MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI Research: Kỳ vọng giá đường nội địa sẽ tăng tương đương đường nhập khẩu do thiếu hụt cung nội địa

29-08-2022 - 11:22 AM | Thị trường

Giá đường trong nước được dự đoán sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại.

Theo báo cáo cập nhật ngành đường của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), các biện pháp chống lẩn tránh thuế đối với đường nhập khẩu phát huy hiệu lực. Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar). Thời gian triển khai từ ngày 8/8 đến ngày 15/6/2026. Đường Thái Lan sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá (AD: anti-dumping duty) là 42,99% và thuế chống trợ cấp (AS: anti-subsidy duty) là 4,65%. Như vậy, tổng mức thuế là 47,64%, áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đường từ 5 nước trên mà có sử dụng đường nguyên liệu xuất xứ từ Thái Lan.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ ngày 1/1/2020, khi Việt Nam bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN theo cam kết ATIGA, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đạt 1,2 triệu tấn vào năm 2020 (tăng 330% so với cùng kỳ), và chiếm khoảng một nửa lượng đường tiêu thụ trên thị trường Việt Nam (từ 2,1-2,3 tấn/năm).

Hơn nữa, từ khi bị điều tra và đánh thuế AD-AS, đường xuất khẩu của Thái Lan được xuất khẩu gián tiếp qua 5 nước ASEAN. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN ở mức 865.000 tấn (tăng 280% so với cùng kỳ), trong khi lượng đường xuất khẩu từ Thái Lan sang Việt Nam giảm xuống còn 370.000 tấn vào năm 2021, giảm 70% so với cùng kỳ. SSI Research kỳ vọng rằng các biện pháp mới nhất của Bộ Công Thương sẽ tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng đường cũng như hoạt động sản xuất đường trong nước trong dài hạn, do các hạn chế nhập khẩu đường của Thái Lan và sự thiếu hụt nguồn cung ở Việt Nam.

SSI Research: Kỳ vọng giá đường nội địa sẽ tăng tương đương đường nhập khẩu do thiếu hụt cung nội địa - Ảnh 1.

Sản lượng đường toàn cầu tăng lên

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng đường toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 dự kiến tăng 0,9% lên 183 triệu tấn do thời tiết thuận lợi ở cả Brazil và Thái Lan, và năng suất mía tăng cao. Do giá ethanol thấp, tỷ lệ sản xuất đường/ethanol ở Brazil (nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới) dự kiến sẽ không thay đổi so với năm trước.

USDA dự báo sản lượng đường của Brazil tăng 2,8% và xuất khẩu đường tăng 3,8%. Đối với thị trường Thái Lan, sản lượng đường cao cho niên vụ 2021-2022 và 2022-2023 sẽ tạo áp lực xuất khẩu lớn (USDA dự báo tăng trưởng sản lượng trong niên vụ 2021-2022 và 2022-2023 lần lượt là 34,8% và 2,6% so với cùng kỳ). Do đó, USDA kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu của Thái Lan sẽ đạt 10% so với cùng kỳ trong niên vụ 2022-2023. Sản lượng đường tiêu thụ toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 ước tính tăng 1,9% lên 179 triệu tấn nhờ nhu cầu tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, thặng dư đường toàn cầu ước tính vào khoảng 4 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, giảm so với mức 5,6 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022.

Dự báo thị trường đường nội địa

Theo VSSA, giá đường Thái Lan thấp hơn 11% so với giá đường Việt Nam, tạo điều kiện cho đường Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Sản lượng đường trong nước tăng 7,5%, đạt 742.000 tấn trong niên vụ 2021-2022, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu thị trường trong nước.

Việc áp thuế suất 47,6% đối với đường nhập khẩu (từ Thái Lan và các nước ASEAN khác) sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam. SSI Research ước tính giá đường nhập khẩu sẽ tăng lên 22.000 đồng/kg sau khi được tính thuế đầy đủ. Đơn vị kỳ vọng giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu do nguồn cung trong nước thiếu hụt trong thời gian tới. Giá đường trong nước được dự đoán sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại.

SSI Research: Kỳ vọng giá đường nội địa sẽ tăng tương đương đường nhập khẩu do thiếu hụt cung nội địa - Ảnh 2.

Theo Vy Anh

Người Đồng Hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên