Startup Việt nói gì về việc đưa Quỹ Đầu tư mạo hiểm vào luật?
Nhiều startup đã bày tỏ những ý kiến trái chiều liên quan đến việc làm rõ các vấn đề về thủ tục pháp lý, đối tượng thành lập quỹ cũng như đối tượng thụ hưởng xoay quanh Dự thảo Thông tư về Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cơ quan này đang có kế hoạch xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đó, các thủ tục thành lập quỹ được tối thiểu hoá, chỉ mất 3 ngày để thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Quỹ Đầu tư mạo hiểm là quỹ hình thành từ vốn góp của các thành viên nhằm thực hiện đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Quỹ này không phải tuân thủ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán.
Đồng thời, để khơi thông nguồn vốn vào startup Việt, quỹ được huy động vốn từ nhiều nguồn gồm vốn của nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, vốn uỷ thác. Quỹ có thể tăng vốn thông qua việc huy động thêm từ thành viên hiện hữu hoặc từ thành viên mới, tuy nhiên không được phép đi vay để thực hiện hoạt động đầu tư.
Trước thông tin trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một số startup Việt Nam và ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc điều hành Jobwise: “Làm startup phải tự sống được trước khi trông chờ nguồn quỹ nào đó”
Theo tôi, trong khoảng 1, 2 năm đầu việc này sẽ chưa tác động nhiều đến các startup đã hoạt động được vài năm như Jobwise. Lâu nay, nguồn tài chính của Jobwise chủ yếu đến từ một số nhà đầu tư thiên thần hoặc vốn của startup bỏ ra.
Ở Việt Nam, đa số nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư thiên thần với các thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Còn chờ có quỹ đầu tư nào đó rót vốn thì rất khó khăn do luật đầu tư của Việt Nam còn lỏng lẻo, chậm sửa đổi. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện giờ chưa cảm thấy tin tưởng chính sách đầu tư ở Việt Nam bởi vì nó hay thay đổi.
Tuy nhiên, điều tôi nhấn mạnh ở đây là thủ tục không phải là vấn đề với startup. Vấn đề lớn của startup là nguồn nhân lực và tài chính. Nếu không giải quyết được vấn đề con người thì nhà đầu tư có cho vay tiền thì cũng không làm được gì. Đã là startup phải tự sống được. Và cũng đừng trông chờ nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, nếu trông chờ sẽ thất bại.
Ông Hải Nguyễn, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành LoanVi: “Cần rõ ràng về đối tượng thành lập quỹ và thụ hưởng”
Tôi nghĩ rằng dự thảo này cần được làm rõ một số vấn đề. Thứ nhất là vấn đề về đối tượng được thành lập quỹ. Ví dụ, luật này ra đời dành cho đối tượng người Việt Nam mở quỹ hay của chính các Bộ ngành mở ra, nó có dành cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài hay không và nếu có sẽ theo hình thức như thế nào.
Thứ hai là đối tượng thụ hưởng. Các quỹ đầu tư mạo hiểm này sẽ tập trung rót vốn vào đối tượng startup nào. Nếu tập trung vào đối tượng startup mới thành lập thì rất nhiều rủi ro và mạo hiểm.
Hiện tại, tôi chưa biết dự thảo cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra sao nhưng nhìn chung, đây là một tin tích cực khi Chính phủ có tín hiệu hỗ trợ các startup.
Thực ra Quỹ đầu tư mạo hiểm của Việt Nam có từ 10 năm trước rồi chứ không phải mô hình mới. Mô hình trước đây đầu tư vào những công ty vượt qua giai đoạn sống sót như sau 3 đến 5 năm khởi nghiệp và có ít nhiều doanh thu.
Ở nước ngoài, các quỹ đầu tư mạo hiểm không đầu tư cho các startup mới thành lập trong giai đoạn từ 6 tháng tới 1 năm bởi vì rất mạo hiểm. Thường thì công việc đó là của các nhà đầu tư thiên thần.
Ông Trường Nguyễn, Quản lý Ahamove: “Startup mong được hậu thuẫn về thủ tục pháp lý”
Với tôi, nếu Chính phủ vào cuộc giúp các startup và nếu có hậu thuẫn về cơ chế, chính sách và tài chính thì sẽ rất thuận lợi cho sự phát triển của các nhà khởi nghiệp.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp chưa được hậu thuẫn trong việc đăng ký thủ tục liên quan đến pháp lý và đầu tư.
Theo đó, một số startup của Việt Nam muốn được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phải đăng ký là công ty của nước ngoài. Ví dụ, Lozi phải đăng ký ở Singapore chứ không phải ở Việt Nam. Vô hình trung, khi quốc tế nhắc tới startup đó sẽ tưởng là của Singapore mà không biết là của Việt Nam.
Hiện tại, Ahamove cũng đã đăng ký tại Singapore bởi nếu huy động vốn ở các vòng tiếp theo thì các nhà đầu tư là của nước ngoài. Việt Nam đang thiếu các vấn đề liên quan đến pháp lý cho các nhà đầu tư, như việc rút vốn khỏi công ty thì sẽ như thế nào…
Tôi cũng cho rằng, Chính phủ nên khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm có sự hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài hay tổ chức tư nhân nào đó bởi điều này rất cần thiết. Ngoài ra, về mặt đất đai, Việt Nam cũng nên tạo điều kiện thuận lợi để có nhiều các không gian làm việc chung hơn nữa, tạo ra môi trường giao lưu học hỏi cho cộng đồng khởi nghiệp.
Ông Đặng Hồng Thái, Đồng sáng lập Ybox.vn: “Hy vọng các quỹ này ra đời sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các startup trẻ”
Tôi cho rằng khi các quỹ đầu tư mạo hiểm được khuyến khích ở Việt Nam, nó sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho startup, đặc biệt là các startup trẻ như Ybox.vn.
Hiện tại, Ybox.vn đang ở giai đoạn đầu tư thiên thần nên chưa phải đối mặt với nhiều yếu tố pháp lý. Nhà đầu tư không yêu cầu ký kết những hợp đồng phức tạp giống như những quỹ đầu tư nước ngoài. Mặc dù nhà đầu tư của Ybox.vn cũng ở bên Mỹ.
Đối với nhiều bạn sinh viên, Ybox.vn cũng là một website khá nổi tiếng. Tuy nhiên, về mặt quy mô thì nó vẫn còn bé so với nhiều website lớn của Việt Nam. Những người sáng lập như chúng tôi đang kỳ vọng nó sẽ phát triển hơn để tăng cơ hội gọi vốn ở các vòng đầu tư lớn hơn.
BizLIVE