Startup 'nhà giàu vượt sướng' mở quán cơm tấm ngay trung tâm quận 1 bán 50 suất/ngày, tham vọng mở rộng sang Mỹ, Shark Hưng nhận xét mô hình 'ngây thơ'
"Quan sát bạn thì tôi có thể nhận xét rằng bạn có khí chất của một startup con nhà giàu", Shark Bình nói thẳng với Võ Kim Vĩnh - du học sinh Mỹ 18 tuổi khởi nghiệp với thương hiệu cơm tấm Double C, đặt cửa hàng ngay cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ.
- 22-08-2024“Mối nhân duyên” kỳ lạ giữa shark Thái với startup ống hút rau củ Ecos Lê Văn Tám
- 20-08-2024Từng rơi vào tuyệt vọng, “cắm” 3 căn nhà để khởi nghiệp, startup ống hút rau củ có thể... xào, luộc, nhúng lẩu nhận 15 tỷ cho 40% cổ phần
- 19-08-2024Ông chủ Bệnh viện đồ da: Từ chú bé đánh giày cơ cực đến startup nhận đầu tư từ 4 'cá mập'
Xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 5, Võ Kim Vĩnh – du học sinh Mỹ mới 18 tuổi kêu gọi số vốn 5 tỷ đồng đổi lấy 12,5% cổ phần của Double C - thương hiệu cơm tấm hướng đến giới trẻ, nhân viên văn phòng và khách nước ngoài.
Nhận thấy có nhiều nhà hàng Việt Nam nhưng chưa thương hiệu nào phát triển thành hệ thống và nhân rộng toàn nước Mỹ, Kim Vĩnh cùng 2 nhà đồng sáng lập đã xây dựng nên Double C, định vị là một chuỗi nhà hàng cơm tấm fast casual – hiện đại hóa ẩm thực Việt, tiện nghi hơn mô hình fast food (đồ ăn nhanh) truyền thống.
Thuê mặt bằng cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng chỉ bán 40-50 suất cơm/ngày
Double C phục vụ cơm tấm và bánh mì với giá khởi điểm lần lượt là 20.000 và 15.000 đồng/suất. Khách hàng sẽ lựa chọn thêm món ăn kèm như sườn, bì, chả, salad… với gói 60.000 đồng/5 topping và 70.000 đồng/8 topping. Nguyên liệu đều là nông sản sạch, có khả năng truy xuất nguồn gốc, đóng gói bằng các vật dụng thân thiện với môi trường như hộp đựng cơm làm từ bã mía, nắp nhôm giữ nhiệt, thìa đũa làm bằng gỗ, tre…
Hiện tại Double C đã mở chi nhánh đầu tiên cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), xung quanh là các tòa nhà văn phòng. Kế hoạch đến 2026 của Kim Vĩnh là mở được 10 cửa hàng, gồm 8 chi nhánh ở Việt Nam và 2 chi nhánh ở nước ngoài.
Từ kinh nghiệm với chi nhánh đầu tiên, Kim Vĩnh cho biết chi phí đầu tư một cửa hàng của Double C là 1 tỷ đồng, có 3 nhân viên phục vụ. Cửa hàng cạnh phố đi bộ đang bán 40 – 50 suất cơm/ngày trong vòng 3 tiếng buổi trưa, mỗi suất giá từ 30.000 – 120.000 đồng. Nhà sáng lập 18 tuổi thừa nhận Double C đang chưa tận dụng tốt mặt bằng đắc địa.
"Nếu mở rộng ra và làm marketing, tăng giá trị thương hiệu, bán sáng, trưa, chiều, với vị trí kế bên phố đi bộ thì phần bán một ngày sẽ tăng gấp 3 – 4 lần", Kim Vĩnh tự tin.
Shark Nguyễn Văn Thái đánh giá mỗi ngày phải bán vài trăm suất mới có thể làm nên chuyện. Trong khi đó, Shark Nguyễn Hòa Bình góp ý rằng startup định vị là "cơm tấm sang chảnh" thì giá phải đắt hơn cơm tấm bình dân, mà cơm tấm bình dân hiện tại đã khoảng 50.000 đồng/suất.
Đồng quan điểm với Shark Bình, Shark Phạm Thanh Hưng chia sẻ thêm rằng riêng những vật dụng như hộp thân thiện môi trường, đũa dùng một lần… đã đắt hơn rất nhiều so với đồ nhựa.
Về bức tranh tài chính, Kim Vĩnh cho biết doanh thu hiện tại của Double C là 150 triệu đồng/tháng, lãi ròng 20%. Về cơ cấu giá vốn, Double C chi 40 – 44 triệu tiền nguyên liệu, 50 triệu tiền mặt bằng, 3 nhân viên có mức lương 9 triệu/tháng. Tiền lãi được dùng để tái đầu tư nên hiện tại startup chưa dùng hết số vốn 1 tỷ đồng thực góp ban đầu.
Kim Vĩnh chia sẻ thêm rằng ba mẹ là dân kinh doanh thành công, nhưng rất "gắt" về tiền bạc và muốn cậu tự đi trên con đường riêng của mình.
"Nhà nghèo vượt khó" không bằng "nhà giàu vượt sướng"
"Quan sát bạn thì tôi có thể nhận xét rằng bạn có khí chất của một startup con nhà giàu, tức là gia đình có điều kiện hoặc hệ sinh thái có điều kiện", Shark Bình nói thẳng với Kim Vĩnh.
"Tôi có một lời khuyên là các startup con nhà giàu cần cẩn thận hơn rất nhiều, vì hầu hết startup mà tôi đầu tư theo kiểu này đều sớm gặp khó khăn trong vấn đề quản lý P&L.
Nhà nghèo vượt khó khởi nghiệp rất đáng khâm phục rồi. Nhưng thực tế, tôi cho rằng startup nhà giàu vượt sướng còn đáng khâm phục hơn. Họ phải đối mặt rất nhiều cạm bẫy, bỏ qua cái nọ cái kia, không tỉ mẩn chỗ nọ, tối ưu chỗ kia. Đó mới chính là nguyên nhân khiến cho một doanh nghiệp sụp đổ", Shark Bình chia sẻ.
Với thương vụ này, Shark Bình từ chối đầu tư vì startup chưa đáp ứng được tiêu chí có khả năng nhân rộng gấp nhiều lần. Shark Thái cũng rút lui vì không phù hợp khẩu vị đầu tư.
Shark Lê Mỹ Nga cũng từ chối đầu tư. Bà nhận định nếu startup phát triển kinh doanh tại Mỹ thì có thể tạo sự khác biệt bởi đó là cơm Việt Nam tại Mỹ. Còn tại thị trường Việt Nam, bà nhận thấy mô hình của Double C chưa thực sự rõ ràng để hấp dẫn nhà đầu tư.
Về phía Shark Hưng, ông cho rằng mô hình kinh doanh của Kim Vĩnh "khá ngây thơ", nhưng sản phẩm tốt.
"Tôi có lời khen với một founder 18 tuổi, học lớp 12 đã quan tâm đến kinh doanh. Dù rằng có thể là truyền thống gia đình hay động lực nào đi chăng nữa thì cũng rất đáng khen ngợi", Shark Hưng nói.
Shark Minh Beta thì đánh giá cao việc Double C đi theo xu hướng nâng cấp những món ăn truyền thống, biến nó thành sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu mới của khách hàng, đồng thời thiết kế sản phẩm có sự duy mỹ – đặc trưng của thế hệ Z.
Đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp, Shark Hưng đề nghị đầu tư 1 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần, 4 tỷ sẽ xem xét giải ngân cho chi nhánh tiếp theo tùy vào hiệu quả kinh doanh của chi nhánh hiện tại. Ngoài đầu tư về vốn, Shark Hưng cam kết tư vấn cho startup về mô hình kinh doanh, cách tối ưu hóa mô hình để có thể đi xa hơn.
Cũng có mong muốn đồng hành, dìu dắt và hướng dẫn startup giống như một mentorship (cố vấn) thay vì là partnership (đối tác), Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 1,5 tỷ cho 49% cổ phần, 3,5 tỷ còn lại giải ngân dựa trên kết quả kinh doanh thực tế.
Sau khi cân nhắc, Kim Vĩnh bày tỏ ngưỡng mộ con đường khởi nghiệp cũng như học thức của Shark Minh Beta nên chấp nhận đề nghị đầu tư từ Chủ tịch Beta Group, khép lại thương vụ gọi vốn thành công.
Đời sống & pháp luật