Sự thật đáng sợ: Jordan có thứ vũ khí "khắc tinh" với thầy trò HLV Park Hang-seo
Jordan là một trong 4 đội lọt vào vòng 1/8 Asian Cup 2019 mà không để thủng lưới bàn thắng nào. Lối chơi của họ hứa hẹn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho ĐTQG Việt Nam trong màn đối đầu sắp tới.
- 11-01-2019Asian Cup 2019: Thái Lan bất ngờ hạ Bahrain, Jordan vô tình giúp Việt Nam
- 11-01-2019Asian Cup 2019: Phối hợp đá phạt siêu dị, ĐT Jordan khiến Syria dính "cú lừa"
- 05-12-2018Những điều thú vị về Jordan Speith – golf thủ trẻ tuổi 3 lần vô địch major, từng có thu nhập thuộc top cao nhất trong làng golf
Jordan rất ít khi được tham dự Asian Cup, nhưng mỗi lần có mặt họ đều gây tiếng vang lớn
Bóng đá ở Jordan trong những năm 90 được coi là thú vui xa xỉ. Những trận đấu với các đội tuyển cùng thuộc khối Ả-rập thường chỉ mang tính chất cọ xát là chính, không đặt nặng về mặt thành tích. Nhưng tuyệt đối không được coi thường khả năng của Jordan mỗi khi họ giành quyền tham dự Asian Cup.
Kể từ khi giải đấu bóng đá vô địch Châu Á được thành lập, số lần Jordan được tham dự đếm trên đầu ngón tay (tính cả năm 2019 là 3 lần). Tuy nhiên trong những lần tham dự Asian Cup ít ỏi đó, Jordan luôn để lại ấn tượng vô cùng đặc biệt.
Jordan từng 2 lần lọt vào tứ kết Asian Cup.
Vào năm 2004, ĐTQG Jordan lần đầu tiên vượt qua vòng loại khu vực. Với tư cách là “lính mới”, Jordan khiến mọi chuyên gia, nhà dự đoán phải ngỡ ngàng khi một mạch tiến vào vòng tứ kết, ghi 3 bàn và thủng lưới 1. 11 năm sau, lại là Jordan gây chấn động giải đấu ở Australia. Họ thi đấu ngang ngửa Nhật Bản trong chiến dịch vòng bảng và một lần nữa chỉ chịu về nước ở tứ kết.
Jordan trước mỗi giải đấu luôn bị gắn mác “lót đường” nhưng luôn để lại ấn tượng mạnh, mùa giải năm nay cũng không phải ngoại lệ. Họ quật ngã ĐKVĐ Australia trong trận đấu mở màn, thắng tiếp Syria để giành tấm vé đi tiếp với tư cách nhất bảng B. Rõ ràng không thể coi thường Jordan dù trên BXH FIFA họ đang có thứ hạng kém ĐTQG Việt Nam (kém 9 bậc).
Sức mạnh của Jordan nằm ở đâu?
Lối chơi của Jordan trong vòng bảng Asian Cup 2019 có chút gì đó rất giống với CLB Atletico Madrid, na ná ĐTQG Việt Nam. Họ lựa chọn đội hình thiên về phòng thủ, luôn chủ động nhường đối phương cầm bóng.
Ngay cả khi đối đầu với Syria, đối thủ được đánh giá thấp hơn Australia, các học trò của HLV Vital Borkelmans vẫn không cố gắng kiểm soát bóng quá nhiều. Thay vào đó, họ chơi phòng ngự thật chắc chắn, chờ đợi những đường chuyền sai, những pha xử lý thừa thãi của đối thủ để cướp lại quyền kiểm soát, qua đó thực hiện những tình huống phản công.
Australia đã thua 0-1 Jordan dù cầm bóng 73% tổng thời lượng trận đấu. Syria cũng lâm vào tình cảnh tương tự, cầm bóng gần 60% và thua 0-2. Triết lý “càng cầm nhiều bóng thì sẽ càng dễ mất bóng” của ông Borkelmans trong 2 trận gặp Australia và Syria phần nào đã đem lại thành công cho đội tuyển. Họ ghi được 3 bàn, tiến vào vòng trong mà không để thủng lưới một lần nào.
Không khó để dự đoán Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn trước một Jordan chơi đầy tính kỷ luật như vậy trong trận đấu vòng 1/8 sắp tới. Thầy trò HLV Park Hang-seo đã quen với việc chơi bóng ở cửa dưới trước những đội bóng mạnh hơn. Nhưng khi được đối phương nhường hẳn quyền kiểm soát như một số trận đấu tại AFF Cup 2018, Việt Nam chưa thực sự chơi tấn công sắc bén như người hâm mộ kỳ vọng.
Chưa dừng lại ở đó, Jordan hiện sở hữu thứ “vũ khí” đầy nguy hiểm: những tình huống cố định. Vì khó triển khai bóng từ sân nhà để tấn công với một đội hình thấp nên mỗi khi có cơ hội từ những cú đá phạt trực tiếp, phạt góc, Jordan luôn biết cách gây khó khăn cho đối thủ. 2 trong 3 bàn thắng Jordan ghi được ở vòng bảng đến từ những từ tình huống phạt góc đánh đầu, còn lại là pha dàn xếp phản công cực nhanh.
Chống bóng bổng từ trước đến nay luôn là điểm yếu cố hữu đối với Việt Nam. Trong tình cảnh không có được những nhân tố tốt nhất trong tay (vắng Trần Đình Trọng), thầy Park cần phải đặc biệt lưu ý những pha phạt góc phối hợp 2 cầu thủ trước khi tạt bóng vào trong của Jordan. Những tình huống như vậy thủ môn và hàng phòng ngự sẽ rơi vào thế bị động, khó biết được bóng sẽ đi với quỹ đạo thế nào vào trong vòng cấm vì khuất tầm nhìn.
2 trong 3 bàn thắng của Jordan đến từ những tình huống phối hợp đá phạt kiểu này.
Hơn nữa, hậu vệ Baha'a Abdulrahman của Jordan từng có pha sút phạt rung xà Australia. Trước những đối thủ có khả năng sút phạt tốt như vậy, thầy Park chắc chắn sẽ khuyến cáo học trò không thực hiện những pha phạm lỗi ở gần khu vực cấm địa.
Ngôi sao nào của Jordan cần được “chăm sóc” thật nhiệt tình?
Jordan kết thúc chiến dịch vòng bảng bằng trận hòa 0-0 với Palestine, kết quả vừa đủ để họ đi tiếp với tư cách đội dẫn đầu. Trận đấu tưởng chừng như vô vị đó đã chỉ ra một sự thật, tính hiệu quả trong lối chơi của họ phụ thuộc rất nhiều vào tiền vệ Musa Al-Taamari, người vắng mặt vì đã nhận 2 thẻ vàng trước đó.
Chân dung Al-Taamari, ngôi sao hứa hẹn sẽ khiến Việt Nam gặp khó khăn trong trận đấu sắp tới.
Trong chiến dịch vòng bảng, Musa Al-Taamari có đóng góp trong cả 3 bàn thắng của Jordan (1 bàn, 2 kiến tạo). 2 đường tạt bóng cực chuẩn xác của tiền vệ có giá trị 1,35 triệu bảng này đã giúp Jordan đánh bại Australia và ấn định thắng lợi trước Syria. Dù ngồi ngoài một trận nhưng tính đến thời điểm này Al-Taamari vẫn là người tung ra nhiều cú sút nhất so với toàn đội.
Việc phải nhận 2 thẻ vàng và nghỉ trận gặp Palestine vô tình giúp Musa Al-Taamari có nền tảng thể lực tốt nhất trong trận đấu với Việt Nam. Đây chắc chắn sẽ là “mũi khoan” cần phải đặc biệt chú ý đến trong trận đấu sắp tới.
Trí thức trẻ