MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thật về gói tầm soát ung thư chỉ qua 1 xét nghiệm nhiều bệnh viện đang quảng cáo rầm rộ

09-06-2019 - 14:16 PM | Sống

Nhiều người lo lắng bệnh ung thư và họ tìm tới các gói tầm soát ung thư, được quảng cáo có thể phát hiện được bệnh ung thư qua 1 xét nghiệm.

Xét nghiệm tràn lan

Anh Nguyễn Văn Châu (43 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho biết, vợ anh thường xuyên giục chồng đi tầm soát ung thư và bản thân vợ anh cũng "nghiện" tầm soát ung thư. Chị thường mua gói tầm soát ung thư cho hai vợ chồng. Tuy nhiên, anh Châu rất ít đi vì ngại cảnh chờ đợi trong bệnh viện.

Tháng trước, vợ anh nói nhiều quá, anh Châu mới đi tầm soát ung thư ở một bệnh viện tư. Nghe nói tầm soát ung thư, anh Châu nghĩ chắc sẽ chiếu chụp toàn thân từ đầu tới chân. Kết quả, gói tầm soát 2,3 triệu vợ anh mua chỉ có lấy máu và xét nghiệm.

 Sự thật về gói tầm soát ung thư chỉ qua 1 xét nghiệm nhiều bệnh viện đang quảng cáo rầm rộ - Ảnh 1.

Bác sĩ Thân Văn Thịnh tư vấn cho người bệnh.

Khi đó, chỉ số CA 72-4 (MD) cao gấp 3 lần mức bình thường. Bác sĩ tư vấn cho rằng anh cần phải làm thêm nhiều xét nghiệm nữa để chẩn đoán ung thư. Nghe tới ung thư, anh Châu và gia đình vô cùng hoảng loạn với kết quả trên.

Ngay hôm sau, anh và vợ lại đi đến bệnh viện khác kiểm tra lại, kết quả chẩn đoán sức khỏe anh bình thường. Vẫn chưa tin anh tiếp tục vào tận TP.HCM kiểm tra lại lần nữa, kết quả bình thường.

Anh Châu cho biết, cả tuần gia đình anh đều lo lắng, người nhà trong gia đình anh ai cũng khuyên anh cứ đi kiểm tra thật kỹ và cuối cùng tiền mất, thêm lo lắng. Dù không bị ung thư nhưng cả gia đình được phen đứng lên ngồi xuống trong lo sợ bệnh nan y.

Không riêng gì anh Châu, trường hợp của chị Cao Thị Thu Hà (31 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tương tự. Chị Hà chuẩn bị đi Nhật nghiên cứu sinh 2 năm. Trước khi đi, chị Hà tới một bệnh viện làm xét nghiệm tổng thể kiểm tra sức khoẻ.

Xét nghiệm cho biết chỉ số CEA cao xét nghiệm chỉ điểm ung thư tụy hoặc ung thư đại trực tràng có dấu hiệu nghi ngờ ung thư. Bác sĩ cho rằng chị bị ung thư đại trực tràng và yêu cầu nội soi.

Khi nội soi không có bất thường gì ở đại tràng, chị Hà lại phải thêm bao nhiêu xét nghiệm khác. Đến khi chị đi khám tại một bệnh viện khác, bác sĩ cho rằng chỉ số xét nghiệm trên không có giá trị.

Bác sĩ nói gì?

Nói về lạm dụng các xét nghiệm chẩn đoán ung thư, theo bác sĩ Thân Văn Thịnh – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, các gói quảng cáo xét nghiệm phát hiện ung thư hiện nay chỉ là quảng cáo và thương mại thiếu tính khoa học.

 Sự thật về gói tầm soát ung thư chỉ qua 1 xét nghiệm nhiều bệnh viện đang quảng cáo rầm rộ - Ảnh 2.

Xét nghiệm dấu ấn ung thư đang nở rộ nhưng chưa có giá trị trong chẩn đoán ung thư

Theo bác sĩ Thịnh việc xét nghiệm tràn lan các chất chỉ điểm khối u trong máu như CEA, CA 125 hoặc CA 153… đều không có cơ sở khoa học do các chất này có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, lành tính cũng như ác tính.

Ngoài ra, nếu chỉ vin vào các xét nghiệm này còn có thể âm tính giả. Có nhiều trường hợp có u nhưng xét nghiệm các chỉ số này đều bình thường. Khi đó, bệnh nhân yên tâm là mình khỏe mạnh đến khi bệnh nặng vẫn cho rằng mới tầm soát.

Bác sĩ Thịnh cho biết, lạm dụng các xét nghiệm này đôi khi người bệnh vừa tốn tiền, thêm lo lắng.

Trong sàng lọc ung thư, việc đưa ra các gói xét nghiệm đều cho thấy độ đặc hiệu không cao và hiện nay xét nghiệm máu tầm soát ung thư chỉ áp dụng trong tầm soát trên đối tượng nguy cơ cao và phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, tư vấn.

Ngay cả việc lạm dụng chẩn đoán hình ảnh trong tầm soát ung thư, theo bác sĩ Thịnh người dân không nên tin rằng chỉ cần chụp cát lớp 256 dãy có thể phát hiện tất cả các tổn thương trên cơ thể trong đó có ung thư.

Điều này hoàn toàn sai vì hiện nay, chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong sàng lọc ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú… tuy nhiên với ung thư gan cũng có thể phát hiện qua siêu âm vừa an toàn vừa rẻ tiền hơn rất nhiều.

Không ít người hỏi bác sĩ Thịnh về việc chụp PET/CT để phát hiện ung thư trong trứng nước. Bác sĩ Thịnh khẳng định, PET/CT không phải là phương tiện để sàng lọc ung thư vì có các tổn thương viêm cũng thể hiện trong kết quả nên dễ nhầm.

PET/CT chỉ sử dụng đánh giá giai đoạn ung thư, mức độ di căn… vì thế phương pháp này khuyến cáo dành cho những người đã được chẩn đoán ung thư.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên