MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI Research ước tính lợi nhuận quý IV/2020 của 27 doanh nghiệp

Có 20 doanh nghiệp được dự báo kết quả tăng, 7 công ty có lợi nhuận giảm. Nhiều ngân hàng được kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng trong quý IV như ACB, VietinBank, Sacombank, Techcombank, MBB...

Trung tâm Nghiên cứu Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố ước tính lợi nhuận của 32 doanh nghiệp, trong đó 22 sẽ có lợi nhuận quý IV tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và 10 đơn vị giảm.

Các công ty được kỳ vọng có lợi nhuận tăng gồm ACB, VietinBank, Digiworld, FPT, Gemadept, Hòa Phát, Hoa Sen, Imexpharm, MBB, MSB, Đầu tư Thế giới Di động, Cao su Phước Hòa, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Sacombank, Sợi Thế Kỷ, Techcombank, Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Vietcombank, Vĩnh Hoàn, VIB, Vinamilk và VPBank.

Ở chiều ngược lại, các công dự kiến có lợi nhuận giảm gồm ACV, Taseco Airs, PV Gas, HDBank, Vietnam Airlines, PV Drilling, SHB, TPBank, VEAM, Viconship.

Ngân hàng Á Châu ( HoSE: ACB ): Ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV và cả năm 2020 lần lượt là 2.900 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ) và 9.400 tỷ đồng (tăng 25% so với 2019). Các kết quả này đều vượt ước tính của SSI Research cũng như kế hoạch đặt ra trong Đại hội đồng cổ đông, cao hơn lần lượt 12% và 24%. Yếu tố hỗ trợ bất ngờ có thể đến từ khoản thu từ nợ xấu đã xóa và lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu.

VietinBank ( HoSE: CTG ): Lợi nhuận trước thuế quý IV ước đạt 6.240 tỷ đồng (tăng 87,6% so với cùng kỳ). Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế ước đạt 16.600 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ). Kết quả này nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi tăng lần lượt là tăng 7,7% và 11%. Ngân hàng ghi nhận tăng trưởng thu nhập lãi ròng ở mức 18,5% so với cùng kỳ, thu nhập phí dịch vụ ròng tăng 12% so với cùng kỳ và lãi ngoại hối tăng 24%. Tại cùng thời điểm, CIR giảm xuống 35% từ 37,7% trong năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) giảm xuống dưới 1%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLC) tăng lên 130%.

Digiworld ( HoSE: DGW ): Lợi nhuận ròng quý IV ước tính đạt 80 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ). Kết quả rất tích cực nhờ đóng góp từ Xiaomi tiếp tục giành thêm thị phần và doanh thu từ hợp đồng mới với Apple (kể từ quý IV/2020).

FPT ( HoSE: FPT ): Tổng lợi nhuận trước thuế trong tháng 10 và tháng 11/2020 tăng 15,2% so với cùng kỳ. Ước tính tăng trưởng sẽ cao hơn trong tháng 12/2020 nhờ cơ sở thấp trong tháng 12/2019 do chi phí thưởng tập trung cuối năm. Với giả định rằng trong tháng 12/2020, công ty có thể duy trì động lực tăng trưởng như ở tháng 11/2020 thì tăng trưởng riêng trong tháng 12 sẽ đạt 39% so với cùng kỳ. Theo đó ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV tăng 19%.

Gemadept ( HoSE: GMD ): Hoạt động thương mại đã phục hồi kể từ quý III, nhờ vào mùa cao điểm giao dịch trước kỳ nghỉ lễ và các hạn chế về nhu cầu bị dồn nén sau thời gian giãn cách. Quá trình phục hồi chững lại trong quý IV do tình trạng thiếu hụt container khiến lợi nhuận ở mức thấp. Tuy nhiên, do kết quả quý IV/2019 ở mức thấp, GMD ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2020 sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 120 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 ước tính đạt 550 tỷ đồng, giảm 22% so với 2019.

Hòa Phát ( HoSE: HPG ): Ước tính lợi nhuận ròng của HPG trong quý IV tiếp tục đạt kỷ lục mới 4.600 tỷ đồng (tăng 139% so với cùng kỳ và 22% so với quý trước). Sản lượng tiêu thụ của thép dài, bao gồm thép xây dựng và phôi thép, tăng 45% so với cùng kỳ đạt 1,49 triệu tấn trong quý IV. Ngoài ra, ước tính công ty có thể sản xuất khoảng 470.000 tấn thép cán nóng (HRC) trong quý IV.

Hoa Sen ( HoSE: HSG ): Ước tính lợi nhuận ròng quý I niên độ tài chính 2021 (1/10/2020-30/9/2021) đạt khoảng 500 tỷ đồng (tăng 176% so với cùng kỳ). Sản lượng tiêu thụ của công ty ước tăng 40% so với cùng kỳ đạt 540.000 tấn, nhờ nhu cầu ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Lợi nhuận ròng của công ty cũng được hỗ trợ nhờ giá HRC tăng hơn 35%.

Imexpharm ( HoSE: IMP ): Trong quý IV, doanh thu của IMP ước tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng ước tăng 4,8%. Tỷ suất lợi nhuận ròng giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với giai đoạn quý I - III khi giá nguyên liệu (API) ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty trong quý. Tuy nhiên, như trong quý trước, công ty tiếp tục cắt giảm chi phí bán hàng khoảng 10-15% so với cùng kỳ giúp lợi nhuận ròng duy trì ngang bằng so với năm trước.

Ngân hàng Quân đội ( HoSE: MBB ): Tại ngân hàng mẹ, tăng trưởng tín dụng tăng nhanh trong quý IV và tăng gần 23% so với đầu năm. Ước tính tăng trưởng tín dụng có thể phục hồi tại MCredit trong quý IV. Tuy nhiên, theo quan sát, MBB thường thực hiện xóa nợ xấu nhiều trong quý cuối cùng của năm và điều này cũng cũng có thể được thực hiện trong quý IV. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ ước tính dưới 1% và LLC ước tính sẽ tăng khoảng 150%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ước tính sẽ tăng khoảng 13-15% so với cùng kỳ trong kỳ.

Đầu tư Thế giới Di động ( HoSE: MWG ): Ước tính lợi nhuận ròng quý IV đạt 922 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ).

Cao su Phước Hòa ( HoSE: PHR ): Trong IV, PHR sẽ tiếp tục nhận được các đợt thanh toán bồi thường đất tiếp theo liên quan đến dự án Nam Tân Uyên 3. Do đó, ước tính lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 490 tỷ đồng trong quý IV (so với 10 tỷ đồng của cùng kỳ).

Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ( HoSE: PNJ ): Tăng trưởng doanh thu bán lẻ mạnh trong mùa cao điểm sẽ tiếp tục hỗ rợ tăng trưởng lợi nhuận. Trong tháng 10 và tháng 11, PNJ ghi nhận doanh thu tổng thể tăng 7% so với cùng kỳ (trong đó tăng trưởng doanh thu bán lẻ 19% và doanh thu bán buôn giảm 17%) và lợi nhuận sau thuế tăng 11%. Trong quý IV, ước tính PNJ sẽ đạt tăng trưởng lơi nhuận sau thuế khoảng 15-20% so với cùng kỳ.

Sacombank ( HoSE: STB ): Ước tính lợi nhuận trước thuế của STB đi ngang trong năm 2020 đạt 3.200 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế trong quý IV ước tăng 17-19% so với cùng kỳ.

Sợi Thế Kỷ ( HoSE: STK ): Nhu cầu đối với sợi tái chế của công ty vẫn tăng mạnh trong quý IV, nhờ các đơn đặt hàng loại sản xuất theo hợp đồng trọn gói (OEM) tăng lên của các thương hiệu quần áo thể thao như Nike và Adidas. Công ty dự kiến lợi nhuận sau thuế dao động từ 55 tỷ - 60 tỷ đồng trong quý IV, tương đương mức tăng trưởng 3% - 13% so với cùng kỳ.

Techcombank ( HoSE: TCB ): Lợi nhuận trước thuế quý IV dự kiến đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Lũy kế, lợi nhuận trước thuế năm 2020 ước tính đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng khoảng 23% so với cùng kỳ và NIM được cải thiện, đặc biệt là khi ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động 300-350 bps trong năm. Thu nhập phí tăng rất mạnh nhờ vào các dịch vụ giao dịch, phát hành trái phiếu, phân phối và quản lý tài sản.

Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công ( HoSE: TCM ): Trong tháng 10 và tháng 11/2020, công ty ghi nhận doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng lên tới 41% nhờ giá sợi cao hơn và doanh thu PPE với tỷ suất lợi nhuận gộp cao hỗ trợ lợi nhuận. Trong quý IV, ước tính công ty sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 20-25% so với cùng kỳ.

Vĩnh Hoàn ( HoSE: VHC ): Do giá cá nguyên liệu cao hơn so với cuối quý III (khoảng 13%), Vĩnh Hoàn có thể hoàn nhập một phần dự phòng đã trích lập trước đó (70 tỷ đồng) do giảm giá hàng tồn kho. Do đó, ước tính công ty sẽ đạt được mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ với lợi nhuận trong quý IV/2020 (từ mức thấp trong quý IV/2019) và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 đã đặt ở mức thấp (800 tỷ đồng).

VIB ( HoSE: VIB ): Tăng trưởng tín dụng cao (khoảng 30% so với đầu năm) và chất lượng tài sản ổn định là những đặc điểm chính trong kết quả kinh doanh quý IV của VIB. Ngân hàng cũng được hưởng lợi từ lãi suất liên ngân hàng thấp, giúp NIM cải thiện hơn vào năm 2020 (đạt 4,3% theo ước tính của SSI Research). Do đó, lợi nhuận trước thuế quý IV ước tính sẽ dao động trong khoảng 1.700 - 1.800 tỷ đồng (tăng 46 - 62% so với cùng kỳ).

Vinamilk ( HoSE: VNM ): Ước tính VNM sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 15% so với cùng kỳ trong quý IV, trong khi tăng trưởng doanh thu nội địa sẽ tiếp tục ở mức thấp một con số. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong sẽ được hỗ trợ nhờ tỷ suất lợi nhuận tiếp tục ổn định, cũng như từ mức thấp trong quý IV/2019.

VPBank ( HoSE: VPB ): Ước tính VPBank sẽ đạt mức trần tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 (21,5%). Tuy nhiên, NIM giảm và chi phí tín dụng cao hơn có thể khiến lợi nhuận trước thuế quý IV chỉ tăng nhẹ khoảng 2% so với cùng kỳ. Cả năm 2020, VPBank có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 20%, vượt ước tính của SSI Research là 8,6%.

ACV ( UPCoM: ACV ): Công ty dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý IV đạt 700 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ. Kết quả này do hầu như không có doanh thu từ hành khách quốc tế, vốn là động lực chính của doanh thu của ACV. Lũy kế cả năm 2020, công ty dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.300 tỷ đồng, giảm 77% so với 2019, do tổng sản lượng hành khách giảm 43% so với cùng kỳ.

Taseco Airs ( HoSE: AST ): Công ty tiếp tục gặp khó khăn do việc di chuyển bằng đường hàng không quốc tế bị gián đoạn và thị trường nội địa trở thành nguồn doanh thu chính. Tuy nhiên, sản lượng hành khách đường hàng không nội địa trong quý IV vẫn thấp hơn năm 2019. Công ty ước tính doanh thu đạt 68 tỷ đồng (giảm 77% so với cùng kỳ) và lỗ 25,4 tỷ đồng trong quý IV/2020. Ước tính năm 2020 doanh nghiệp này lỗ 54 tỷ đồng.

HDBank ( HoSE: HDB ): Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh trong quý IV đạt khoảng 25% so với đầu năm. Tuy nhiên, NIM giảm nhẹ và trích lập dự phòng tín dụng cao hơn có thể khiến lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 10-11% so với cùng kỳ trong quý IV. SSI Research lưu ý rằng quý IV/2019 ngân hàng có kết quả cao. Trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế có thể tăng 15-16% so với cùng kỳ, thấp hơn ước tính khoảng 1-2%.

PV Drilling ( HoSE: PVD ): Có thể lỗ nhẹ trong quý IV do thiếu hoàn nhập dự phòng, trong khi đội giàn khoan hoạt động dưới điểm hòa vốn.

SHB ( HNX: SHB ): Lợi nhuận trước thuế trong quý IV đạt khoảng 660 tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ) và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 đã được ĐHCĐ thông qua (lợi nhuận trước thuế 2020 tăng 8% so với cùng kỳ). Ngân hàng đẩy nhanh trích lập dự phòng để xử lý toàn bộ nợ xấu (trừ dư nợ liên quan đến SBIC) trong dự án sáp nhập HBB, giảm nợ xấu và cải thiện tỷ lệ nợ xấu.

VEAM ( UPCoM: VEA ): Trong quý IV, lợi nhuận ước tính giảm 11,5% so với cùng kỳ, do lợi nhuận từ công ty liên kết giảm 12,8%. Kết quả này phần lớn là do lợi nhuận và doanh thu của Honda Việt Nam giảm. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh đã phục hồi mạnh từ mức đáy trong quý III, do các công ty liên doanh ô tô với VEAM (Toyota, Ford) hoạt động tốt trong quý IV, nhờ sự hỗ trợ của Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 70/2020/NĐ-CP.

Viconship ( HoSE: VSC ): Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng khan hiếm container trên thế giới, công ty đã mất 1-2 chuyến/tuần trong quý IV do các hãng vận chuyển điều hướng tàu sang Trung Quốc, nơi nhu cầu rất cao. Ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV đạt 90 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ so với mức so sánh cao trong quý IV/2019. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 ước tính đạt 330 tỷ đồng, giảm 4% so với 2019.

SSI Research ước tính lợi nhuận quý IV/2020 của 27 doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nguồn: SSI Research.

Theo Bình An

Người đồng hành

Trở lên trên