MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự trỗi dậy của văn hóa “siêu độc thân” ở Nhật Bản: Ăn 1 mình, làm việc 1 mình, thậm chí hát karaoke cũng 1 mình!

17-01-2020 - 23:01 PM | Sống

Từ cocktail cho đến karaoke, nhiều người Nhật mong muốn được ở một mình. Nguyên nhân nào đã khiến một quốc gia vốn hướng tới cộng đồng trở nên khép mình như vậy?

Mới chỉ một thập kỉ trước, nhiều người Nhật vẫn còn cảm thấy xấu hổ nếu bị bắt gặp đang ăn một mình ở trường học hoặc căng tin tại văn phòng. Họ thậm chí còn chọn ăn trong phòng tắm để tránh những ánh mắt xoi mói. Hành động này phổ biển đến mức người ta còn đặt cho nó cái tên “benjo meshi” (ăn trưa trong nhà vệ sinh).

Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người cho rằng Nhật Bản đã trải qua những thay đổi đáng kể. Một trong số đó là Miki Tateishi, một nhân viên pha chế ở Tokyo. Cô làm việc tại Bar Hitori, một địa điểm ấm cúng nằm trong khu giải trí về đêm Shinjuku dành cho những người uống rượu một mình.

Quán bar này, mở cửa vào giữa năm 2018, đại diện cho một xu hướng mới: Tự đi ra ngoài và uống rượu một mình ở Nhật Bản, một quốc gia vốn tuân thủ các quy tắc truyền thống. Chính sự thay đổi này đã giúp Bar Hitori làm ăn phát đạt: Thay vì trốn trong nhà vệ sinh, những người Nhật đã tự tin ra ngoài và tận hưởng thời gian dành riêng cho bản thân hơn.

Hitori (nghĩa là một người) không phải là ví dụ duy nhất về cách các doanh nghiệp đang thay đổi để thích ứng với những người muốn độc lập làm mọi việc. Từ ăn uống, đời sống về đêm đến du lịch, các lựa chọn mới dành riêng cho các cá nhân đã xuất hiện ở khắp nơi trong những năm gần đây.

Nó được biết đến với tên gọi phong trào “ohitorisama”: mọi người mạnh dạn làm mọi việc một mình, không để tâm đến ý kiến của người khác.

Sức mạnh của một người

Sự trỗi dậy của văn hóa siêu độc thân ở Nhật Bản: Ăn 1 mình, làm việc 1 mình, thậm chí hát karaoke cũng 1 mình! - Ảnh 1.

“Ohitorisama” có thể được dịch thoáng ra là “bữa tiệc của một người”. Tìm kiếm hashtag này trên Instagram bằng tiếng Nhật và hàng trăm nghìn bức ảnh sẽ hiện lên: bữa ăn sang chảnh dành cho một người, hành lang rạp chiếu phim, lều ở khu cắm trại hay những bức ảnh về những chuyến đi du lịch một mình.

Đặc biệt trong 18 tháng qua, ngày càng có nhiều người tuyên bố tình yêu của họ dành cho thời gian một mình ohitorisama trên cả các kênh tin tức và phương tiện truyền thông xã hội.

Karaoke là một hoạt động giải trí hàng đầu ở Nhật Bản và thường có sự tham gia của một nhóm bạn, đồng nghiệp hoặc gia đình. Tuy nhiên, theo Daiki Yamatani, một giám đốc bán hàng PR cho công ty karaoke solo 1Kara ở Tokyo, nhu cầu cho karaoke một người đã tăng, chiếm 30-40% tổng số khách hàng đi hát karaoke.

Ở Nhật Bản, các cửa hàng karaoke ở khắp mọi nơi, thường là các tòa nhà lớn nhiều tầng với các phòng karaoke riêng tư dành cho các nhóm với qui mô khác nhau. Nhưng nhu cầu từ những ‘ca sĩ không chuyên’ muốn hát một mình đang ngày càng gia tăng, do đó, 1Kara đã đổi phòng lớn dành cho các nhóm thành các phòng thu âm cá nhân cỡ bốt điện thoại.

Ở Nhật Bản, các hoạt động uống rượu và cuộc sống về đêm vốn được tận hưởng cùng đồng nghiệp hoặc bạn bè. Đồng thời, văn hóa ẩm thực đồng nghĩa rằng các thực khách thường đi ăn cùng ai đó. Nhưng phong trào ohitorisama đã thay đổi những ‘truyền thống’ này. Nguyên nhân nào đã thúc đẩy sự thay đổi này?

Áp lực xã hội

Sự trỗi dậy của văn hóa siêu độc thân ở Nhật Bản: Ăn 1 mình, làm việc 1 mình, thậm chí hát karaoke cũng 1 mình! - Ảnh 2.

Ở nhiều quốc gia, làm việc gì đó một mình không phải là chuyện lạ. Ví dụ, nữ diễn viên người Anh Emma Watson mới đây đã tuyên bố tình yêu dành cho cuộc sống độc thân và tự là người bạn đồng hành của mình.

Trong văn hóa phương Tây, những ấn phẩm hướng dẫn uống rượu một mình và đọc sách ở quán bar, và du lịch một mình đã tạo nên tên tuổi cho vô số influencer trên phương tiện truyền thông xã hội.

Nhưng ở một quốc gia coi trọng nguyên tắc và coi trọng tính cộng đồng, ohitorisama là một vấn đề lớn. 125 triệu dân Nhật Bản sống chật chội trên một quần đảo nhỏ hơn California và 4/5 vùng đất đó là miền núi và không thể sinh sống được. Không gian từ lâu đã là một ‘món hàng’ xa xỉ, vì vậy, quốc gia này tập trung vào tính tập thể và khả năng hòa hợp với những người khác. Do đó, áp lực đồng trang lứa rất cao ở Nhật Bản.

Với sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội – số lượng bạn bè và lượng tương tác có thể quyết định giá trị của bạn – điều này dẫn đến áp lực đồng trang lứa khiến người dân Nhật bị kì thị khi bị bắt gặp đang làm gì một mình. Theo Motoko Matsushita – nhà tư vấn cấp cao tại công ty nghiên cứu kinh tế lớn nhất Nhật Bản, Viện nghiên cứu Nomura có trụ sở ở Tokyo, chính áp lực vô hình này và văn hóa buộc phải giao tiếp 24/7 đã thúc đẩy sự phát triển của ohitorisama.

Một xã hội ‘siêu độc thân’

Sự trỗi dậy của văn hóa siêu độc thân ở Nhật Bản: Ăn 1 mình, làm việc 1 mình, thậm chí hát karaoke cũng 1 mình! - Ảnh 3.

Xã hội Nhật Bản đang trải qua thay đổi nhân khẩu học cực kì lớn. Tỷ lệ sinh đang giảm: Năm ngoái, chỉ 864.000 trẻ được sinh ra, mức thấp nhất từ khi số liệu được lưu lại từ năm 1899. Số hộ gia đình độc thân đang tăng lên, từ 25% vào năm 1995 đến hơn 35% trong năm 2015, theo dữ liệu điều tra dân số quốc gia.

Tỷ lệ kết hôn giảm cùng với tình hình nhiều người cao niên ở một trong những quốc gia già nhất thế giới đang trở thành góa phu và góa phụ đã góp phần vào sự gia tăng của những người sống một mình ở Nhật Bản. Hệ quả là cách người tiêu dùng cư xử và cách các doanh nghiệp phục vụ họ cũng đang thay đổi.

Kazuhisa Arakawa, một nhà nghiên cứu ở Hakuhodo – một trong những công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản, cho biết sức mạnh chi tiêu của những người sống một mình không thể bị bỏ qua nữa. Trong cuốn sách viết về xã hội siêu độc thân ở Nhật Bản của mình, Arakawa đã ước tính rằng 50% dân số từ 15 tuổi trở lên sẽ sống trong các căn hộ một thành viên vào năm 2040. Ông tin rằng thị trường sẽ không phát triển nếu không đáp ứng được những khách hàng độc thân này.

Các chuyên gia cho biết ohitorisama cũng mang đến cơ hội thay đổi cho những người thuộc đơn vị gia đình truyền thống. Nghiên cứu của Arakawa vào năm 2018 cho thấy có tới 1/3 người đã kết hôn thực hiện các hoạt động độc lập như thỉnh thoảng đi du lịch hay hát karaoke một mình.

Khi nói đến những người độc thân cao tuổi, Matsushita cho rằng nhóm này - đặc biệt là phụ nữ - có “sức đề kháng tâm lý” đối với việc bị nhìn thấy một mình. Nhưng cô tin rằng khi họ thấy thế hệ trẻ tiếp tục vượt qua mọi thứ có thể thay đổi, đặc biệt là khi các nhà tiếp thị dịch vụ biết rằng người về hưu là một đối tượng khách hàng sở hữu cả thời gian và tiền bạc.

Theo K Nguyễn

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên