Sự thật về bài post "Các thương hiệu lớn bị đại dịch phá sập": Covid-19 kinh khủng thật, nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác
Cần phải nhớ rằng những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội mà không có nguồn cũng như căn cứ đều cần phải kiểm tra lại. Không phải công ty nào cũng lỗ, và cũng không phải khoản lỗ nào cũng là vì Covid-19.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện một bài đăng đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng, với nội dung liên quan đến những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các nhãn hàng trên toàn cầu.
Cụ thể, nội dung các bài đăng được tóm gọn như sau.
1. Victoria’s Secret tuyên bố phá sản.
2. Zara đóng cửa 1.200 cửa hàng.
3. La Chapelle rút 4391 cửa hàng.
4. Chanel đã ngừng sản xuất.
5. Hermes bị ngưng.
6. Patek Philippe ngừng sản xuất.
7. Rolex ngừng sản xuất.
8. Ngành công nghiệp xa xỉ của thế giới đã ngừng sản xuất.
9. Nike có tổng cộng 23 tỷ đô chuẩn bị cho giai đoạn sa thải thứ hai.
10. Không cần phải nói về du lịch.
11. Người sáng lập AirBnb nói rằng vì đại dịch, 12 năm nỗ lực đã bị phá hủy trong 6 tuần.
12. Ngay cả Starbucks cũng tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn 400 cửa hàng của họ.
Bài đăng hiện tại đang được chia sẻ rất mạnh, và đọc qua thì thấy hệ quả từ đại dịch Covid-19 là kinh khủng như thế nào đến nền kinh tế thế giới. Đầu tiên, cần phải nhìn nhận rằng đại dịch quả là đáng sợ, và nó khiến mọi lĩnh vực chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên ảnh hưởng thật sự như thế nào và thông tin trên chính xác được bao nhiêu, hãy còn hạ hồi phân giải.
1. Victoria's Secret phá sản?
Thông tin này không hoàn toàn chính xác. Theo Business Insider, Victoria's Secret quả thực đã mất khả năng thanh toán và được đưa vào tình trạng "tái quản lý" (Go into administration: thuật ngữ kinh tế, xảy ra khi một công ty mất khả năng thanh toán nợ và được đặt dưới sự quản lý của bên thứ 3 được cấp phép).
Cũng có thể hiểu Victoria's Secret rơi vào tình trạng phá sản, nhưng Covid-19 không phải là thủ phạm chính. Trên thực tế, tình hình kinh doanh của Victoria's Secret đã gặp rất nhiều vấn đề trong những năm qua, ảnh hưởng trầm trọng đến doanh thu dù đã từng là một thương hiệu khiến nhiều người khao khát. Thậm chí năm 2019, show diễn nổi tiếng nhất của họ - Victoria's Secret show còn bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, việc "tái quản lý" không hẳn đã khiến tên tuổi của hãng biến mất trên thị trường. Nếu được tái cơ cấu đúng cách, một công ty hoàn toàn có thể vực dậy được. Hơn nữa, Victoria's Secret mới chỉ đóng các cửa hàng tại Anh, còn tại Mỹ và mảng kinh doanh online không bị ảnh hưởng.
2. Các thương hiệu lớn đóng cửa?
Lại một lần nữa, đó là những số liệu chỉ chính xác một phần.
Với trường hợp của Zara, họ là một trong những thương hiệu chịu ảnh hưởng mạnh nhất vì dịch bệnh. Ngày 11/6, chủ sở hữu Zara tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn một số cửa hàng với số lượng "lên tới 1200" - chiếm khoảng 16% toàn bộ store trên toàn thế giới vì ảnh hưởng từ Covid-19. Nhưng động thái này chủ yếu tập trung ở châu Âu và châu Á, và chủ yếu nhắm đến các cửa hàng nhỏ để thêm một số cửa hàng lớn hơn.
Họ muốn hướng lợi nhuận đến các cửa hàng lớn và mảng kinh doanh online. Dẫu vậy, cần phải ghi nhận việc Zara đóng cửa vì dịch là đúng.
Với thông tin La Chapelle rút 4.391 cửa hàng, điều này cũng đúng. Nhưng theo Insider Retail Malaysia, việc đóng cửa đã xảy ra từ nửa sau năm 2019, do sụt giảm doanh thu và khủng hoảng nợ nần.
Chanel đã ngừng sản xuất - về cơ bản là đúng, nhưng nó chỉ xảy ra vào tháng 3, chính xác hơn là 2 tuần kể từ ngày 18/3 với 3 nhà máy tại châu Âu (theo WWD). Các khu vực khác dù có giảm sản xuất nhưng vẫn hoạt động bình thường, hoàn toàn không có chuyện ngừng.
Tương tự là trường hợp của Hermes. Thương hiệu xa xỉ này đóng cửa đến hết tháng 3, rồi trở lại mạnh mẽ vào tháng 4 với 2,7 triệu đô doanh thu trong ngày đầu tiên mở cửa ở Trung Quốc. Riêng nhà máy sản xuất nước hoa không bị đóng cửa, mà chuyển sang sản xuất gel rửa tay hỗ trợ chống dịch. Thêm vào đó, việc Hermes tạm đóng cửa còn khiến nhu cầu đẩy mạnh hơn, bất chấp việc giá leo thang do nguồn cung bị hạn chế.
Với Rolex, quả thực họ có đóng cửa, tuy nhiên đó là các nhà máy tại Geneva, Bienne và Crissier và chỉ trong thời gian vỏn vẹn 10 ngày - từ 17/3 - 27/3).
3. AirBnb và Starbucks?
"Chúng tôi đã mất 12 năm để xây dựng Airbnb và mất gần như tất cả mọi thứ chỉ trong 4 đến 6 tuần," - đây đúng là những gì Brian Chesky, CEO của AirBnb chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC.
Quả là đại dịch gây ảnh hưởng rất mạnh đến du lịch, trong đó có việc vận hành của AirBnb. Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, AirBnb vốn đã báo lỗ liên tục trong nhiều năm qua. Riêng trong quý 1 năm tài khoá 2019, khoản lỗ của họ đã tăng gấp đôi, lên tới 306 triệu USD.
Còn Starbucks, chuyện đóng cửa hàng với họ không phải lạ. Cách đây 12 năm, họ từng phải bật bãi khỏi thị trường Úc, đóng tới 2/3 số cửa hàng tại quốc gia này. CNN đưa tin, Starbucks tuyên bố sẽ đóng cửa 400 cửa hàng tại Bắc Mỹ, nhưng là để mở rộng mô hình mua mang về, đồng thời mở thêm một số lượng cửa hàng khác lớn hơn thế rất nhiều ở các địa điểm khác, với mô hình sáng tạo hơn.
Tạm kết
Chúng ta không thể phủ nhận rằng đại dịch Covid-19 gây ra quá nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và các nhãn hàng nói riêng. Tuy vậy, cần phải nhớ rằng những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội mà không có nguồn cũng như căn cứ thì đều cần phải kiểm tra lại. Không phải công ty nào cũng lỗ, và cũng không phải khoản lỗ nào cũng là vì Covid-19.
Nguồn: WWD, Business Insider, CNN...
Trí Thức Trẻ