MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự kiện đáng chú ý: Cổ phiếu lớn nhất sàn chứng khoán 'thoát hiểm'

Sự kiện đáng chú ý: Cổ phiếu lớn nhất sàn chứng khoán 'thoát hiểm'

Trong tuần này, cổ phiếu VNZ ra khỏi diện hạn chế giao dịch, có 32 doanh nghiệp thông báo chốt quyền chia cổ tức, KSB chào bán thêm 38,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.

Cổ tức bằng tiền

Từ ngày 5/6-9/6, có 32 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức . Trong đó, 26 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 4 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu và 2 doanh nghiệp phát hành thêm. Phần lớn các doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức tiền mặt dưới 20%, chỉ có 2 doanh nghiệp chia cổ tức với tỷ lệ từ 20% trở lên.

Cụ thể, Công ty CP Cơ khí Luyện kim (mã chứng khoán: SDK) cho biết, 9/6 tới sẽ là ngày chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.000 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 8/6, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là vào ngày 21/7/2023. Với 2,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến SDK sẽ chi khoảng 8 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông.

Sự kiện đáng chú ý: Cổ phiếu lớn nhất sàn chứng khoán 'thoát hiểm' - Ảnh 1.

Công ty FPT Retail chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 5%.

Công ty CP Xây dựng 47 (mã chứng khoán: C47) thông báo, 6/6 là ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu nhận 1 cổ phiếu mới. Công ty cũng sẽ chốt danh sách thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10:1, có nghĩa cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Như vậy, tỷ lệ chia thưởng cổ phiếu và trả cổ tức là 20%.

Ngày 7/6, Công ty FPT Retail (mã chứng khoán: FRT) sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 5%, thời gian thực hiện là vào ngày 27/6. FPT Retail cũng chốt danh sách trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20:3, tương ứng cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu nhận thêm 3 cổ phiếu mới. Như vậy, tổng tỷ lệ phát hành cổ tức năm 2022 là 20%.

Một doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn FPT là Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom - mã chứng khoán: FOX) cũng sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt vào ngày 9/6. Với tỷ lệ thực hiện là 20%, FPT Telecom sẽ phải chi khoảng 657 tỷ đồng cho hơn 328 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Ngày thanh toán dự kiến là 30/6.

Ngày 12/6 tới, Tổng Công ty CP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bổ sung cho năm 2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền. Thời gian thanh toán dự kiến là vào ngày 7/7/2023. Với hơn 641 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sabeco dự kiến sẽ chi khoảng 962 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức lần này. Trước đó, Sabeco đã chi đến gần 2.250 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2022 cho cổ đông theo 2 đợt với tổng tỷ lệ 35%.

VNZ thoát hiểm

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG ra khỏi diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 5/6. Lý do VNG đã nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Trước đó, HNX quyết định đưa cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin.

Sau kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022, lợi nhuận sau thuế của VNG ghi nhận giảm thêm 16,61% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm hơn 218 tỷ đồng. Cả năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1.533 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Lizen (mã chứng khoán: LCG) đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu LCG trong thời gian từ ngày 8/6 - 7/7 để giảm tỷ lệ nắm giữ. Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu ông Nghĩa nắm giữ sẽ giảm xuống gần 9,8 triệu cổ phiếu, tương đương 5,1% vốn điều lệ.

62 doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc trái phiếu

Hội đồng quản trị Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán: KSB) vừa thông qua phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với tỷ lệ 2:1, công ty sẽ chào bán hơn 38,1 triệu cổ phiếu. Giá chào bán là 16.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số vốn huy động từ đợt chào bán dự kiến là hơn 610 tỷ đồng.

Số tiền thu được, KSB dự kiến dùng 450 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư KSB, thời gian giải ngân là trong quý IV năm nay và quý I/2024. Phần còn lại sẽ dùng bổ sung vốn lưu động. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của KSB sẽ tăng lên gần 1.150 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Công ty CP Chứng khoán VnDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 26.137 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ.

Ước tính của VnDirect, tháng 6 này sẽ có khoảng hơn 35.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5. Nếu so với cả năm, thì tháng 6 là tháng đỉnh điểm giá trị đáo hạn cao nhất so với các tháng còn lại trong năm nay.

Tính đến ngày 23/5, có 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, theo thông báo của HNX. VnDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 157.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.

Theo Duy Quang

Tiền Phong

Trở lên trên