Sự thật ít người biết về Autobahn - "đường cao tốc không giới hạn tốc độ" ở Đức
Đức nổi tiếng khắp thế giới với Autobahn - còn được gọi là "đường cao tốc không giới hạn tốc độ". Nhưng điều này không hoàn toàn đúng ở mọi đoạn đường.
- 07-04-2023Thiếu điện nước, địa hình khắc nghiệt cùng cực: Trung Quốc xây cả nghìn km đường cao tốc xuyên "Sa mạc Tử thần" như thế nào?
- 26-11-2022Tại sao biển báo hiệu trên cao tốc lại có màu xanh lá?
- 09-07-2022Cao tốc "bận rộn" nhất Trung Quốc: Đi qua những thành phố công nghệ hiện đại, "kẹt xe không hồi kết" nhưng ai cũng mê vì quá đẹp
Theo kênh DW, Đức có bia và xúc xích, dưa cải bắp, chợ Giáng sinh và tất cả những thứ khác mà người nước ngoài có thể tưởng tượng ra khi họ nghĩ về đất nước này. Và, tất nhiên, còn có Autobahn.
Những du khách ưa mạo hiểm, đam mê tốc độ nghĩ rằng họ có thể thuê một chiếc ô tô, và phóng như bay không giới hạn tốc độ trên mạng lưới đường cao tốc ở Đức. Và họ có thể làm điều đó, ở một số đoạn đường, vì Đức là quốc gia châu Âu duy nhất không có giới hạn tốc độ chung.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ô tô Quốc gia của Đức (ADAC), có giới hạn tốc độ 130 km/h trên khoảng 30% mạng lưới Autobahn, và đó thường là ở những nơi đông đúc nhất. Các hạn chế khác được áp dụng gần các công trường xây dựng, các đoạn đường cong nguy hiểm, trong và xung quanh các thành phố.
Trên các đoạn đường không bị hạn chế, có một "khuyến nghị" về tốc độ là 130 km/h.
Giới hạn tốc độ là một vấn đề nhạy cảm
Trong một bài báo trên tờ Süddeutsche Zeitung của Đức, tác giả Thomas Harloff cho biết lý do tại sao không có giới hạn tốc độ đối với 70% đường cao tốc còn lại có liên quan đến sức mạnh vận động hành lang của ngành công nghiệp ô tô Đức trong quá khứ.
Theo tác giả Harloff, danh tiếng là điểm mấu chốt để bán được hàng: Đức được biết đến với những chiếc xe hơi chạy rất nhanh, được thiết kế cực kỳ tốt. Harloff cũng lưu ý rằng, việc cho phép những chiếc xe đó chạy như bay trên các đường cao tốc ở Đức mà không bị giới hạn tốc độ "biện minh cho quyền tồn tại của chúng" ngay từ đầu.
Trong khi mọi thứ đang thay đổi, việc giới hạn tốc độ trên Autobahn vẫn là một vấn đề nhạy cảm đối với người Đức. ADAC đã đăng trên trang web của mình vào tháng 2/2023 — trích dẫn một cuộc khảo sát từ năm 2022 — rằng, phần lớn các thành viên của họ ủng hộ giới hạn tốc độ chung: 52% ủng hộ và 44% phản đối.
Những người ủng hộ nói rằng, việc giới hạn tốc độ sẽ giúp lái xe thoải mái hơn trên đường cao tốc. Quan trọng hơn, họ nói rằng giảm tốc độ có thể dẫn đến ít tai nạn chết người hơn.
Những người phản đối quan điểm đó lại nói rằng, 60% số vụ tai nạn chết người không xảy ra trên Autobahn, mà là trên các con đường nông thôn - nơi giới hạn tốc độ 100 km/h, và thậm chí thường là 70 km/h.
Nhưng cũng có lý do để giới hạn tốc độ từ quan điểm môi trường, khi các nhà hoạt động khí hậu nói rằng, giảm tốc độ sẽ giúp hạn chế lượng khí thải CO2.
Kế hoạch mở rộng Autobahn
Theo kênh DW, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing đang vạch ra một kế hoạch nhằm tăng tốc độ mở rộng mạng lưới Autobahn, bao gồm hơn 140 dự án Autobahn trên toàn quốc, và 66 trong số đó ở North Rhine-Westphalia - bang đông dân nhất của Đức.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã gây tranh cãi gay gắt giữa các đảng phái chính trị và các bang khác nhau của Đức. Đảng Xanh muốn các tấm pin mặt trời được lắp đặt dọc theo các tuyến đường Autobahn mới và có những con đường dành cho xe đạp tốt hơn dọc theo các tuyến đường.
Trong khi đó, trong vài tuần qua, các nhà hoạt động khí hậu thuộc nhóm "Thế hệ cuối cùng" đã tổ chức các cuộc biểu tình ở thủ đô Berlin của Đức, thậm chí dán người xuống đường để chặn giao thông.
Nhóm này đang kêu gọi thành lập hội đồng công dân để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Họ nói rằng, hội đồng công dân nên thảo luận về "làm thế nào để chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng về mặt xã hội vào năm 2030".
Các yêu cầu khác của nhóm bao gồm: giới hạn tốc độ trên đường cao tốc, giá vé cố định và thậm chí còn thấp hơn cho các phương tiện giao thông công cộng.
Xua tan lầm tưởng
Vì vậy, chúng ta có thể xua tan lầm tưởng rằng hoàn toàn không có giới hạn tốc độ trên đường cao tốc ở Đức — và trong khi tìm hiểu về vấn đề này, chúng ta có thể xua tan một quan niệm phổ biến khác rằng, Adolf Hitler đã khởi xướng việc xây dựng Autobahn.
Theo kênh DW, Konrad Adenauer - Thị trưởng Cologne và sau đó là Thủ tướng Tây Đức - đã chính thức khai trương đoạn đường Autobahn đầu tiên vào tháng 8/1932. Vào thời điểm đó, Đức Quốc xã vẫn chưa lên nắm quyền, mà phải là một năm sau đó. Tuy nhiên, họ đã đồng ý thực hiện dự án Autobahn, với việc Hitler đẩy nhanh việc xây dựng cái gọi là "Đế chế thứ ba" Autobahn.
Tổ quốc