MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

STT bên bờ vực phá sản: Từ thương hiệu Taxi Saigontourist vang bóng đến xung đột không hồi kết giữa hai nhóm lãnh đạo Nhật - Việt

10-06-2020 - 11:48 AM | Doanh nghiệp

Những tưởng STT sẽ rũ bùn đứng dậy sau khi bầu cử được ban điều hành mới từ năm 2014, song câu chuyện từ tranh chấp xung đột lợi ích 2 bên chuyển lên mức độ phức tạp mới: 3 bên!

CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (Saigontourist Transport - STT) vừa bị cổ đông lớn người Việt là ông Nguyễn Văn Hồng (nắm giữ hơn 1,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 21,8% vốn) yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Đây là doanh nghiệp niêm yết thứ 3 đệ đơn phá sản tính từ đầu năm nay, nhưng lại là kết cục cho gần 10 năm đằng đẵng lục đục nội bộ, từ việc tranh chấp ban điều hành cũ tại ĐHĐCĐ 2013 cho đến bất đồng giữa 2 nhóm quản trị Nhật – Việt giai đoạn 2014-2020.

STT có tiền thân là đội xe vận chuyển du lịch của Công ty Du lịch Tp.HCM, được tiếp quản từ tháng 7/1976. Lĩnh vực kinh doanh chính của STT là taxi với thương hiệu vang bóng một thời Taxi Saigontourist, STT cũng cung cấp dịch vụ bảo vệ, đào tạo…

Giọt nước tràn ly tại ĐHĐCĐ 2014: 4 thành viên HĐQT cũ từ nhiệm theo yêu cầu, nhóm người Nhật chính thức vào ban điều hành

Nhưng, bắt đầu từ năm 2012, STT tụt hậu, doanh thu Công ty đi xuống và lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục âm hàng chục tỷ đồng. Đến năm 2014, STT đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 2 năm liên tiếp. Đỉnh điểm vào tháng 7, HĐQT cũ do ông Đỗ Phan Châu làm Chủ tịch HĐQT (đã từ nhiệm) triệu tập cuộc họp HĐQT để xem xét thanh lý hàng loạt tài sản có giá trị như thanh lý 100 xe taxi, thanh lý khu đất hơn 600 m2 tại quận Gò Vấp (Tp.HCM), thanh lý xe đào tạo…

Ông Đỗ Phan Châu, nguyên là cán bộ của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) và được đơn vị này cử làm người đại diện phần vốn góp tại STT. Ông Châu nhận chức Chủ tịch HĐQT STT từ ngày 1/12/2012. Hiện, Saigon Tourist không còn nắm giữ cổ phần tại STT.

Quyết định trên đẩy căng thẳng STT lên cao trào, ĐHĐCĐ thường niên 2014 theo đó trở thành nơi đấu tố, chỉ trích ban lãnh đạo tại vị. Từ nhóm cổ đông lớn (nắm giữ tỷ lệ ~30%) đến cả nhân viên STT đều tỏ ra gay gắt trước năng lực của ban lãnh đạo lúc bấy giờ, thậm chí còn đệ đơn lên cơ quan chức năng đề nghị xem xét trách nhiệm của HĐQT, Tổng Giám đốc đang tại vị. Những tranh cãi cho thấy sự mâu thuẫn nội bộ cực kỳ lớn, một cổ đông bên ngoài bày tỏ.

Năm 2014 cũng là năm ban điều hành STT có sự chuyển biến lớn, nhóm lãnh đạo cũ chính thức từ nhiệm và nhường chỗ cho nhóm mới là người Nhật. Danh sách ứng viên trúng cử nhiệm kỳ mới gồm ông Kakazu Shogo, ông Ryotaro Ohtake, ông Nguyễn Văn Hồng (người đệ đơn yêu cầu phá sản mới đây). Trong đó, ông Kakazu Shogo kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc STT.

Xung đột lợi ích 3 bên: Nhóm người Nhật tố ban điều hành cũ gây tổn thất cho STT, ngược lại phải liên tục đối trọng hầu kiện với nhóm lãnh đạo và cổ đông người Việt hiện tại

Những tưởng STT sẽ rũ bùn đứng dậy sau khi bầu cử được ban điều hành mới, song câu chuyện từ tranh chấp, xung đột lợi ích 2 bên chuyển lên mức độ phức tạp mới: 3 bên!

Về phía nhóm người Nhật, sau khi tiếp quản STT, ông Kakazu Shogo (Tổng Giám đốc) cho đánh giá lại quá trình công tác của cán bộ và đã khởi kiện nguyên Tổng Giám đốc giai đoạn trước 2014 để đòi bồi thường gần 3 tỷ đồng. Ban lãnh đạo người Nhật cho rằng STT đang đối mặt với những tổn thất do hậu quả của hệ thống điều hành cũ và hành vi phá hoại, cản trở vì lợi ích nhóm.

Ở diễn biến khác, từ khi ông Kakazu Shogo và nhóm cộng sự người Nhật tham gia vào ban lãnh đạo STT cũng liên tiếp phải đối trọng với các thành viên HĐQT và cổ đông lớn người Việt. Trong đó, ông Kakazu Shogo bị Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Hồng khởi kiện về việc ngăn cản ban kiểm soát thực hiện nhiệm vụ. Trong một vụ kiện khác, ông bị yêu cầu cùng nhóm cộng sự bồi thường hơn 42 tỷ đồng vì thanh lý tài sản trái luật.

Cần nhấn mạnh, vào tháng 11/2014, tức chỉ vừa sau khi nhóm người Nhật vào STT, Công ty đã ký hợp đồng gọi là chuyển nhượng "lợi thế kinh doanh" khu đất số 25 Pasteur, q.1, Tp.HCM (trụ sở cũ) cho ông H.Tomiya (quốc tịch Nhật Bản) với giá 15 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, STT chuyển trụ sở về một tòa nhà khác và bỏ trống trụ sở số 25 Pasteur nói trên.

Đến tháng 8/2016, các cổ đông STT mới phát lộ và đâm đơn tố cáo đến Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an. Trong đơn, các cổ đông cho rằng việc chuyển nhượng trái pháp luật này đã gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, trốn thuế, gây thiệt hại cho lợi ích Công ty cũng như các cổ đông.

Tháng 7/2017, STT đã thanh lý hợp đồng chuyển nhượng với ông H.Tomiya. Tuy nhiên, sự việc theo kết luận thanh tra Sở TN-MT là chuyển nhượng trái phép và kiến nghị lập thủ tục thu hồi trụ sở này.

Căng thẳng nội bộ khiến các định hướng kinh doanh bất thành, Tổng Giám đốc Nhật muốn thoái vốn

STT bên bờ vực phá sản: Từ thương hiệu Taxi Saigontourist vang bóng đến xung đột không hồi kết giữa hai nhóm lãnh đạo Nhật - Việt - Ảnh 2.

Ông Kakazu Shogo - Phó Chủ tịch; Tổng Giám đốc STT với tỷ lệ sở hữu là 3,93% vốn.

Hiện, HĐQT STT gồm 5 thành viên, trong đó gồm 3 người quốc tịch Nhật là:

(i) Ông Ryotaro Ohtake - Chủ tịch HĐQT (không nắm cổ phần STT);

(ii) Ông Kakazu Shogo - Phó Chủ tịch; Tổng Giám đốc với tỷ lệ sở hữu là 3,93% vốn;

(iii) Ông Shimabukuro Yoshinori - Thành viên HĐQT (không nắm cổ phần STT).

Cùng với 2 thành viên người Việt là:

(i) Ông Nguyễn Văn Hồng - Thành viên HĐQT và sở hữu 21,8% vốn; ông Hồng hiện là em vợ Cựu Tổng Giám đốc Đinh Quang Hiển - bị nhóm lãnh đạo người Nhật kiện đòi bồi thường về những tổn thất gây ra cho STT thời đương nhiệm.

(ii) Ông Đinh Quang Phước Thanh - Thành viên HĐQT (hiện không nắm cổ phần STT). Đáng chú ý, ông Thanh là con trai của Cựu Tổng Giám đốc Đinh Quang Hiển – bị nhóm lãnh đạo người Nhật kiện đòi bồi thường về những tổn thất gây ra cho STT thời đương nhiệm.

Xung đột Việt – Nhật ngày càng căng thẳng, năm 2018, Công ty triệu tập 35 cuộc họp và lấy ý kiến thành viên HĐQT nhưng hơn phân nửa đều bất thành. Sang năm 2019, STT cho biết cũng tiến hành 21 cuộc họp triệu tập HĐQT và 3 lần lấy ý kiến văn bản nhưng có một số thành viên HĐQT gây cản trở (không tham dự).

"Đồng thời, hậu quả của các đơn khiếu nại, khởi kiện vô cắn cứ của ông Nguyễn Văn Hồng (Thành viên HĐQT) ở nhiều nơi làm cho HĐKD của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các đối tác đang hợp tác với STT", ghi nhận của HĐQT tại BCTN 2019.

Động thái quan tâm gần đây, ông Kakazu Shogo bắt đầu thoái vốn vào tháng 10/2019, sau cuộc họp ĐHĐCĐ nhưng không thể thông qua hàng loạt tờ trình báo cáo kiểm toán, kế hoạch kinh doanh, sửa đổi điều lệ, chào bán cổ phiếu để tăng vốn. Tính đến 27/12/2019, sau nhiều lần cố gắng bán sạch vốn, ông Kakazu Shogo hiện vẫn còn nắm 314.300 cổ phần STT, tương đương 3,93% vốn.

Sau tất cả, STT còn lại gì?

Bộ sậu "cơm không lành canh không ngọt" thì doanh nghiệp sẽ phải sa sút, và STT là trường hợp điển hình. Tiền thân từ doanh nghiệp Nhà nước với thương hiệu Taxi Saigontourist, STT còn sở hữu Công ty Bảo vệ Long Vân với danh mục nhiều khách hàng tên tuổi. Mảng đào tạo lái xe cũng tương đối khả quan với mức lợi nhuận hàng chục triệu mỗi tháng.

Tuy nhiên, sự bất đồng ban lãnh đạo khiến mọi kế hoạch kinh doanh đều không thể thông qua, chưa kể đến những vấn đề chuyển nhượng tài sản còn bỏ ngỏ. Dòng tiền tạo ra không tốt, STT còn vướng hàng chục tỷ khoản nợ tiền thuế đất tại 99C Phổ Quang, P2, Tân Bình, Tp.HCM không thể giải quyết được.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản Công ty chỉ còn gần 40 tỷ đồng, giảm hơn 18% (~7 tỷ) so với đầu kỳ. Năm 2019 Công ty cũng tiến hành bán một số tài sản, ví dụ 2 cầu nâng tại Trung tâm Taxi (giao cho Tổng Giám đốc người Nhật quyêt định thực hiện)… Công ty hiện có công nợ ngắn và dài hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Chi nhánh Cống Quỳnh trị giá 2.347 tỷ đồng nhằm thanh toán tiền thuê đất. Đồng thời, STT cũng nợ 6.057 tỷ (ngắn và dài hạn) tại Công ty Tài chính Toyota Việt Nam nhằm mua ô tô nhãn hiệu Toyota.

STT bên bờ vực phá sản: Từ thương hiệu Taxi Saigontourist vang bóng đến xung đột không hồi kết giữa hai nhóm lãnh đạo Nhật - Việt - Ảnh 3.

Luỹ kế cuối năm 2019 STT lỗ hơn 93 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ, vốn chủ âm. Kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh "khả năng tiếp tục hoạt động của STT phụ thuộc vào khả năng tạo ra nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh và việc tiếp tục hỗ trợ tài chính từ các cổ đông để có thể thanh toán các khoản nợ khi đến hạn".

Năm 2020, STT dự kiến trình kế hoạch với doanh thu 34,5 tỷ đồng (giảm so với năm 2019), dự kiến thua lỗ ở mức hơn 3 tỷ đồng. Công nợ phải trả cũng vượt tài sản ngắn hạn. Để khắc phục tình trạng trên, năm nay STT tiếp tục trình kế hoạch phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược nhằm thu về 16 tỷ đồng (năm 2019 cũng trình Đại hội kế hoạch phát hành), tuy nhiên lần triệu tập ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 1 bất thành.

STT bên bờ vực phá sản: Từ thương hiệu Taxi Saigontourist vang bóng đến xung đột không hồi kết giữa hai nhóm lãnh đạo Nhật - Việt - Ảnh 4.

Mới đây, Toà án nhân dân Tp.HCM đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Phía STT đã có phản hồi về thông tin trên: "STT phải đối mặt với các khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng khi ông Hồng dùng quyền cổ đông nắm giữ từ 20% cổ phần Công ty để yêu cầu Tòa án mở thu tục phá sản STT, buộc STT phải đối mặt với rủi ro phá sản trong khi STT vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo thỏa thuận với các đối tác, nhà cung cấp. Với hành động của ông Nguyễn Văn Hồng, HĐQT, cổ đông và nhân viên Công ty đã tiến hành khởi kiện ông Hồng vì những hành vi ông đã và đang thực hiện không phải là vì Công ty mà chỉ là chống phá Công ty. Tại thời điểm này, bằng việc cố tình gửi đơn yêu cầu phá sản, có thể khẳng định mục đích của ông Hồng đúng như nhận thức mà mọi người đã nghĩ".

Tri Túc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên