SSI Research: Nhiều doanh nghiệp đầu ngành MSN, HPG, DCM, GMD, VCB, TCB… tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý 3/2021 bất chấp Covid-19
Các công ty có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương chủ yếu tập trung vào nhóm cảng biển logistics, ngân hàng, phân đạm và thép, bao gồm: ACB, CTG, DCM, DGC, FPT, GMD, HAH, HDB, HPG, HSG, MBB, MSN, NT2, QNS, STK, TCB, TNH, TPB, TRA, VCB, VPB.
SSI Research vừa công bố báo cáo ước tính KQKD quý 3/2021 của 32 công ty trong phạm vi nghiên cứu, trong đó 21 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 11 công ty có dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.
Các công ty có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương chủ yếu tập trung vào nhóm cảng biển logistics, ngân hàng, phân đạm và thép, bao gồm: ACB, CTG, DCM, DGC, FPT, GMD, HAH, HDB, HPG, HSG, MBB, MSN, NT2, QNS, STK, TCB, TNH, TPB, TRA, VCB, VPB.
Ngân hàng tiếp tục tăng trưởng dương dù có chậm lại
Trong đó, tại mảng ngân hàng, là đơn vị được chú ý bởi thương vụ lớn đầu năm, VPBank (VPB) ước tính LNTT hợp nhất quý 3 năm nay đạt 3.200 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ dù giảm 36% so với quý trước đó). Theo SSI Research, lợi nhuận giảm mạnh so với quý trước là do quý 2/2021 ngân hàng có một khoản lãi từ kinh doanh trái phiếu chính phủ. Nếu loại trừ khoản mục này, tăng trưởng lợi nhuận so với quý trước là -12%.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng ước tính tăng trưởng tín dụng dù chậm lại nhưng vẫn đạt khoảng 7-8% so với đầu năm, hoặc 12% so với cùng kỳ tại thời điểm cuối tháng 9/2021. NIM có thể giảm so với quý trước, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ.
Nguyên nhân do ACB luôn thận trọng trong trích lập dự phòng, số dư dự phòng lớn có thể giúp ngân hàng duy trì nguồn lợi nhuận ổn định. Theo đó, SSI Research ước tính LNTT quý 3/2021 tăng 13-15%.
Trước đó, Chứng khoán Agriseco cũng có dự báo áp lực trích lập dự phòng của ACB trong quý 3 sẽ thấp do đã trích lập tương đối mạnh trong hai quý đầu năm. Ngoài ra, theo hợp đồng với Sunlife, ACB trong quý 3 dự kiến tiếp tục phân bổ 142 tỷ đồng từ hợp đồng bancassurance trong khi năm 2020 không ghi nhận khoản thu này.
‘Anh cả’ Vietcombank (VCB) cũng góp mặt trong nhóm tăng trưởng dương với LNTT dự đạt 5.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳnhờ tăng trưởng tín dụng 11,5% so với đầu năm và tăng trưởng tiền gửi 7,3% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, LNTT đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 16,3% so với 9 tháng năm ngoái.
KQKD quý 3/2021 chịu tác động tiêu cực bởi việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, và tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu cao hơn sau một thời gian dài giãn cách xã hội tại miền Nam, SSI Research nhận định, mặc dù các khoản cho vay tái cơ cấu có thể tăng lên nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức dưới 1%.
HPG, HSG vẫn duy trì đà tăng phi mã
Một mảng liên tục tăng trưởng mạnh từ năm 2020, doanh nghiệp ngành thép tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tốt trong quý 3 năm nay. Đơn cử, Hoà Phát (HPG) theo ước tính có thể đạt 8.700 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng trưởng đáng kể 131% so với quý 3/2020 nhờ sản lượng HRC tăng mạnh 167%. Được biết, đây là mảng có biên lợi nhuận cao nhất trong số các dòng sản phẩm. Ngoài ra, giá thép xây dựng tăng 50% và giá HRC tăng gấp đôi cũng giúp biên lợi nhuận của HPG tăng đáng kể so với cùng kỳ.
Hay Hoa Sen (HSG), ước tính lợi nhuận ròng quý 4/2021 năm tài chính (bắt đầu từ 1/10/2019 đến 30/9/2021) tăng 110% lên 950 tỷ đồng nhờ sản lượng tăng 6,5% và giá bán trung bình tăng 72%.
Giá cước tăng nóng giúp nhóm cảng biển duy trì lợi nhuận cao
Hưởng lợi mạnh từ giá cước tăng nóng, ngành cảng biển tiếp tục thu về lợi nhuận lớn trong quý 3 năm nay. Với Hải An, lợi nhuận thuần sau cổ đông thiểu số quý 3/2021 ước tính đạt 80 tỷ đồng (tăng mạnh đến 250% so với cùng kỳ). Mặc dù sản lượng vận chuyển chịu ảnh hưởng nhẹ do giãn cách xã hội và sản xuất ở mức thấp, tăng trưởng cao có thể đến từ thị phần tăng, giá cước vận chuyển tăng và doanh thu tăng đáng kể từ cho thuê tàu.
Gemadept (GMD) cũng dự đạt mức tăng trưởng LNTT duy trì mức khá, hơn 20% so với cùng kỳ. Mặc dù sản lượng qua cảng giảm chung, khu vực Cái Mép lại duy trì tăng trưởng tích cực, và sản lượng qua cảng Gemalink tăng đúng tiến độ. Cảng Hải Phòng cũng cung cấp dịch vụ mới, giúp bù đắp mức giảm tại một số cảng khu vực phía Nam, SSI Research cho biết thêm.
Mặt khác, một đơn vị cũng hưởng lợi mạnh từ nhu cầu tích trữ thực phẩm trong đại dịch là Masan (MSN). Theo kế hoạch của ban lãnh đạo, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ quý 3 có thể hơn 1.400 tỷ đồng, tăng >40% so với cùng kỳ. Lưu ý rằng, mức so sánh quý 3/2020 cao do MSN ghi nhận một khoản lớn thu nhập khác, SSI Reseacrh nhấn mạnh.
Hàng không, bán lẻ sụt giảm do áp lực giãn cách xã hội
Chiều ngược lại, các công ty có ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm bao gồm: ACV, DBC, GAS, IMP, MWG, PNJ, PPC, PVS, SAB, VEA, VIB, nhìn chung tập trung tại mảng hàng không và bán lẻ trước áp lực dừng hoạt động do giãn cách xã hội liên tiếp nhiều tháng liền.
Trong đó, tại mảng hàng không, ước tính lợi nhuận hợp nhất của ACV trong quý này sẽ ở mức âm do Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ các đợt giãn cách xã hội. Hầu hết tất cả các máy bay đều không bay trong thời gian này, trong khi công ty vẫn cần duy trì chi phí hoạt động tại tất cả các sân bay.
Kết thúc đà tăng mạnh của cùng kỳ năm ngoái, trong quý 3/2021, DBC dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 3.300 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ) và 138 tỷ đồng (giảm 64%). Mặc dù giá lợn hơi giảm 38% trong quý 3/2021, nhưng giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 25%.
SSI Research ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp chung sẽ giảm đáng kể do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng (làm gia tăng chi phí của biên lợi nhuận gộp chăn nuôi). Mặc dù vậy, DBC vẫn hoàn thành lần lượt 89% và 87% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm.