Sự lên ngôi của thế hệ digital nomad - "dân du mục kỹ thuật số" - tại Trung Quốc: Chu du suốt năm vẫn kiếm được tiền, họ là ai?
Dịch Covid-19 khiến phần lớn lao động phải làm việc tại nhà, còn một bộ phận giới trẻ lại đam mê kiếm tiền trong lúc đi chu du khắp nơi.
- 01-06-2021Hủy hoại một đứa trẻ dễ dàng thế nào? Những câu chuyện thực tế sau đây có thể khiến vô số bố mẹ giật mình vì nhận ra mình đã từng một lần như thế
- 01-06-2021Tỷ phú khởi nghiệp từ 22 con lợn: Bỏ cơ hội tốt ở thành phố để về quê nuôi lợn mặc lời giễu cợt chê bai, rồi trở thành “tài phiệt nông dân” khiến ai cũng ngưỡng mộ
- 01-06-2021Cô gái Trung Quốc từ nhân viên bán hàng bình thường một bước thành Công nương nước Bỉ với chuyện tình lãng mạn hơn cả cổ tích
Hu Shuguang (26 tuổi) là một kỹ sư phần mềm đang chờ được thuyên chuyển sang văn phòng của Google ở Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải hủy bỏ vì dịch Covid-19.
Thay vì nhận lời mời làm việc tạm thời ở Bắc Kinh hay Thượng Hải (Trung Quốc), Shuguang lại vui vẻ xách ba-lô lên và đi.
Suốt vài tháng qua, chàng trai này làm việc cho công ty từ những địa điểm hết sức lạ lùng: tại một quán bar bên bãi biển, trong một tiệm cafe ở thành phố cổ Trấn Viễn, tại một hostel trên đỉnh núi phía Tây Nam Vân Nam.
"Tôi vẫn luôn mơ ước được đi du lịch trong lúc làm việc. Đại dịch Covid-19 đã cho tôi cơ hội làm điều này", Shuguang nói. "Chỉ cần có mạng, tôi có thể làm việc với đồng nghiệp ở 3 lục địa cùng lúc".
Shuguang là một "digital nomad", hay còn gọi là dân du mục kỹ thuật số. Những người như anh không nhiều, nhưng đang ngày càng tăng lên tại Trung Quốc. Họ kiếm sống qua mạng trong lúc đi thăm thú mọi nơi.
Trước khi đại dịch bùng phát, lối sống "du mục kỹ thuật số" này gần như chẳng mấy khi được nhắc tới. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi mọi người bắt đầu phải làm việc online do giãn cách xã hội.
Hàng nghìn người trẻ không thể ra nước ngoài, nhưng vẫn có cơ hội đặt vé máy bay và khách sạn giá rẻ. Với những người tò mò về lối sống "du mục kỹ thuật số", đây chính là cơ hội vàng.
"2021 là thời điểm tuyệt vời để quảng bá văn hóa ‘du mục kỹ thuật số’", Daniel Ng - một kỹ sư phần mềm đang theo đuổi lối sống này - cho biết. "Rất nhiều bạn trẻ đang học tập và làm việc tại nước ngoài đã phải quay về Trung Quốc vì đại dịch. Giờ đây, họ đang lên những kế hoạch mới cho một năm bị gián đoạn".
Tháng 9/2019, Daniel bỏ việc ở Malaysia để về nước tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ. Thay vì tìm một công việc toàn thời gian khác, chàng thanh niên 29 tuổi này kiếm tiền bằng cách làm lập trình viên độc lập. Anh chọn một không gian làm việc chung dành riêng cho digital nomad ở Đại Lý - thành phố được mệnh danh là thủ phủ hippie ở Trung Quốc.
Nơi này đã thu hút hơn 200 thành viên chỉ trong 3 tháng đầu tiên. Hầu hết họ đều là vlogger, lập trình viên, doanh nhân xã hội còn rất trẻ. Daniel dự định sẽ mở một không gian tương tự tại thành phố biển Tam Á.
"Hồi ở Malaysia, tôi yêu thích những không gian làm việc chung vì được trò chuyện với các digital nomad khác. Thế nhưng, khi quay trở về Trung Quốc, tôi không tìm được nơi nào như vậy nữa", Daniel chia sẻ. "Tôi nghĩ, tại sao mình không tự mở một cái?".
Khi đã chán Đại Lý, Daniel mời khoảng 5-6 người bạn du lịch tới một địa điểm khác để làm việc trong vòng vài tuần. Anh vừa hoàn thành chuyến đi thứ tư tới vùng tây nam của tỉnh Quý Châu và sắp sửa di chuyển sang Cam Túc vào tháng 6.
Số lượng digital nomad tại Trung Quốc không nhiều, nhưng có tiềm năng phát triển trong tương lai. Nhiều người trẻ muốn thoát khỏi hiện thực cạnh tranh khốc liệt bằng cách nghỉ hưu sớm, bỏ phố về quê hoặc xây dựng các cộng đồng biệt lập.
Tuy nhiên, lối sống "du mục kỹ thuật số" này không dễ để áp dụng tại đất nước tỷ dân. Nhiều người trẻ cho biết, họ gặp đủ loại vấn đề, từ hết tiền cho đến mất bảo hiểm xã hội vì nghỉ việc.
Làm thế nào để có tiền sống theo kiểu "du mục kỹ thuật số" chính là thách thức lớn nhất. Theo nhiều digital nomad kỳ cựu, vì không thể làm việc cố định, người theo đuổi lối sống này cần có bước đệm tài chính vững chắc, hoặc khả năng tự lực cánh sinh và kỷ luật cao.
"Để duy trì lối sống lâu dài, bạn phải phát triển nguồn thu nhập thụ động, bao gồm tiền kiếm được từ một nguồn nào đó không qua hợp đồng hay do chủ lao động trả", Fu Ye - một người ủng hộ lối sống "du mục kỹ thuật số" - cho biết. "Chẳng hạn, bạn có thể kiếm tiền từ việc bán các khóa học video trên Coursera".
Fu Ye trở thành một digital nomad từ trước khi đại dịch bùng phát. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô gái 28 tuổi này đã đi phượt ở Argentina, kiếm tiền bằng cách sáng tạo nội dung cho một dự án giáo dục quốc tế trực tuyến.
Dần dần, Fu Ye tạo ra một nguồn thu nhập ổn định bằng cách bán các khóa học về tiếng Anh và kỹ năng làm việc từ xa. Khi dịch bệnh bùng phát ở Argentina, cô trở về quê nhà, gặp Daniel Ng ở Đại Lý và cùng anh xây dựng dự án digital nomad.
Nhiều digital nomad khác cho biết, họ tạo dựng thu nhập thụ động từ tiền cho thuê nhà, chứng khoán và trái phiếu, hoặc quảng cáo và tài trợ trên kênh YouTube cá nhân.
Lola Chen là một vlogger chuyên về tiếng Pháp với hơn 50.000 người theo dõi trên nền tảng Bilibili. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cô là quản lý chịu trách nhiệm giám sát các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Phi trong vòng 5 năm.
Sau khi trở về Trung Quốc vào năm ngoái, Lola bắt đầu đăng tải các video hướng dẫn học tiếng Pháp online. Thu nhập hiện tại của cô chủ yếu đến từ khóa học tiếng Pháp trực tuyến có giá 98 NDT (354.000 VNĐ).
"Đại dịch đã khiến tôi suy nghĩ lại về chuyện nên làm gì và đi đâu với phần đời còn lại", Lola tâm sự. Hiện tại, cô đang làm việc cùng với Daniel.
Tuy nhiên, không phải digital nomad nào cũng muốn gắn bó với lối sống này mãi mãi. Dora Sun - một cô gái 29 tuổi làm việc cùng Daniel - chia sẻ rằng chuyến đi này chỉ là kỳ nghỉ tạm thời giải thoát cô khỏi cuộc sống ngột ngạt ở Thâm Quyến.
"Tôi yêu khoảng thời gian tuyệt vời mà chúng ta có bên nhau, nhưng cái gì đẹp đẽ thường không kéo dài lâu", Dora nói với những người bạn mới quen tại bữa tiệc chia tay tháng trước.
Đối với một doanh nhân xã hội như Dora Sun, sự ổn định trong cuộc sống vẫn hấp dẫn hơn là sự tự do của những chuyến vi vu. Cô dự định sẽ sinh con trong năm nay và muốn đảm bảo cho con một suất học tại những ngôi trường hàng đầu ở Thâm Quyến. Để làm được điều này, trước tiên cô cần mua nhà trong thành phố để làm hộ khẩu.
"Người Trung Quốc chúng tôi không sinh ra để theo đuổi lối sống du mục", cô thở dài. "Chúng tôi có lịch sử lâu đời là một xã hội nông nghiệp".
Echo Tang - một sinh viên đang gap year - cũng buộc phải rút ngắn trải nghiệm làm digital nomad của mình. Dù kiếm được khá nhiều tiền từ làm việc online cho gã khổng lồ công nghệ Tencent, cô sợ mình sẽ mất bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế khi hợp đồng với công ty kết thúc.
Tương tự, Shuguang dự định sẽ quay lại cuộc sống phố thị nhộn nhịp khi Nhật Bản nới lỏng các hạn chế đi lại. "Dù sao đó cũng là một kỷ niệm đẹp", anh nhận xét.
Tuy nhiên, Daniel và Lola lại khẳng định họ sẽ theo đuổi lối sống này đến cùng. Kênh Bilibili của Lola đang ngày càng thu hút khán giả Trung Quốc, vì thế cô hy vọng sẽ kéo dài cuộc sống du mục kỹ thuật số thêm vài năm nữa.
"Tôi thế nào cũng được", Lola nói. "Tôi sẽ ở bất cứ đâu tôi muốn".
Khi dịch Covid-19 kết thúc, Daniel thậm chí còn muốn sống du mục trên phạm vi toàn thế giới. Một số lãnh thổ đã đưa ra kế hoạch thu hút các digital nomad bằng cách cung cấp visa ưu tiên, chẳng hạn Barbados, Dubai và Estonia.
"Thật khó hình dung cảnh quay lại văn phòng với một lịch trình cố định trong các thành phố lớn và nhộn nhịp", anh cho biết.