MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sử dụng điện tăng vọt

18-05-2019 - 10:42 AM | Thị trường

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng dù chưa phải là cao điểm của mùa nắng nhưng trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng công suất toàn hệ thống huy động đã ở mức cao nhất, nguy cơ thiếu điện khó tránh khỏi.

Ngày 17-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi cung cấp thông tin báo chí về tình hình cung ứng điện mùa khô và chuẩn bị đóng điện các dự án điện mặt trời.

Nguồn nào cũng thiếu

Tại buổi cung cấp thông tin này, ông Nguyễn Xuân Khu, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVN NLDC, thuộc EVN), cho biết mặc dù chưa phải cao điểm nắng nóng nhưng trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng công suất toàn hệ thống huy động đã ở mức cao nhất, lên tới 35.700 MW, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018. Phụ tải trong 4 tháng đạt 74,35 tỉ KWh, cao hơn 628 triệu KWh so với kế hoạch năm (73,73 tỉ KWh), tăng 11% so với năm 2018. Ông Khu dẫn chứng sản lượng điện tiêu thụ cao điểm nhất là vào ngày 24-4, với 751,2 triệu KWh.

Cũng theo ông Khu, nhu cầu sử dụng điện tăng cao vào thời điểm nắng nóng, trong lúc ngành điện đang gặp khó trong việc huy động nguồn. Theo đó, thủy điện vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong toàn bộ hệ thống điện nhưng lượng nước về các hồ thủy điện đang rất thấp, đặc biệt tại các hồ miền Trung và miền Nam. "Dù đã có kế hoạch điều tiết sử dụng tiết kiệm điện từ đầu năm 2019 nhưng do lượng nước về các hồ thấp, đến thời điểm hiện tại, sản lượng thủy điện tích trong hồ của 2 miền Trung và Nam chỉ khoảng 2 tỉ KWh, tương đương tổng phụ tải toàn quốc trong 3 ngày làm việc" - ông Khu bày tỏ lo ngại.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, đưa ra dự báo thời gian tới, phụ tải tiếp tục tăng cao hơn 10%, chủ yếu tập trung ở miền Bắc do thời tiết nắng nóng. Hiện thủy điện chưa thấy dấu hiệu có nước về. Thêm vào đó, khó khăn về nhiên liệu cũng rất lớn khi nguồn khí đang suy giảm.

Về nguồn phát điện, ông Hải nhấn mạnh mỗi năm cần thêm khoảng từ 3.500-4.000 MW đưa vào hệ thống. "Giai đoạn 2019-2020 cần khoảng 10.000 MW công suất điện đưa vào hệ thống nhưng 2 năm tới, chỉ dự kiến đưa vào từ 2.000-2.500 MW và thêm được 4.000 MW từ năng lượng tái tạo. Điều này gây khó cho việc bảo đảm nguồn cung cấp điện của tập đoàn" - ông Hải phân trần.

Nêu ra những khó khăn trên nhưng các đại diện của EVN vẫn khẳng định cố gắng triển khai các giải pháp để bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Sử dụng điện tăng vọt - Ảnh 1.

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao tạo áp lức lớn cho việc cung cấp điệnẢnh: HOÀNG TRIỀU

Băn khoăn hiệu quả điện mặt trời

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng cao, việc hòa vào lưới các nhà máy điện mặt trời được kỳ vọng sẽ giải quyết một phần nguồn cung cho ngành điện. Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, đến ngày 17-5, đã có 27 nhà máy điện mặt trời hòa vào lưới. Từ nay đến cuối tháng 6, sẽ hòa vào lưới thêm khoảng 50 nhà máy nữa.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, số lượng lớn nhà máy điện mặt trời đang chạy đua để hòa vào lưới sẽ vấp phải không ít khó khăn, thách thức trong quá trình vận hành. Ngoài ra, vấn đề đầy tải, quá tải cũng sẽ xảy ra từ 3-5 năm từ khi hòa lưới các nhà máy điện mặt trời. "Các phần tử đường dây, máy biến áp sẽ liên tục bị vi phạm giới hạn vận hành, gây bất ổn hệ thống, nguy hiểm cho thiết bị" - ông Nguyễn Đức Ninh chỉ rõ.

Bên cạnh đó, hạn chế của điện mặt trời là công suất nguồn thay đổi theo điều kiện thời tiết. Thống kê các dự án đã vận hành của EVN cho thấy công suất phát thay đổi từ 60%-80% trong khoảng thời gian chỉ 5-10 phút. Các biến động xảy ra ngẫu nhiên theo điều kiện thời tiết. Dẫn chứng về việc này, đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nói ngày 7-5 vừa qua, tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, khi đang vận hành 650 MW các nhà máy điện mặt trời thì đột ngột giảm xuống còn 200 MW do xuất hiện một đám giông. Từ dẫn chứng này, ông Khu nói tính bất định của điện mặt trời ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác nguồn năng lượng tái tạo này.

Về vấn đề truyền tải điện mặt trời, Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải thông tin: Một dự án năng lượng mặt trời để đưa vào hoạt động mất từ 1 đến 1 năm rưỡi nhưng lưới điện từ khâu xây dựng, giải tỏa mất từ 3-4 năm. Về vấn đề này, EVN đã chủ động tính toán hệ thống, đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch, để thực hiện giải tỏa nguồn cho điện mặt trời. "Mặc dù đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời còn khó khăn nhưng EVN vẫn đang nỗ lực để triển khai" - ông Ngô Sơn Hải khẳng định.

Tại buổi cung cấp thông tin, đại diện EVN không thông tin về tình hình tăng giá điện gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua. Trao đổi bên lề trước khi diễn ra cuộc họp, phía EVN nói sẽ thông tin nội dung này sau.



Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên