MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Startup từ chối nhận đầu tư 1 triệu đô trong chương trình Shark Tank là ai?

05-07-2021 - 20:20 PM | Doanh nghiệp

Gây ấn tượng đặc biệt khi từ chối nhận đầu tư 1 triệu USD từ Shark Bình và Shark Hưng, chủ sở hữu Công viên san hô Phú Quốc khẳng định giá trị dự án cao hơn so với định giá của các Shark.

Anh Lê Quang Duy (Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Phát triển NAMASTE) thuộc số ít những startup từ chối deal đầu tư từ các Shark tại chương trình Thương vụ bạc tỷ mùa 4. Một triệu USD không hề nhỏ với nhiều startup nhưng anh không ngần ngại từ chối vì theo anh NAMASTE chưa được định giá đúng tầm.

Hiện NAMASTE sở hữu Công viên san hô đầu tiên tại Việt Nam và đang trong giai đoạn mở rộng dự án. Đó là lý do anh Duy tham gia Shark Tank. Anh dự định thiết kế thêm 3 công viên san hô tại Phú Quốc, hợp thành quần thể công viên san hô có quy mô gấp 4 lần hiện tại. Sự chất phác, đam mê với công việc là điều nhiều người cảm nhận được khi tiếp xúc và lắng nghe anh chia sẻ câu chuyện sáng lập NAMASTE.

Startup từ chối nhận đầu tư 1 triệu đô trong chương trình Shark Tank là ai? - Ảnh 1.

Anh Lê Quang Duy - Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Phát triển NAMASTE, người vừa từ chối đầu tư trong chương trình Shark Tank.

Từ suýt mất mạng dưới biển đến đam mê phục hồi san hô, bảo vệ môi trường biển

Sau một lần đuối nước khi bơi vào vùng nước xoáy ở biển Vũng Tàu năm 2012, anh Duy không dám lại gần mặt nước suốt 4 năm. Đến năm 2016, cảm thấy mất động lực và mục tiêu chinh phục trong cuộc sống khi không tìm được ý nghĩa ở công việc kinh doanh đang tương đối tốt của mình, anh chuyển giao lại tất cả và đi khám phá từ Bắc chí Nam. Khi đến Nha Trang, anh quyết định đối đầu với nỗi sợ hãi và vượt qua chứng sợ nước bằng cách đi học trở thành một thợ lặn biển chuyên nghiệp.

“Lần đầu tiên xuống đáy biển, nhìn thấy vẻ đẹp kỳ ảo của đại dương tôi chợt nghĩ, làm cách nào đưa một người không biết bơi xuống đáy biển nhìn thấy cảnh này, tôi sẽ thành công. Và thế là tôi đi tìm công nghệ”, anh Duy chia sẻ về ý tưởng đã thôi thúc anh bước chân vào ngành du lịch biển. NAMASTE được thành lập chính từ ý tưởng ấy.

Startup từ chối nhận đầu tư 1 triệu đô trong chương trình Shark Tank là ai? - Ảnh 2.

Nhưng NAMASTE không chỉ là doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần mà còn phát triển theo hướng bảo tồn, tái tạo môi trường biển và những rạn san hô khi anh phát hiện sự biến đổi khí hậu El Nino làm nước biển nóng lên gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô trên khắp các vùng biển của Việt Nam. Nghiêm trọng nhất ở Phú Quốc, gần 60% các rạn san hô bị tẩy trắng hoặc xóa sổ vào năm 2010.

Anh đầu tư mua tàu và thiết bị, nghiên cứu công nghệ Seawalker rồi đưa tàu ra Phú Quốc thực nghiệm loại hình đi bộ dưới biển. Xuất phát từ một người không biết gì về biển vậy mà lần đầu tiên cầm lái anh phải vận hành tàu vượt hành trình 600 km từ Bến Tre ra Phú Quốc, đối mặt với cơn áp thấp nhiệt đới tưởng đã không giữ được mạng. “Sau lần đầu đó, mỗi khi phải vận hành di chuyển tàu từ chỗ này qua chỗ khác, hay khi thời tiết chuyển biến xấu tôi luôn rất lo lắng loay hoay tìm cách giải quyết, dần về sau làm nhiều thì quen. Giờ tôi biết cách xem thời tiết, vận hành tàu. Bây giờ tàu là một niềm đam mê giống như mọi người mê siêu xe”, CEO 8x vui vẻ kể lại trải nghiệm thập tử nhất sinh của mình.

Startup từ chối nhận đầu tư 1 triệu đô trong chương trình Shark Tank là ai? - Ảnh 3.

Ấp ủ dự án Quần thể Công viên san hô Phú Quốc

NAMASTE là doanh nghiệp phát triển dịch vụ du lịch biển được nhiều người biết đến qua Công viên san hô Phú Quốc và con tàu Seaworld Namaste.

Chính thức ra mắt dịch vụ vào đầu năm 2018, tàu Seaworld Namaste là cơ sở đầu tiên tại Phú Quốc được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí trên biển, doanh thu luôn tăng trưởng qua từng năm. 98% khách hàng đánh giá 5 sao cho trải nghiệm đi bộ dưới đáy biển của thương hiệu.

Công viên san hô có diện tích 1ha, với gần 200 loài san hô các loại, hơn 100 loài cá biển tự nhiên, sinh vật biển quý và 9000m2 khu bảo vệ phục hồi, đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Công viên san hô đầu tiên tại Việt Nam” vào tháng 1/2020.

Với mong muốn mở rộng diện tích san hô và hệ sinh thái biển, làm giàu tài nguyên biển, anh Duy lên kế hoạch về Dự án quần thể Công viên san hô của Phú Quốc và đã được Ủy ban tỉnh Kiên Giang chấp thuận. Theo đó, anh sẽ tái tạo thêm 3 công viên san hô nữa tại Phú Quốc. Số tiền tiếp tục đầu tư cho môi trường sẽ là gần 15 tỷ đồng để phục hồi 40ha làm vườn ươm và vùng lõi để sản xuất nguyên liệu tái tạo các vùng biển khác trong khu vực. Kinh doanh thành công từ biển anh cũng chưa bao giờ quên sứ mệnh bảo tồn môi trường biển.

Startup từ chối nhận đầu tư 1 triệu đô trong chương trình Shark Tank là ai? - Ảnh 4.

Đầu tư du thuyền 4 triệu USD làm tổ hợp giải trí biển hiện đại bậc nhất Việt Nam

Tàu Seaworld Namaste có công suất 120-150 khách/ngày nhưng thường xuyên phải hạn chế số lượng để đảm bảo môi trường sống và cảnh quan công viên san hô. Trong thời gian tới công viên san hô cũng sẽ mở rộng quy mô gấp nhiều lần. Bởi vậy, anh Duy muốn nhân rộng mô hình seawalker để phục vụ được thêm nhiều du khách trải nghiệm loại hình đi bộ dưới biển.

Nghĩ là làm, bên cạnh việc gọi vốn tại Shark Tank anh cũng đang chuẩn bị hoàn thiện con tàu thứ hai mang tên Nautilus Namaste với số tiền đầu tư vượt sức tưởng tượng của nhiều người: 4 triệu USD (gần 100 tỷ đồng). Con số này giúp chúng ta hiểu thêm vì sao anh từ chối nhận deal 1 triệu đô từ các Shark.

Du thuyền Nautilus Namaste dự kiến đưa vào vận hành trong Quý 3 năm 2021. Anh Duy cho biết Nautilus Namaste được thiết kế để trở thành tổ hợp giải trí biển hiện đại bậc nhất Việt Nam và có thể tự tin so sánh các cơ sở cùng ngành ở khu vực Đông Nam Á.

Startup từ chối nhận đầu tư 1 triệu đô trong chương trình Shark Tank là ai? - Ảnh 5.
Startup từ chối nhận đầu tư 1 triệu đô trong chương trình Shark Tank là ai? - Ảnh 6.

Vừa làm kinh tế giỏi, vừa đam mê với việc bảo vệ môi trường biển, một startup vì cộng đồng như NAMASTE hẳn sẽ còn phát triển hơn nữa dưới sự chèo lái của anh Lê Quang Duy.

Theo Mộc Lan

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên