Sự thật đằng sau giấc mơ tái chế của TerraCycle: Hứa hẹn ‘tái sinh mọi thứ’ nhưng thực chất gửi rác đến lò đốt, chính CEO cũng không biết chúng sẽ đi về đâu?
Điều gì sẽ xảy ra với tất cả những món đồ khó phân loại? Câu hỏi này hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời thích đáng từ TerraCycle.
- 31-10-2022Gen Z thành 'chúa chổm' vì thích 'mua trước, trả sau': Lầm tưởng về vay không lãi suất, ngẩn ngơ vì nợ vài nghìn đô
- 31-10-2022Món ăn xa xỉ của giới siêu giàu bỗng hóa "bình dân", ai cũng mua được
- 31-10-2022Mass Customization - Tùy biến đại chúng: Nhân tố ‘ẩn mình’ giúp các hãng lớn như SHEIN, Lazada... ship hàng vừa nhanh vừa rẻ
- 31-10-2022Ứng phó khó khăn năng lượng, người Ba Lan đổ xô mua loại nhiên liệu bất ngờ
Một buổi tối tháng 4, Tom Szaky, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành TerraCycle, xuất hiện trên sóng truyền hình trong một bộ hoodie khóa kéo đơn giản. Mái tóc dài xõa ngang vai như một tạo hình quen thuộc.
Tom Szaky có lẽ đã quá “nhẵn mặt” với truyền thông Mỹ, từ các hội nghị về môi trường, youtube đến phim ngắn, bởi TerraCycle xuất hiện nhan nhản trên khắp các mặt báo, trung bình 50 trang mỗi ngày ở thời kỳ đỉnh cao. Năm 2021, nó được vinh danh là một trong những công ty có tầm ảnh hưởng nhất Time100 kiêm startup sáng tạo của Fast Company. Szaky cũng một lần được vinh danh là doanh nhân của năm trên tạp chí Bioplastics.
Được biết TerraCycle là một trong những công ty hàng đầu về xử lý chất thải khó tái chế. Mô hình rất đơn giản: tái chế mọi thứ, song vấn đề duy nhất là thu thập và phân chia. Công ty đã giải quyết nút thắt này bằng cách nhờ người tiêu dùng phân loại và bỏ rác thải tại đúng các điểm thu gom cố định, từ các trường học đến các hộ gia đình.
Danh tiếng ngày càng đi lên và Tom Szaky được mệnh danh là “Ông vua rác thải” với lời hứa hẹn sẽ tái chế mọi thứ trên đời, kể cả tàn thuốc và tã bẩn trẻ em. Szaky cũng tự nhận mình là người đàn ông có thể giúp tất cả thoát khỏi túi nhựa.
Tom Szaky, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành TerraCycle.
Chỉ với một khoản phí, TerraCycle sẽ sắp xếp và thu gom các vật dụng thông thường, chẳng hạn như túi đựng nước trái cây nhiều lớp hoặc thiết bị lọc nước không cần đến.
Đổi lại, các công ty bán sản phẩm nhựa sẽ dán nhãn các mặt hàng của mình, rằng chúng sẽ được tái chế bởi TerraCycle.
Sự trung thành của khách hàng khiến thị phần TerraCycle cứ vậy tăng vọt. Năm ngoái, công ty này đạt doanh thu 71 triệu USD, phần lớn nhờ bắt tay hợp tác với các tập đoàn lớn nhất nước Mỹ, bao gồm Clorox, Nestlé và Walmart.
Tuy nhiên, biến cố sớm ập đến. Szaky hoảng loạn nhận ra các nhà sản xuất phim tài liệu châu Âu đã bí mật gắn chip và theo dõi hơn 20 kiện hàng tái chế mà TerraCycle gửi đến một lò đốt ở Bulgaria. Nhà sáng lập TerraCycle sau đó vội đổ lỗi cho nhân viên của cơ sở thu gom bên thứ ba, nói rằng họ chuyển hàng lên nhầm xe tải.
“Nếu là một công ty lớn, bạn có thể huỷ hợp đồng ngay lập tức phải không? Tôi không biết liệu chúng tôi có vượt qua sóng gió này không? Công ty có thể phá sản sau 20 năm nỗ lực”, Szaky nói.
Năm 2021, TerraCycle được vinh danh là một trong những công ty có tầm ảnh hưởng nhất Time100 kiêm startup sáng tạo của Fast Company.
Vào tháng 1, tò mò về tuyên bố “hùng hồn” có thể tái chế mọi thứ của TerraCycle, phóng viên tờ Bloomberg đã bí mật đặt các thiết bị theo dõi vào 3 túi rác. Con chip nhỏ bé đã giúp họ phát hiện ra mọi chuyện không như những gì TerraCycle quảng cáo.
Trước đó, Szaky tiếp cận một phóng viên Bloomberg - người đang phụ trách theo dõi các cơ sở tái chế nhựa của Mỹ và thắc mắc về ý nghĩa thực sự của hành động bảo vệ môi trường.
“Bạn không thể tái chế một chiếc bút. Không phải vì nó không thể tái chế, mà vì chi phí thu thập và xử lý nó cao hơn mức bình thường”, Szaky giải thích, sau đó vẽ minh hoạ biểu đồ cung cầu: cung là vô hạn, trong khi cầu chỉ là con số 0 tròn trĩnh. “Không có quyển sách nói về điều này. Bạn phải trả tiền cho ai đó để họ chuyển rác của bạn đi”.
Szaky thành lập TerraCycle khi còn là sinh viên đại học Princeton vào năm 2002. Lúc đầu, startup bán phân giun như một chất thay thế hữu cơ cho phân bón, đồng thời tái chế các chai nước ngọt đã qua sử dụng. Szaky sau đó bỏ học và đặt trụ sở chính cho công ty mới ở Trenton và coi đây như một giải pháp cho nền kinh tế địa phương.
Theo thời gian, Szaky tập trung hoàn toàn vào những chiếc chai nhựa. Người đàn ông này tự tin rằng mình có thể vượt qua các trở ngại về nhu cầu để thuyết phục các tập đoàn lớn trả tiền cho việc tái chế một chiếc bút bi.
Vật trang trí trong văn phòng của TerraCycle.
Marian Chertow, giáo sư môi trường tại đại học Yale kiêm thành viên hội đồng TerraCycle từ năm 2018, là một trong số những chuyên gia rất ủng hộ Szaky. Bà nói rằng TerraCycle đang làm mọi thứ có thể để khuyến khích các nhà sản xuất nhựa xem xét chi phí thực tế và chịu trách nhiệm với việc tái chế các sản phẩm của mình.
Trong phần lớn thời gian tồn tại, doanh thu TerraCycle chưa đến 20 triệu USD. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, khi mối lo ngại đối với nhựa ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều công ty lớn như L'Oréal SA và Colgate-Palmolive Co. đã đưa ra những cam kết bền vững quan trọng để sử dụng nhựa tái chế. TerraCycle bỗng nhiên trở thành sự lựa chọn của nhiều tập đoàn - những người đang tham vọng “xanh hóa” chính mình.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng mô hình của TerraCycle có một nhược điểm lớn. Theo Jan Dell, một kỹ sư hóa học độc lập, “Chương trình của TerraCycle chỉ khuyến khích các công ty chi ra một khoản tiền nhỏ để tẩy rửa sản phẩm thay vì đầu tư lớn để thiết kế lại hệ thống tái chế của chính mình”. Thông thường, các công ty này vẫn dán nhãn “tái chế” bên ngoài bao bì các chai nhựa như một cách để xoa dịu dư luận.
Vào cuối tháng 4, Bộ trưởng Tư pháp California Rob Bonta công bố một cuộc điều tra lớn về trách nhiệm của nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp hóa dầu trong việc gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Ông Rob Bonta cho rằng họ chỉ đang cố gắng “đánh lừa công chúng rằng mình sẽ tái chế để giải quyết khủng hoảng nhựa”.
Văn phòng của TerraCycle.
Szaky khi đó nhận thức rất rõ những chỉ trích xoay quanh việc tái chế nhựa. Ông thuyết phục dư luận rằng cách duy nhất để có ít rác thải nhựa hơn là sản xuất chúng ít đi ngay từ đầu. Để chứng minh cho quan điểm này, trong những năm gần đây, TerraCycle đã đầu tư hàng triệu USD để giới thiệu Loop - một dịch vụ chuyên bán các mặt hàng quen thuộc như bột giặt Tide, dầu gội Pantene, dao cạo râu Gillette, kem Häagen-Dazs… trong các bao bì có thể tái sử dụng. Szaky cam kết sẽ không bao giờ đốt hoặc chôn lấp nhựa thu thập được. Thay vào đó, công ty sẽ chỉ bán chúng cho một số nhà sản xuất có nhu cầu “tái sinh” sản phẩm cũ.
Theo Bloomberg, TerraCycle không tự thực hiện bất kỳ hoạt động tái chế nhựa nào. Hoạt động xử lý hoàn toàn là trách nhiệm của bên thứ ba. Cho đến năm 2021, TerraCycle cũng chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hoạt động kiểm toán. Khách hàng của công ty sẽ được khuyến khích tự kiểm toán độc lập.
Khi phóng viên tờ Bloomberg liên hệ với các khách hàng của TerraCycle về việc liệu họ có bao giờ thực hiện kiểm toán độc lập hay chưa, phần lớn câu trả lời chỉ là sự im lặng. Cả đại diện phát ngôn của Walmart, Tricia Moriarty hay giám đốc truyền thông Nestlé đều từ chối trả lời các câu hỏi xoay quanh vấn đề này. Chỉ duy nhất Amy Butler, người đứng đầu bộ phận bền vững của nhà sản xuất kính áp tròng Bausch & Lomb là thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình.
“Chúng tôi không kiểm tra quá trình này. Chúng tôi hy vọng TerraCycle sẽ thay mặt mình quản lý toàn bộ quy trình”, Amy Butler nói.
Tom Szaky được mệnh danh là “Ông vua rác thải” với lời hứa hẹn sẽ tái chế mọi thứ trên đời, kể cả tàn thuốc và tã bẩn trẻ em.
Đến tháng 4, TerraCycle giới thiệu phóng viên tờ Bloomberg với Sunil Bagaria, chủ tịch GDB International - một công ty chuyên tái chế, xuất khẩu nhựa và chủ yếu phân loại cho TerraCycle.
“Họ có một quy trình đóng gói linh hoạt - nơi chúng tôi có thể thu gom các loại rác tái chế, sau đó biến chúng thành dạng viên nhỏ gọn hơn”, Sunil Bagaria nói.
Tại khu vực phân loại, 6 người phụ nữ nói tiếng Tây Ban Nha chăm chỉ nhặt những chiếc hộp TerraCycle. Rác thải ở đây đến từ các hộ dân và trường học.
Tuy nhiên, quá trình phân loại rác chưa bao giờ là dễ dàng. Có rất nhiều món đồ thậm chí không thể phân chia, chẳng hạn như một tấm bìa có khung bằng nhựa, một dụng cụ làm bếp bằng cao su hay chai kem dưỡng da Lubriderm. Vậy điều gì sẽ xảy ra với tất cả những món đồ khó phân loại này? Đến chính Sunil Bagaria còn không rõ câu trả lời.
Thực tế GDB International chứa hàng nghìn kiện hàng từ TerraCycle, chất thành đống cao 25 feet và kéo dài đến tận cuối nhà kho. Một số kiện đã ở đây lâu đến nỗi Bagaria đang tính đến chuyện bắt đầu thu thêm phí cất giữ.
GDB International chứa hàng nghìn kiện hàng từ TerraCycle, chất thành đống cao 25 feet và kéo dài đến tận cuối nhà kho.
Theo Bloomberg, GDB đã xuất khẩu ít nhất 10.000 kiện nhựa phế liệu, tương đương khoảng 30 triệu bảng Anh, ra nước ngoài. Hầu hết đều không biết chúng có thực sự được tái chế hay không.
Phóng viên tờ Bloomberg đã hỏi Szaky rằng làm thế nào để sự cố nhầm lẫn tại lò đốt Bulgaria không xảy ra với các cơ sở như GDB. Szaky cho biết anh sẽ chấm dứt hợp đồng ngay lập tức với bất kỳ ai vi phạm. Người đàn ông này cũng đang bổ sung thêm các biện pháp kiểm soát, chẳng hạn như gắn thiết bị theo dõi của riêng mình trên các kiện hàng chất thải.
Quay trở lại với câu chuyện phóng viên tờ Bloomberg bí mật đặt các thiết bị theo dõi vào 3 túi rác. Vào cuối tháng 4, ⅔ thiết bị theo dõi cho thấy 2 túi rác bắt đầu rời khỏi nhà kho, sau đó dừng chân tại một khu chôn lấp. Chúng sau đó bị vùi trong đất và gần như mất hoàn toàn tín hiệu.
“Lĩnh vực tái chế đang bị nghi ngờ, điều mà tôi chưa từng thấy trước đây. Các tổ chức phi chính phủ nói rằng bạn không thể đổ lỗi cho người tiêu dùng”, Szaky nói. “Ngành công nghiệp dễ đổ lỗi nhất là tái chế đấy”.
Theo: Bloomberg
Nhịp sống thị trường