Sự độc đoán của Elon Musk đang hủy hoại Tesla: Bị ví như ‘con hổ’, bỏ ngoài tai lời khuyên để biến sản phẩm thành ‘cỗ quan tài biết đi’
Những lời tuyên bố hùng hồn về xe tự lái năm 2019 của Elon Musk đã khiến giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh, nhưng cũng chính sự thất bại của sản phẩm này khiến vị tỷ phú xe điện gặp rắc rối.
- 20-03-2023Elon Musk khẳng định tính năng mới khiến tài khoản trả phí “sạch” hơn gấp 1.000 lần
- 17-03-2023Tính toán bán xe điện giá rẻ từ 2006, Elon Musk rơi vào thế "trên đe dưới búa" sau 17 năm: Vừa không ra nổi dòng xe rẻ nào, lại phải đấu tay bo với BMW và Mercedes
- 16-03-2023Elon Musk: Vụ ngân hàng SVB sụp đổ khá giống cuộc khủng hoảng 1929
Tờ Washington Post cho biết từ rất lâu trước khi thâu tóm Twitter, Elon Musk đã có nỗi ám ảnh về một chiếc xe điện Tesla tự lái. Thế nhưng cho đến tận hiện nay, công nghệ để sản xuất một chiếc xe tự lái vẫn quá đắt đỏ và khi chuỗi cung ứng toàn cầu gặp sự cố, nhà sáng lập Tesla đang cố phải hạ giá thành mọi thứ xuống, kể cả mức độ an toàn cho những chiếc xe tự lái.
Vậy là Elon Musk đi đến một quyết định mà nhiều người cho là “đi vào lòng đất”: Loại bỏ hệ thống cảm biến Radar trên xe tự lái của Tesla. Đây là hệ thống được thiết kế để dò tìm những mối nguy hiểm từ xa và ngăn chiếc xe tự lái lao vào các ô tô khác trên đường giao thông.
Như vậy, sản phẩm nhà Tesla sẽ chỉ được trang bị 8 chiếc camera được thiết kế để quan sát đường đi cũng như dò tìm mối nguy hiểm từ các hướng khác nhau mà không có hệ thống cảm biến Radar.
Nhiều kỹ sư của Tesla khi trả lời phỏng vấn Washington Post xin được giấu tên đã bày tỏ sự lo ngại về tính an toàn của sản phẩm. Những người này đã cố gắng liên lạc với cựu giám đốc Tesla để xin ý kiến cách khuyên nhủ Elon Musk để thuyết phục vị tỷ phú này lắp đặt lại hệ thống cảm biến Radar bởi nếu những chiếc camera bị hỏng do nước mưa hoặc gặp lỗi dưới tia nắng mặt trời thì chắc chắn sẽ gây ra tai nạn.
Thế nhưng với tính cách cứng đầu như mọi khi, Elon Musk đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên. Vào tháng 5/2021, Tesla tuyên bố loại bỏ hoàn toàn hệ thống cảm biến Radar trên xe điện tự lái của mình, đồng thời tiến hành gỡ bỏ hệ thống này trên những chiếc xe đã bán ra.
Theo kết quả thử nghiệm mà nhiều cựu nhân viên Tesla chứng kiến, sản phẩm không có hệ thống cảm biến dễ dàng gặp tai nạn, va quệt cùng vô số những lỗi ngớ ngẩn khác làm giảm uy tín của một sản phẩm nhà Tesla.
Trong những tuần gần đây, Tesla đã phải thu hồi cũng như dừng toàn bộ sản phẩm xe tự lái trước cáo buộc những chiếc ô tô này mắc lỗi tự động vượt giới hạn tốc độ, vượt các biển báo dừng và gây ra những vụ tai nạn có thương vong. Số đơn khiếu nại, phàn nàn về sản phẩm tự lái nhà Tesla ngày một nhiều khiến chính quyền liên bang Mỹ đã phải yêu cầu Tesla tạm dừng sản phẩm này để xem xét liệu Elon Musk có vi phạm khi nói quá về công nghệ tự lái của mình hay không.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra về tính an toàn của hệ thống tự lái nhà Tesla trong nhiều tháng nay trước những nghi ngờ về việc quảng cáo thái quá của Elon Musk.
Trả lời phỏng vấn với Washington Post, nhiều cựu nhân viên Tesla từng phụ trách phát triển phần mềm tự lái của công ty nhận định việc doanh nghiệp tăng trưởng quá nhanh dẫn đến phải cắt giảm chi phí mạnh tay thời gian gần đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều lỗi cho các sản phẩm.
Cũng theo những cựu nhân viên này, phong cách quản lý cứng rắn, độc đoán của Elon Musk đã ép các nhân viên phải làm việc kiệt sức nhằm đưa ra thị trường một công nghệ mới trong khi chúng chưa hề được hoàn thiện hay thậm chí là thực sự an toàn để sử dụng. Nhiều người cho biết cho đến tận hiện nay, phần mềm tự lái của Tesla cũng chưa thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn để có thể lưu thông ngoài đường.
“Phần mềm này vốn chỉ mới được phát triển rất chậm trong nội bộ công ty nhưng công chúng đã muốn dùng nó ngoài đường rồi”, cựu nhân viên John Bernal, vốn chịu trách nhiệm vận hành thử hệ thống xe tự lái tại Tesla nhưng bị sa thải vào tháng 2/2022 sau khi anh đăng tải video về việc công nghệ này vốn chưa được hoàn thiện lên mạng.
“Elon Musk luôn miệng nói: ‘Chúng tôi sắp hoàn thiện chúng rồi’ nhưng sự thật là chúng tôi còn chưa thể thực sự tiếp cận công nghệ mới này. Hậu quả là cả nhóm phải liên tục làm việc đến kiệt sức”, anh Bernal cho biết khi bộ phận tự lái của Tesla đã liên tục sa thải người trong những tháng gần đây, bao gồm cả những giám đốc cấp cao.
Trong khi đó, Elon Musk lại kéo nhiều kỹ sư của Tesla sang làm việc với Twitter, dự án mới đầy bất ổn trị giá 44 tỷ USD của nhà sáng lập này.
“Chúng tôi yêu quý Elon Musk khi ông ấy là một trong những nhà cách mạng công nghệ nổi tiếng. Thế nhưng chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ quay trở lại tập trung vào Tesla nhiều hơn”, nhà đầu tư Ross Gerber của Tesla nói với Washington Post.
Đầu tháng 3/2023, cổ phiếu của Tesla đã giảm tới 6% khi công ty này không thể giới thiệu được một sản phẩm mới nào ra hồn cho các cổ đông.
Tỷ phú Elon Musk đã bào chưa rằng công ty đang hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn, khai phá những tiềm năng mới và xe tự lái của họ dù có gặp tai nạn nhưng cũng ít hơn gấp 5 lần tỷ lệ so với các phương tiện lưu thông truyền thống trên đường.
Giờ đây, ánh hào quang của Elon Musk đã không còn hào nhoáng như xưa và ngày càng nhiều người chẳng còn tin vào phong cách độc đoán của nhà sáng lập này nữa.
“Chẳng ai chịu tin lời tôi về cách làm việc của Elon Musk cả cho đến khi họ chứng kiến những gì diễn ra với Twitter. Thậm chí những thứ xảy ra với mạng xã hội này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về cách Elon điều hành Tesla”, ông Bernal nói.
Vào cuối năm 2020, Tesla đã cài đặt phần mềm tính giờ trên hệ thống máy tính của đội ngũ phát triển xe tự lái. Nếu con chuột không di động, phần mềm này sẽ tính giờ và nhân viên có thể bị khiển trách, thậm chí sa thải vì tội “lười biếng”.
Vào tháng 4/2019, Elon Musk đã khiến cả khán phòng tham gia hội thảo “Autonomy Investor Day” phải bất ngờ khi tuyên bố mục tiêu hơn 1 triệu chiếc xe tự lái của Tesla chạy ngoài đường vào giữa năm 2020, các tài xế có thể đi ngủ và để vô lăng đó cho hệ thống phần mềm.
Với hiệu ứng hào quang của mình từ những thành công trước đó, các nhà đầu tư tin lời Elon Musk. Cổ phiếu của Tesla tăng chóng mặt trong năm 2020, trở thành hãng ô tô có giá trị nhất thế giới và biến Elon Musk thành người giàu nhất hành tinh.
Trên thực tế, công nghệ tự lái đã được ra mắt từ năm 2014 và cho phép chiếc xe tự động điều chỉnh vô lăng, chuyển làn hay tăng giảm tốc độ nhờ hệ thống phần mềm lẫn phần cứng. Elon Musk đã thành lập một đội kỹ sư phát triển ngày đêm cho công nghệ mới này, rồi chính ông và các giám đốc sẽ lái thử để rồi sửa lỗi.
Thế nhưng thay vì kiên nhẫn chờ đợi, Tesla lại vội vàng xuất xưởng công nghệ mới này cho người dùng. Trong khi những đối thủ như Alphabet (Google) dù thử nghiệm xe lái tự động cách đây vài năm cũng phải áp dụng một chế độ hạn chế với công nghệ này thì Tesla đã bán luôn ra thị trường cho khoảng 360.000 khách hàng với giá 15.000 USD để nâng cấp công nghệ tự lái mới.
Đáng ngạc nhiên hơn, Tesla còn để người dùng tự dùng thử mà không có một hạn chế nào, khiến nhiều người đặt câu hỏi nếu gây ra tai nạn thì tài xế, người không cầm vô lăng, hay Tesla, công ty phát triển phần mềm tự lái, mới là bên chịu trách nhiệm?
Rõ ràng, quan điểm của Tesla cũng tương tự như các nhà phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) hiện nay sử dụng, đó là càng dùng thì phần mềm tự lái sẽ càng học hỏi và hoàn thiện hơn, thậm chí đủ khả năng thu thập dữ liệu lái xe của từng cá nhân. Thế nhưng điều này cũng đồng nghĩa mức độ an toàn sẽ giảm xuống.
Một cựu nhân viên Tesla cho biết phần mềm tự lái của công ty được xây dựng theo chiến lược thử và sai để tăng tốc hoàn thiện nên có rất ít hạn chế, qua đó gây nguy hiểm cho người dùng. Trái lại những đối thủ như Alphabet hay Apple lại có giới hạn rõ ràng cho phần mềm của họ nhắm hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất, cho dù cách này giới hạn tốc độ phát triển của chúng. Cả Alphabet và Apple cũng đều dùng những cảm biến Lidar hay Radar để tăng tính an toàn cho hệ thống tự lái.
Cách đây 2 năm một Youtuber đã ghi hình lại được hệ thống tự lái gặp khó khăn thế nào khi đi trên những con phố phức tạp của Lombard Street-San Francisco. Anh Bernal cho biết đội kỹ sư của Tesla đã cố gắng cải thiện phần mềm nhưng chuyện thử nghiệm xe tự lái trên sân tập và đưa chúng ra ngoài đường là 2 cấp độ rất khác nhau.
Bên cạnh hệ thống cảm biến, Tesla đã từng tích hợp công nghệ sóng siêu âm để ghi nhận những rủi ro thực tế có thể diễn ra nếu camera bị đánh lừa bởi ánh sáng hay thời tiết, thế nhưng công nghệ này cũng bị Elon Musk loại bỏ để tiết kiệm chi phí.
Theo chuyên gia phát triển xe tự lái Brad Templeton của Google, những hệ thống cảm biến như Lidar giúp chiếc xe ghi nhận thấy một đoàn tàu hay một xe tải trên đường dù chưa rõ nó là cái gì.
“Hệ thống này giúp phần mềm tự lái hiểu là có vật trở ngại và dừng xe dù chưa rõ nó là cái gì”, ông Templeton nói.
Trái ngược lại, những chiếc camera của Tesla cần phải tốn thêm thời gian để hiểu sự vật gây trở ngại đó là gì trước khi kịp có quyết định. Tất cả những điều này lại phải phụ thuộc vào hồ sơ dữ liệu hình ảnh phân tích mà nhân viên Tesla tích hợp trong hệ thống, bao gồm cả biển báo nhằm giúp phần mềm hiểu được tình hình để đưa ra chỉ lệnh.
“Việc đưa công nghệ tự lái mới này ra thị trường không thực sự an toàn. Bạn sẽ chẳng đoán được chiếc xe sẽ làm gì tiếp theo cả”, một cựu kỹ sư Tesla giấu tên nói với Washington Post.
Đúng như những gì dự đoán, vô số lời phàn nàn của người dùng về lỗi tự động dừng, nhầm lẫn biển báo hay thậm chí suýt gây ra tai nạn đã diễn ra và buộc các cơ quan chức năng vào điều tra. Tuy nhiên do công nghệ mới này chưa có quy định hay văn bản luật chế tài nào nên rất khó để quy trách nhiệm cho Tesla.
Một lỗi điển hình mà chế độ tự lái của Tesla hay mắc phải là phanh đột ngột ở tốc độ cao (Phantom Breaking). Số liệu của Cục an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia (NHTSA) cho thấy số lỗi phanh đột ngột trên đường cao tốc của xe tự lái đã tăng từ 34 vụ cách đây 22 tháng lên 107 vụ suốt 3 tháng qua. Sau khi tờ Washington Post đăng bài, NHTSA đã điều tra và nhận thêm được 604 lời than phiền về lỗi này trong suốt 9 tháng qua.
Tình hình nghiêm trọng đến mức cơ quan chức năng đã phải vào cuộc điều tra khiến Tesla thu hồi công nghệ này. Tồi tệ nhất là việc một chiếc xe tự lái của họ đâm vào xe cứu hỏa và các cơ quan chức năng đang phân tích xem lỗi thuộc về bên nào.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định đây chính là lúc hệ thống cảm ứng Radar phát huy tác dụng khi kiểm tra lại lần 2 các chướng ngại, đề phòng camera bị lỗi do ánh đèn lóa từ đèn báo hiệu xe chữa cháy.
Tất nhiên, Elon Musk nổi điên với vấn đề này, gây áp lực để các kỹ sư sửa chúng nhưng chẳng ai ra được ý kiến nào khả thi.
“Chẳng có ai nghĩ ra được cái gì hay ho khi bị một ‘con hổ’ đuổi sau lưng cả”, một cựu kỹ sư của Tesla mỉa mai.
Tờ Washington Post cho hay trước áp lực lớn, rất nhiều kỹ sư bị stress và đã xin nghỉ để chuyển làm việc khác. Ví dụ như giám đốc mảng trí thông minh nhân tạo của Tesla, ông Andrej Karpathy đã nghỉ việc năm 2022 để chuyển qua làm cho OpenAI, startup khai sinh ra chatbot ChatGPT.
Hãng tin Bloomberg cho biết Bộ tư pháp Mỹ đã yêu cầu Tesla cung cấp thêm tài liệu về công nghệ tự lái của mình, còn Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) thì đang xem xét vai trò của Elon Musk trong mảng công nghệ này của Tesla, báo hiệu một cuộc điều tra quy mô lớn hơn nữa.
“Những người mua xe tự lái của Tesla đã hy vọng rằng nó đáng giá khi biến một chiếc ô tô tư nhân thành taxi tự động. Thế nhưng giờ đây vụ bê bối này cứ như cú tát vào mặt mọi người vậy...Tôi không cho rằng những chiếc xe của Tesla có thể thay thế hoàn toàn được các tài xế đâu”, phi công thương mại, đồng thời cũng là một kỹ sư công nghệ, ông Charles Cook tại Jacksonville, người sở hữu một chiếc Tesla Model Y có chế độ tự lái ngán ngẩm.
*Nguồn: Washington Post
Nhịp sống thị trường