MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup phát hiện hàng giả Trung Quốc chuẩn bị huy động chục triệu USD bằng tiền ảo

30-11-2017 - 09:47 AM | Tài chính quốc tế

Công ty này sẽ phát hành 46 triệu tiền ảo WaBi với giá 0,25 USD/mã ...

Startup Walimai của Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu huy động 11,5 triệu USD tại Singpore bằng tiền ảo, bắt đầu từ ngày 28/11.

Theo CNBC, Walimai huy động vốn để phát triển công nghệ và chương trình khách hàng trung thành - hai lý do phổ biến của các công ty thực hiện gọi vốn bằng tiền ảo (ICO) - thị trường đang bùng nổ mạnh mẽ trên thế giới.

Tập trung vào thị trường thực phẩm

Điểm khác biệt là sản phẩm của công ty này không phải là công nghệ tài chính như nhiều công ty thực hiện ICO khác. Walimai tạo ra các nhãn chống hàng giả mà khách hàng có thể quét bằng ứng dụng di động thông minh (smartphone) để xác nhận xem sản phẩm có phải hàng thật hay không.

Các nhãn này có thể được quét trực tiếp trên một số smartphone, hoặc có thể quét bằng mã QR. Theo Walimai, tính năng quan trọng của các nhãn này là "chống giả mạo" bởi một khi đã bị gỡ khỏi sản phẩm thì nó sẽ không thể được sử dụng nữa.

Việc phát hành tiền ảo riêng thông qua ICO đang là phương thức gọi vốn phổ biến đối với các startup. Để ICO, công ty này phát hành một loại tiền ảo riêng để bán cho các nhà đầu tư đổi lấy một số loại tiền ảo phổ biến khác - thường là Bitcoin hoặc Ether.

Đổi lại, các nhà đầu tư nhận được một loại tiền ảo hoàn toàn mới với một số giá trị định sẵn và có thể dùng vào các dịch vụ do công ty cung cấp.

Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc cấm hoàn toàn hoạt động ICO hồi tháng 9, Walimai đã thành lập một công ty mới tại Singapore có tên WaBi Project. Công ty này sẽ phát hành 46 triệu tiền ảo WaBi với giá 0,25 USD/mã cho các nhà đầu tư, không bao gồm công dân Trung Quốc.

Một chương trình khách hàng trung thành dựa trên nền tảng công nghệ blockchain (công nghệ nền tảng của Bitcoin hiện nay) cũng sẽ được phát triển dành cho khách hàng của Walimai. Tổng cộng sẽ có khoảng 100 triệu tiền ảo Wabi.

Các mã tiền ảo này có thể được dùng để mua các sản phẩm dán nhãn Walimai, công ty này cho biết. Khách hàng cũng có thể "đào" thêm WaBi bằng cách quét nhãn liên tục.

Hiện Walimai đang tập trung chủ yếu vào thị trường thực phẩm trẻ em của Trung Quốc, nhưng có kế hoạch mở rộng sang các lĩnh vực như rượu, mỹ phẩm và dược phẩm.

Đã có nhiều công ty tập trung phát triển công nghệ chống hàng giả cho các thương hiệu thời trang, Yaroslav Belinskiy - đồng sáng lập Walimai cho biết. Tuy nhiên, công ty của Belinskiy định hướng vào thị trường sữa công thức bởi "chi phí mua phải hàng giả" ở đây lớn hơn nhiều.

"Với các thương hiệu thời trang, người mua thường biết rõ họ đang mua hàng giả", Belinskiy nói.

Trong khi đó, an toàn thực phẩm là vấn đề được người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt quan tâm, Zennon Kapron - Giám đốc hãng tư vấn công nghệ tài chính Kapronasia tại Thượng Hải cho biết, và sữa công thức là một trong sản phẩm điển hình.

Bong bóng tiền ảo hay "sự khai sinh nền kinh tế mới"?

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc huy động vốn bằng tiền ảo vấp phải nhiều chỉ trích. Một số chuyên gia cho rằng đang tồn tại một "bong bóng tiền ảo". Một số khác gọi hoạt động này là trò lừa đảo, rồi những quan ngại về an ninh mạng và quy định cấm tại một số nước như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tất cả những điều đó khiến cho việc đầu tư vào một ICO trở nên rủi ro bởi khó có thể xác định liệu một tiền ảo phát hành có được tạo ra dựa trên nền tảng một sản phẩm hợp pháp hay không.

"Một mặt, ICO là hoạt động rất tốt, một mặt lại cực kỳ nguy hiểm", Julian Hosp, đồng sáng lập, chủ tịch startup TenX có trụ sở tại Singapore nói. Trước đó, startup này đã huy động được khoảng 80 triệu USD qua ICO.

Theo Hosp, có 3 vấn đề tạo ra một "hệ sinh thái độc hại" cho ICO. Thứ nhất, quy định pháp lý vẫn chưa theo kịp so với số lượng các ICO được thực hiện. Từ đầu năm đến nay, các công ty đã huy động được ít nhất 3 tỷ USD qua hoạt động này.

Thứ hai, vẫn còn thiếu các quy chuẩn về việc tiến hành ICO do các công ty lớn thiết lập. Cuối cùng là sự "tham lam" của các nhà đầu tư khiến cho các "công ty lừa đảo có cơ hội tồn tại", Hosp nói.

Anh cho biết nhiều người đầu tư vào ICO mà không tìm hiểu xem công ty thực hiện gọi vốn có hợp pháp hay không, bởi họ tin rằng có thể nhanh chóng mua đi bán lại và kiếm lời.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều tỏ ra nghi ngờ về ICO. Nick Spanos, CEO của Zap, đồng sáng lập Bitcoin Center NYC nói rằng ông đang "chứng kiến sự ra đời của một nền kinh tế mới" nơi những người có tư tưởng cấp tiến đang thay đổi những "phương thức lạc hậu" trong việc huy động vốn.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên