Startup từng được Shark Hùng Anh chốt rót 500.000 USD, gấp 12 lần số tiền mong muốn: Bắt tay cùng Apple, giải quyết bài toán Nợ của DN Việt
Nếu bán được hàng là câu chuyện của giai đoạn đại dịch, thì hôm nay “nợ” đang là bài toán lớn của đa số DN. CEO Bùi Hải Nam đã chỉ 5 'điểm đau' trong quản lý dòng tiền của startup, các hộ kinh doanh/SMEs.
- 19-09-2024Hậu Shark Tank: Startup vừa gọi vốn thành công bị ngập hết xưởng, 90% tài sản bị hủy hoại hoàn toàn, cả đời tích cóp coi như trắng tay
- 17-09-2024Startup hiếm hoi được cả 5 'cá mập' tranh giành: Tổ chức trekking, leo núi tại 40 cung đường, không không vay nợ, doanh thu gần 90 tỷ đồng
- 17-09-2024Startup cứu ô tô mùa lụt từng khiến 4 'cá mập' tranh giành: Bán tấm bạt hơn 4 triệu biến xe thành 'xuồng', được Shark Bình đề nghị làm 'đối tác trọn đời về vốn'
Sổ Bán Hàng của founder Bùi Hải Nam vừa bắt tay cùng Apple, ra mắt Finanbook nhằm cung cấp giải pháp quản lý dòng tiền thời đại số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), startup tại Việt Nam.
Sổ Bán Hàng là một startup ra đời vào năm 2021 - giữa cao điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Mục đích ban đầu của đội ngũ Công ty là giúp các chủ doanh nghiệp (DN) quản lý về tài chính, dòng tiền. Tuy nhiên, vào thời điểm bấy giờ, bán được hàng là việc quan trọng hơn khi toàn thành phố phải “lockdown”, đặc biệt là với những người bán hàng tạp hoá.
Do đó, Sổ Bán Hàng ra mắt giải pháp giúp DN bán được hàng online một cách nhanh nhất bằng thiết bị di động (bởi nhiều chủ tạp hoá không có máy tính xách tay/laptop).
Ứng dụng SoBanHang giúp quản lý mọi hoạt động bán hàng chỉ trên 1 chiếc điện thoại. Trong lần ra mắt vào tháng 8/2021, Sổ Bán Hàng lần đầu tiên gọi vốn thành công 1,5 triệu USD.
Vài tháng sau, Sổ Bán Hàng tiếp tục huy động thành công 2,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn thế giới như FEBE Ventures, Class 5, AlleyCorp, và Trihill Cap vào đầu tháng 3/2022. Như vậy, startup đã gọi vốn thành công 4 triệu USD chỉ sau 8 tháng hoạt động.
Sau 2 năm, Sổ Bán Hàng hiện là phần mềm quản lý với hệ sinh thái bán hàng đa dạng, hỗ trợ cho hơn 500.000 chủ kinh doanh. Năm 2023, Sổ Bán Hàng đã có màn gọi vốn thành công trên Shark Tank và được 3 shark tranh giành.
Trong đó, Shark Tuệ Lâm đánh giá cao mô hình kinh doanh Công ty vì cho rằng lĩnh vực kinh doanh này có mặt ở nhiều quốc gia khác như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… và một trong số đó đã trở thành kỳ lân khởi nghiệp.
Điển hình là sự thành công của Cashnote – một ứng dụng quản lý bán hàng và tài chính tại Hàn Quốc, đã trở thành kỳ lân trong lĩnh vực này.
Shark Erik là người tiếp theo ra deal với mong muốn được đồng hành phát triển dự án tiềm năng từ Sổ Bán Hàng. Và “chơi trội” là Shark Hùng Anh chốt đầu tư con số khủng với 500.000 USD, gấp 12 lần số tiền CEO Sổ Bán Hàng kêu gọi, không quan tâm đến định giá hợp đồng.
Sổ Bán Hàng còn đạt ngôi Quán quân của Cuộc thi TECHFEST Việt Nam 2022. Với số vốn huy động khoảng 100 tỷ đồng, Công ty đã đầu tư mạnh cho sản phẩm với định hướng nâng cấp thêm tính năng generative AI (AI tạo sinh) giúp các chủ cửa hàng nhỏ tiếp cận được các công nghệ hiện đại nhất thế giới; Hỗ trợ nhận thanh toán qua thẻ, tài khoản ngân hàng thông minh giúp thu tiền, nhắc nợ nhanh, đối soát tự động…
Nếu bán được hàng là câu chuyện của giai đoạn đại dịch, thì hôm nay “nợ” đang là bài toán lớn của đa số DN. Những điểm đau trong quản lý dòng tiền của startup, các hộ kinh doanh/SMEs theo CEO Bùi Hải Nam gồm:
(1) Quản lý dòng tiền không hiệu quả: Nhiều DN gặp khó khăn trong việc theo dõi dòng tiền vào ra, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền và khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh hàng ngày.
(2) Khó khăn trong thu hồi công nợ: Các DN nhỏ thường gặp khó khăn trong việc thu hồi các khoản nợ từ khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến vốn lưu động.
(3) Chi phí và thời gian quản lý tài chính phức tạp: Với nguồn lực hạn chế, DN nhỏ và startup thường phải tự quản lý tài chính, dẫn đến việc tốn nhiều thời gian và dễ mắc sai sót.
(4) Không có công cụ tối ưu quản lý chi phí và lợi nhuận: Khó khăn trong việc theo dõi chi phí và xác định lợi nhuận thực sự của từng hoạt động kinh doanh hoặc sản phẩm khiến DN không thể tối ưu hiệu quả tài chính.
(5) Thiếu giải pháp công nghệ phù hợp: Nhiều doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng tiếp cận các phần mềm quản lý tài chính phức tạp và đắt đỏ, dẫn đến việc sử dụng các công cụ kém hiệu quả hoặc quản lý thủ công.
Theo đó, giải pháp của Finanbook hướng đến giúp các SMEs không chỉ quản lý dòng tiền mà còn tự động đối soát các giao dịch qua ngân hàng. “FinanBook có thế giúp DN rút ngắn thời gian thu hồi công nợ lên đến 3 lần, giảm 80% các tác vụ thủ công trong quy trình tài chính và tiết kiệm chi phí vận hành tới 6 lần” , ông Nam nói.
Lấy ví dụ từ câu chuyện của anh Tú – chủ studio Sunshine. Được biết, Sunshine chuyên cho thuê studio, thiết bị quay chụp và cung cấp dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện. Công ty thường có thêm khách mới nhờ khách cũ giới thiệu. Nhưng công việc của DN này chủ yếu tập trung vào các mùa cao điểm như mùa cưới hay cuối năm khi các công ty chạy chiến dịch quảng cáo.
Dù có nhiều hợp đồng trong tay, song do mô hình chỉ tạm ứng trước một phần hay công nợ lớn khiến anh Tú cuối tháng thường phải “vay nóng” với lãi suất cao để trả trước cho nhà cung cấp và chi lương cho đội ngũ. Đây cũng chính là một trong những vấn đề của nhiều SMEs hiện nay, dù có hợp đồng song vẫn phải “vay nóng” để chi trả chi phí mỗi tháng. Hiện, Sunshine đang là một trong những khách hàng của Finanbook.
Nhịp sống thị trường