MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự việc thao túng giá cổ phiếu BII của ông Đỗ Thành Nhân: BCTC bộc lộ những rủi ro gì?

20-09-2022 - 17:00 PM | Doanh nghiệp

Sự việc thao túng giá cổ phiếu BII của ông Đỗ Thành Nhân: BCTC bộc lộ những rủi ro gì?

Lại một lần nữa, câu chuyện thao túng thị trường chứng khoán lại trở nên nóng hổi khi mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra hoàn tất kết luận đề nghị truy tố bị can Đỗ Thành Nhân và các đồng phạm liên quan đến hai mã cổ phiếu BII và TGG. Trên thực tế những vấn đề bất thường trong hoạt động của doanh nghiệp đã sớm thể hiện ở báo cáo tài chính nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn xem nhẹ vấn đề này.

Cùng thời gian này năm ngoái, chỉ trong vòng 2 tháng, từ ngày 2/7 đến 9/9/2021, cổ phiếu BII đã tăng gần 240%, từ 6.500 đồng/cổ phiếu lên 22.000 đồng/cổ phiếu, ghi tên trong danh sách tăng nóng nhất sàn HNX.

Đà tăng của cổ phiếu BII xuất hiện từ sau đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty Cổ phần Louis Land, tổ chức ngày 18/6/2021, đặc biệt là sau đại hội cổ đông bất thường (tổ chức bằng hình thức trực tuyến) vào ngày 30/8/2021, với nhiều phiên tăng trần liên tục.

Tại đại hội cổ đông bất thường, Hội đồng quản trị BII đã trình cổ đông hai nội dung chính:

Một là, phát hành riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 150 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến được dùng để nộp tiền thuê đất phát sinh từ việc chuyển đổi hình thức thuê đất tại Cụm công nghiệp Tân Bình 1 (80 tỷ đồng), thanh toán khoản vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (40 tỷ đồng); đầu tư trang thiết bị và xây sửa nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh xuất khẩu (30 tỷ đồng).

Hai là, đầu tư dự án Khu chung cư phức hợp Louis Mega Tower, diện tích 7.000 m2 tại đường Phan Văn Hơn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM, vốn đầu tư dự kiến là 340 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn cũng như đầu tư dự án mới của BII được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào bước chuyển mình của Công ty. Bởi trên thực tế, hoạt động kinh doanh lõi của Công ty vẫn tiếp tục khó khăn.

Mặc dù được giải thích với lý do "tiềm năng trong tương lai" nhưng không ít người có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính cảm thấy thật sự khó hiểu: tại sao với tình hình kinh doanh của BII được phản ánh trên BCTC khi đó, nhà đầu tư lại có thể đặt kỳ vọng nhiều đến vậy?

Hãy nhìn lại báo cáo tài chính BII thời điểm đó.

Không có "core business" - ngành kinh doanh cốt lõi rõ ràng, hiệu quả

Về nguyên tắc, một doanh nghiệp tốt và có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai phải có "core business" - ngành nghề kinh doanh cốt lõi rõ ràng, hiệu quả, đảm bảo khả năng sinh lời,...

Hãy xem BII có gì khi đó?

So với nửa đầu năm 2020 không có doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính, BII đã đạt được mức doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (cho thuê kho bãi) 159 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp rất mỏng, vẻn vẹn 3%. Đương nhiên, với lợi nhuận gộp chỉ hơn 5 tỷ đồng không thể đủ bù đắp cho chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh chính của công ty bị lỗ. 

Tuy nhiên, điều này đã bị "che" đi, do lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh và tổng lợi nhuận kế toán trước thuế lãi. Cần phải thấy rất rõ là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đến từ lợi nhuận tài chính - Chênh lệch từ việc thanh lý công ty con.

Trong vòng 6 tháng đầu năm, công ty đã thoái vốn toàn bộ ở 6 công ty con với tổng giá trị chuyển nhượng lên tới 343 tỷ đồng.

 Sự việc thao túng giá cổ phiếu BII của ông Đỗ Thành Nhân: BCTC bộc lộ những rủi ro gì?  - Ảnh 1.

Tổng hợp từ BCTC hợp nhất bán niên 2022 của BII

Kết quả kinh doanh của BII là điển hình cho việc không có "core business", lợi nhuận đến từ hoạt động tài chính.

Trường hợp này, khi tính các hệ số sinh lời thông thường như ROE, ROA sẽ không phản ánh được bản chất của doanh nghiệp và nếu nhà đầu tư chỉ nhìn vào những hệ số đã được tính sẵn theo công thức đó sẽ dẫn đến hạn chế trong phân tích và ra quyết định.

Lợi nhuận từ thoái vốn có đáng tin cậy?

Khi xem xét đến lợi nhuận khủng từ việc thoái vốn, câu hỏi đặt ra là liệu việc chuyển nhượng 100% vốn ở các công ty con có thực và có đáng tin cậy về mặt giá trị không?

Lấy ví dụ về 1 trong 6 vụ thoái vốn của BII đó là thương vụ chuyển nhượng 100% vốn của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng BIDICO cho ông Trần Hữu Vân với giá trị 51 tỷ đồng.

Có vài điểm đáng lưu ý trong thương vụ này.

Thứ nhất, ông Vân là người liên quan của BII, cụ thể là cổ đông của BII.

Thứ hai, tính đến thời điểm 30/06/2021 ông Vân còn nợ lại 30,5 tỷ đồng cho giao dịch 51 tỷ đồng được trình bày theo thuyết minh Giao dịch với các bên liên quan.

Thứ ba, ông Trần Hữu Vân cũng chính là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV chế biến cát Bình Thuận, theo thông tin tra cứu gần nhất.

Bên cạnh đó, thương vụ thoái vốn của Công ty TNHH Golden Resource cũng đáng lưu ý, khi mà BII chỉ vừa đầu tư vào công ty này cuối năm 2020 (21/12/2020). Chưa đầy 5 tháng kể từ khi mua Golden Resource, vào ngày 14/05/21, Ban lãnh đạo BII thay đổi kế hoạch đầu tư và HĐQT quyết định chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty với giá 91 tỷ đồng.

 Sự việc thao túng giá cổ phiếu BII của ông Đỗ Thành Nhân: BCTC bộc lộ những rủi ro gì?  - Ảnh 2.

Mặc dù giao dịch này công ty ghi nhận lỗ, nhưng đừng quên trước đó, trong BCTC năm 2020, chính việc "mua rẻ" Golden Resource đã mang lại cho BII một khoản thặng dư vốn chủ sở hữu lên tới gần 35 tỷ đồng (ghi nhận thẳng vào vốn chủ sở hữu trên BCTC hợp nhất).

 Sự việc thao túng giá cổ phiếu BII của ông Đỗ Thành Nhân: BCTC bộc lộ những rủi ro gì?  - Ảnh 3.

Tra cứu thông tin cho thấy Công ty TNHH Golden Resource đang ở trạng thái tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn.

Quay trở lại vụ án thao túng cổ phiếu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận đề nghị truy tố bị can Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings; Đỗ Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thu Hương; Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thùy Liên, nhân viên dịch vụ tài chính và Trịnh Thị Thúy Linh; Giám đốc hành chính Louis Holding cùng về tội "Thao túng thị trường chứng khoán".

Sau khi hô hào, giá cổ phiếu BII liên tục có các phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh lớn, thanh khoản cao. Điển hình là ngày 18/9/2021 BII lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 10 lần giá thời điểm nhóm ông Nhân mua vào hồi tháng 1/2021.

Cùng thời gian này, Louis Holdings mua cổ phần sở hữu, chi phối thêm nhiều công ty, trong đó 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo nhóm "hệ sinh thái" Louis Holdings.

Bằng nhiều thủ thuật trong đó có cả việc ông Nhân lập nhóm trên mạng xã hội có tên Louis Family rồi hô hào đưa ra các mục tiêu giá các cổ phiếu mà ông đang nắm giữ.

Sau khi hô hào, giá cổ phiếu BII liên tục có các phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh lớn, thanh khoản cao. Điển hình là ngày 18/9/2021, BII lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 10 lần giá thời điểm nhóm ông Nhân mua vào hồi tháng 1/2021.

Với TGG cũng liên tục tăng trần và lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/9/2021. Giá này được xác định tăng gấp 37 lần thời điểm ông Nhân mua vào.

Theo kết luận, ông Nhân đã thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã BII và TGG, thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng.

Theo An Vũ

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên