BOE sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ kinh tế.
Đây là lần đầu tiên có một nước thành viên rời EU nên trình tự đều còn nhiều mơ hồ. Không những thế theo thời gian vẫn có thể có nhiều thay đổi.
Thủ tướng David Cameron trong tuyên bố từ chức đã nói rõ sẽ để cho thủ tướng kế nhiệm kích hoạt Điều 50, hay nói cách khác, chuyển quyết định khó khăn này cho người khác mặc dù trong các cuộc vận động trước đó David Cameron liên tục tuyên bố sẽ kích hoạt điều 50 ngay lập tức nếu phe “đi” chiến thắng.
Về phía phe “đi”, những thủ lĩnh là Boris Johnson hay Matthew Elliott cũng đều nói rõ sẽ không vội vàng kích hoạt điều 50. Đối mặt với những hậu quả nhãn tiền là phản ứng dữ dội trên thị trường tài chính, kinh tế tăng trưởng chậm, nguy cơ tan rã khi Scotland và Bắc Ireland muốn li khai, rất khó cho một chính trị gia đứng ra để nhận trách nhiệm. 2 ngày sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, Boris Johnson thể hiện mong muốn có những trao đổi không chính thức về cơ chế cho UK sau khi rời EU, thậm chí khá ngây ngô khi gợi ý UK sẽ vẫn là một thành viên trong thị trường chung nhưng không chịu ràng buộc bởi các quy định của EU. Các chính trị gia của EU đã ngay lập tức phản đối ý tưởng này. Việc này cho thấy phe “đi” dường như chưa có sự chuẩn bị đầy đủ và chưa lường hết được UK sau Brexit sẽ ra sao.
Mặc dù được thực hiện với quy mô toàn quốc, cuộc trưng cầu dân ý của UK chỉ mang giá trị tham khảo, không mang tính ràng buộc pháp lý. Theo quy định, để rời EU phải có đề xuất từ Chính phủ UK, bằng văn bản hay bằng 1 phát biểu chính thức. Chừng nào chính phủ UK mà cụ thể là thủ tướng không đề xuất, Điều 50 sẽ chưa được kích hoạt.
Về phía các nước thành viên EU, đa số muốn UK kích hoạt điều 50 càng sớm càng tốt để không kéo dài sự bất ổn. Chủ tịch quốc hội Châu Âu còn gợi ý thủ tướng David Cameron có thể kích hoạt điều 50 bằng một phát biểu ngay tại bữa tối của hội nghị EU vào ngày 28/6. Ngược lại, thủ tướng Đức Angela Merkel lại muốn UK cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Hẳn bà Merkel đã thấy rõ sức mạnh của phe “đi” không lớn như kết quả trưng cầu dân ý thể hiện. Nhiều người đã tỏ ra hối tiếc vì đã chọn “đi”, thậm chí họ còn cảm thấy bị lừa dối. Một ví dụ là trong cuộc vận động trước trưng cầu dân ý, phe “đi” luôn nói rằng nếu rời EU, UK sẽ giữ lại được 350 triệu GBP một tuần và số tiền này sẽ được dùng cho dịch vụ y tế. Tuy nhiên đến giờ phe “đi” lại nói rằng họ không thể đảm bảo chắc chắn điều này có thể xảy ra. Thống kê trong cuộc trưng cầu dân ý cũng chỉ ra rằng nhóm có học vấn thấp nhất lại là nhóm bỏ phiếu “đi” cao nhất, 66%, ngược lại nhóm học vấn cao nhất lại bỏ phiếu “ở lại” cao nhất, 71%. Cơ chế phổ thông đầu phiếu phản ánh giá trị của dân chủ nhưng không phải lúc nào cũng phản ánh được hiểu biết và trí tuệ.
Nếu David Cameron không tuyên bố kích hoạt điều 50 vào ngày mai, sẽ không thể biết được khi nào điều 50 được kích hoạt. Mà càng trì hoãn thì càng có khả năng điều đó sẽ không xảy ra. Những bức xúc của người dân UK về EU là chính sách nhập cư và cơ chế hoạt động kém hiệu quả. Nếu EU cải tổ, sẽ không còn lý do để người UK muốn rời EU. Vấn đề là thời gian và sự thức tỉnh trong hàng ngũ lãnh đạo EU.