MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật ngỡ ngàng về Squid Game: Đằng sau bộ phim đình đám là cuộc khủng hoảng nợ làm rung chuyển Hàn Quốc

11-10-2021 - 09:09 AM | Tài chính quốc tế

Sự thật ngỡ ngàng về Squid Game: Đằng sau bộ phim đình đám là cuộc khủng hoảng nợ làm rung chuyển Hàn Quốc

Cơn sốt toàn cầu Squid Game phản ánh một bức tranh kinh tế - xã hội đầy bất ổn.

Squid Game không phải là một bộ phim truyền hình Hàn Quốc điển hình với các tình tiết ngọt ngào, nhẹ nhàng. Qua thực trạng xã hội được dàn dựng thành phim một cách gay cấn về cuộc sống ở Hàn Quốc ngày nay, người xem được trải nghiệm một câu chuyện đầy màu sắc của bạo lực, phản bội và tuyệt vọng.

Tất cả những điều này được xoay quanh một loạt các trò chơi rùng rợn, người chơi phải chiến đấu đến chết theo đúng nghĩa đen. Bất chấp nội dung tàn bạo, Squid Game đã thu hút khán giả trên toàn cầu, trở thành chương trình hàng đầu của Netflix tại ít nhất 90 quốc gia.

Bộ phim đưa người xem vào một hành trình hồi hộp cao độ xuyên suốt chín tập, nơi một nhóm người chìm ngập trong bất hạnh tham gia một loạt sáu trò chơi sinh tồn, mô phỏng theo các trò chơi quen thuộc của trẻ em Hàn Quốc. Những người thua cuộc sẽ chết dựa trên quá trình loại bỏ tàn nhẫn, và người chiến thắng duy nhất sẽ được nhận 46,5 tỷ won (39,4 triệu USD).

Sự thật ngỡ ngàng về Squid Game: Đằng sau bộ phim đình đám là cuộc khủng hoảng nợ làm rung chuyển Hàn Quốc - Ảnh 1.

Con búp bê đáng sợ trong bộ phim gây ám ảnh cho nhiều người

Những tập đầu của bộ phim đã đặt các nhân vật trung tâm vào đường cùng. Có một loạt các cuộc đời rất khác nhau, nhưng mỗi người đều sa lầy vào nợ nần và khốn khó. Một người đàn ông đang mắc nợ do kinh doanh thất bại và một người nghiện cờ bạc. Một người già sắp chết vì bệnh ung thư và một cô gái từ Triều Tiên. Một công nhân nhập cư Pakistan và một tay xã hội đen, cùng với hàng trăm cá nhân kém may mắn khác bất bình với chủ nghĩa tư bản Hàn Quốc, họ đã đánh cược tất cả.

Squid Game đã tiếp thêm một nét bút trong việc phê phán sâu sắc sự bất bình đẳng kinh tế xã hội đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người ở Hàn Quốc. Cụ thể hơn là cuộc khủng hoảng nợ hộ gia đình ngày càng sâu sắc ảnh hưởng đến tầng lớp thấp và trung lưu.

Hàn Quốc sợ hãi chìm ngập trong cảnh nợ nần

Nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây, lên tới hơn 100% tổng sản phẩm quốc nội, đây là mức cao nhất ở châu Á. 20% những người có thu nhập cao nhất trong nước có giá trị tài sản gấp 166 lần so với 20% dân số có thu nhập thấp nhất, mức chênh lệch này đã tăng gấp rưỡi kể từ năm 2017.

Nợ tăng nhanh hơn so với thu nhập và lãi suất cũng ngày càng tăng. Điều này đã khiến những người không đủ điều kiện để đối phó với những sự cố bất ngờ, chẳng hạn như đột nhiên bị đuổi việc hoặc bệnh tật, càng thêm bấp bênh hơn.

Chỉ số Gini biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp ở các quốc gia cho thấy Hàn Quốc gần ngang bằng với Vương quốc Anh và cao hơn cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ngày càng tăng, giá nhà tăng cao và đại dịch toàn cầu đã xóa bỏ gần hết những nỗ lực cải thiện tình hình bất bình đẳng trong những năm gần đây dưới thời Chính phủ Moon Jae-in.

Các gia đình đang không chỉ gánh nợ để trả tiền nhà mà còn có chi phí giáo dục. Đây là một khoản chi phí thiết yếu đối với tầng lớp trung lưu, họ luôn hy vọng con cái mình có thể vào một trường đại học đáng mơ ước.

Vào tháng 8, chính phủ Hàn Quốc đã công bố các biện pháp hạn chế cho vay mới nhằm mục đích giảm nợ ở những người trẻ tuổi. Những người thuộc thế hệ Y và những người ở độ tuổi 30 đang phải gánh nhiều khoản nợ nhất, nhiều hơn cả số thu nhập của họ. Nhưng những nỗ lực hạn chế vay nợ này đã khiến một số người chuyển sang vay nặng lãi với rủi ro cao hơn.

Sự lựa chọn như vậy khiến nhiều người phải đi van xin lòng thương của những kẻ đòi nợ nếu họ thật sự không có đủ điều kiện để trả. Một số người có lẽ sẽ liên tưởng đến chính mình rơi vào tay bọn xã hội đen và bị mổ cướp nội tạng để bán, như trong Squid Game. Gánh nặng nợ nần chồng chất đang là một vấn đề xã hội ngày càng sâu sắc, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử ở Hàn Quốc.

Hậu quả của bất bình đẳng kinh tế - xã hội

Việc Squid Game đưa các nhân vật khác đại diện cho các nhóm thiểu số thiệt thòi của Hàn Quốc đã nêu bật hậu quả của bất bình đẳng kinh tế - xã hội đối với những nhóm người này.

Sự bóc lột nhẫn tâm của chủ nhà máy đối với một công nhân nhập cư khiến anh buộc phải tham gia trò chơi là đại diện cho những rào cản đối với những người đến từ Nam và Đông Nam Á. Những người từ Triều Tiên cũng là những cá nhân phải chiến đấu trên nhiều khía cạnh để đạt được cả sự ổn định tài chính và hòa nhập xã hội.

Trong suốt ba thập kỷ các kế hoạch kinh tế đầy tham vọng đã biến đất nước này thành một nền kinh tế có thu nhập cao. Tuy nhiên, tham nhũng tràn lan trong các chính trị gia và các tập đoàn gia đình Chaebol biển thủ công quỹ để xây dựng đế chế riêng của họ. 

Thành công dựa trên sinh mệnh của người khác

Tất nhiên, đây không phải là một câu chuyện dành riêng cho Hàn Quốc. Các nhân vật của Squid Game, những phiền muộn và tính nhân văn của họ cộng hưởng với trải nghiệm của các xã hội khác trên toàn cầu. Các nền kinh tế tương tự như Hàn Quốc đang trải qua nhiều thách thức tương tự, càng trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch đang diễn ra.

Squid Game đã dùng cách thức tàn bạo nhất để đưa ra lời cảnh tỉnh đối với người chiến thắng trong từng trò chơi và khán giả toàn cầu về 1 hiện thực phũ phàng: những người thành công làm được điều đó nhờ lợi dụng những người thất bại do yếu đuối, bị phân biệt đối xử, phán đoán kém hoặc chỉ đơn giản là kém may mắn.

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên