SSI Research: Sự tích cực của dòng vốn ETF vẫn là yếu tố hỗ trợ cho TTCK tháng 1
Bức tranh lớn cho thấy thị trường còn dư địa tăng trưởng trong năm 2021.
Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 1 của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho thấy, năm 2021, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research là 23% sau khi giảm 17% trong năm 2020. Ngân hàng và bất động sản là 2 ngành chiếm tỷ trọng lần lượt 27% và 26%, lớn nhất trong VN-Index.
Tại ngày 4/1/2021, hệ số P/E thị trường năm 2021 ở mức 16,43 lần. Với mức này, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid và đã phản ánh phần nào yếu tố lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tuy nhiên, SSI Research nhìn nhận lạc quan hơn khi bối cảnh năm 2020-2021 có tính đến nền tảng thanh khoản dồi dào và vai trò dẫn dắt thị trường của nhà đầu tư cá nhân.
P/E trung vị trong giai đoạn 2018-2020 là 16,4 lần và mức P/E đạt được cao nhất là 21,6 lần tại ngày 22/3/2018. Ngoài ra, với triển vọng tăng trưởng GDP cao hơn nhưng định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực. Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn mạnh đầu tư vào TTCK sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua. Trong kịch bản cơ sở, SSI Research sử dụng mức hệ số P/E 18 lần cho VN-Index trong năm 2021 (tương đương với triển vọng tăng trưởng 9,5% của chỉ số).
Trong ngắn hạn đà tăng của thị trường vẫn đang mạnh
VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 12 khi bùng nổ cả về điểm số (tăng 10,05%) và khối lượng giao dịch (tăng 61,04%) so với tháng trước. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân tiếp tục được củng cố qua số lượng 63.446 tài khoản mở mới kỷ lục của nhóm nhà đầu tư này trong tháng 12 và SSI Research tin rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong một hai tháng tới khi đây là mùa cao điểm tiền về và sức hút của kênh chứng khoán đang cao.
Vì vậy, dòng tiền dồi dào được cho rằng vẫn là nền tảng quan trọng giúp thị trường nhanh chóng lấy lại cân bằng trước các nhịp điều chỉnh do cung chốt lời và hỗ trợ VN-Index duy trì động lực tăng hướng đến mục tiêu gần nhất 1.175 điểm trong tháng 1.
Tuy vậy, SSI Research cũng bắt đầu có quan điểm thận trọng nhất định sau một thời gian duy trì quan điểm rất tích cực về TTCK. Thị trường đã có sự phục hồi rất ngoạn mục từ mức đáy của năm 2020 và không loại trừ kịch bản điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index với 2 vùng hỗ trợ gần nhất lần lượt là 1.094 và 1.067 điểm.
Dòng vốn ETF tăng mạnh
Riêng trong tháng 12, các quỹ ETF đã thu hút được khoảng 2.260 tỷ đồng, tương đương 50% tổng lượng vốn ETF vào Việt Nam cả năm 2020 (4.580 tỷ đồng). Xu hướng tích cực quan sát thấy ở hầu hết các quỹ ETF, cả quỹ nội và ngoại. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là quỹ VFM VN Diamond thu hút được tổng lượng vốn lên tới 1.760 tỷ đồng. Các quỹ ETF ngoại bao gồm VanEck, FTSE Vietnam và Premia đóng góp tổng cộng 450 tỷ đồng trong tháng 12.
|
Tín hiệu khởi sắc của dòng vốn chủ động nửa cuối tháng 11 đã không thể kéo dài. Các quỹ chủ động liên tục rút vốn trong cả tháng 12, tổng cộng là 41,4 triệu USD – là tháng rút ròng lớn nhất trong năm nay. Tính chung cả năm, các quỹ chủ động đã rút ròng 118,6 triệu USD khỏi thị trường Việt Nam
Diễn biến khối ngoại trên sàn cũng khá tương đồng. Nhà đầu tư tiếp tục bán ròng 2.470 tỷ đồng trong tháng 12, tổng mức bán ròng cả năm là 18.780 tỷ đồng.
Sau mức tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán năm 2020, các nhà đầu tư chủ động đang phải đối mặt với lựa chọn hiện thực hóa lợi nhuận, chuyển sang phòng thủ hay tiếp tục mua vào và đánh cược vào sự phục hồi mạnh mẽ của 2021. Dòng vốn dịch chuyển từ các quỹ chủ động sang các quỹ bị động là xu hướng chung của các thị trường toàn cầu. Sự tích cực của dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán trong tháng này.
NDH