MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa đổi Nghị định 126 và 32 sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank, VNPT, cho phép Nhà nước đóng thêm tiền tăng vốn tại Vietinbank

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ, tờ trình nghị định sửa đổi 3 nghị định và nghị định sửa đổi 1 điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP trước ngày 15/8/2020 để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tại cuộc họp ngày 10/8, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã đặt thời hạn cho Bộ Tài chính phải hoàn thiện hồ sơ, tờ trình nghị định sửa đổi 3 nghị định và nghị định sửa đổi 1 điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP trước ngày 15/8/2020 để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Các Nghị định sửa đổi bao gồm:

(i) Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần,

(ii) Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp,

(iii) Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn thành hồ sơ dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 126, Nghị định 32 để chuẩn bị trình Chính phủ.

Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán SSI đã làm rõ các điểm thay đổi trong dự thảo sửa đổi hai nghị định nói trên.

Sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP

Việc xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do không đủ hồ sơ tài liệu để xác định, không thuyết minh được căn cứ xác định giá trị lịch sử, bề dày truyền thống; đồng thời các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các bộ phận tham mưu không có chuyên môn để xác định giá trị này. Với cách xác định giá trị thương hiệu chủ yếu mang tính chất chủ quan, dự thảo Nghị định đã bãi bỏ nội dung quy định về xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Thay vào đó, cần thiết phải có một cơ chế xác định giá mang tính chất giá thị trường nhằm xác định giá trị hợp lý của thương hiệu.

Các vấn đề liên quan đến đất đai cũng được sửa đổi bổ sung trong dự thảo. Bên cạnh việc điều chỉnh Khấu trừ giá trị lợi thế từ vị trí địa lý đất thuê, dự thảo cũng điều chỉnh quy định về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.

Các điều chỉnh nhằm tách bạch rõ ràng giữa phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật và về quản lý, sử dụng tài sản công (Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 167/2017/NĐ-CP) và phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Dự thảo cũng sửa đổi bổ sung khoản 4 Điều 30, theo đó doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, bên cạnh việc thực hiện các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (như quy định cũ) thì doanh nghiệp cần thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đánh giá của SSI, việc dự thảo được thông qua và đi vào áp dụng thực tiễn sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các DNNN như Agribank và VNPT (điều chỉnh quy định về đất đai, bãi bỏ phần xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống,..) tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần xử lý để đẩy nhanh hoạt động cổ phần hóa tại Agribank hay VNPT. Cụ thể, các doanh nghiệp này có chi nhánh và văn phòng trải khắp 63 tỉnh thành và không phải tất cả các mảnh đất nằm dưới quyền quản lý của các DNNN này đều có hồ sơ xác minh quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp (một số mảnh đất đã được bàn giao từ cách đây trên 30 năm). Do vậy, SSI cho rằng cần chờ đợi văn bản pháp lý từ phía Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhằm xử lý câu chuyện nêu trên, đồng thời cấp quyền sở hữu hợp pháp về đất đai cho DNNN. Chỉ khi có những quy định mới như vừa đề cập thì dự thảo của Bộ Tài chính mới tạo ra động lực tích cực cho tiến trình cổ phần hóa DNNN. Theo kế hoạch, Agribank và VNPT sẽ hoàn tất quá trình định giá trong năm 2020.

Trước đó tại một cuộc họp về thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bà Phan Vân Hà, Tổng giám đốc CTCP Thẩm định giá IVC Việt Nam cho rằng có sự chênh về luật quy định về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Nghị định 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa không quy định giá trị lợi thế đối với quyền thuê đất hàng năm. Trong khi đó khi xác định giá trị vốn Nhà nước để thoái tại doanh nghiệp, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP lại yêu cầu phải xác định đầy đủ giá trị quyền thuê đất hàng năm.

Nghị định 32 yêu cầu doanh nghiệp phải xác định giá cụ thể chiểu theo Thông tư 77 của Bộ Tài chính về giá thuê đất, mà điều này thuộc thẩm quyền của UBND thành phố là người quyết định giá đất đấy.

"Như vậy, nếu doanh nghiệp có 20 thửa đất ở 20 tỉnh khác nhau, phải chờ 20 Ủy ban nhân dân tỉnh để duyệt giá đất cụ thể khi tính lợi thế đất thì doanh nghiệp bao giờ thoái vốn được. Khách hàng của chúng tôi có đất ở Phú Quốc, Thanh Hóa, Hà Nội, khi UBND thành phố Hà Nội ký duyệt yêu cầu phải có xác nhận của Phú Quốc và Thanh Hóa, doanh nghiệp cứ chờ, chờ xong qua giai đoạn 6 tháng lại định giá lại và chúng tôi liên tục được ký hợp đồng để định giá thoái vốn", bà Hà bức xúc.

Sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/2018/NĐ-CP

Đối với vấn đề xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước / vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại CTCP đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, các thuật ngữ như giá khởi điểm, giá tham chiếu và giá thực trả (đối với nhà đầu tư) sẽ được sửa đổi.

Mức giá khởi điểm do cơ quan đại diện chủ sở hữu/doanh nghiệp nhà nước quyết định công bố tại ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn để làm cơ sở cho nhà đầu tư đăng ký khối lượng mua và nộp tiền đặt cọc không được thấp hơn các mức giá (i) giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá; (ii) giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn của mã chứng khoán đã giao dịch của công ty cổ phần niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán; (iii) giá tham chiếu của mã chứng khoán của công ty cổ phần đang giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn 01 ngày.

Trước đây, trong trường hợp giá thanh toán được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận) mà thấp hơn giá sàn thì nhà đầu tư vẫn phải thanh toán theo giá sàn của ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn. Với dự thảo Nghị định mới, vấn đề này đã được sửa đổi khi nhà đầu tư được quyền từ chối không tham gia đấu giá và nhận lại tiền đặt cọc. Nhìn chung, quy định mới đã đảm bảo hơn lợi ích của nhà đầu tư

Về vấn đề đầu tư bổ sung vốn cho các NHTMCP: Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3178/VPCP-KTTH ngày 31/10/2019, trên cơ sở xác định các ngân hàng thương mại nhà nước giữ cổ phần chi phối khi tăng vốn điều lệ theo quy định cần được xem xét đầu tư bổ sung vốn để đảm bảo an ninh tiền tệ, dự thảo Nghị định này (khoản 9 Điều 2) bổ sung nội dung ngành, lĩnh vực doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước như sau: "h) Ngân hàng thương mại nhà nước giữ cổ phần chi phối."

Theo đánh giá của SSI, trong ngắn hạn, quy định mới có thể chưa tác động tới VCB và BID trong khi CTG có thêm giải pháp để tiến hành tăng vốn. Cụ thể, CTG hiện đang chạm mức giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà nước là 65%. Dự thảo Nghị định mới bổ sung ngành ngân hàng vào danh sách các lĩnh vực được nhà nước đầu tư trung và dài hạn, qua đó cho phép Nhà nước đóng thêm tiền mới để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu nhà nước trong trường hợp các ngân hàng như CTG tiến hành tăng vốn. Trong khi đó tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VCB và BID vẫn duy trì ở mức cao, lần lượt là 74,8% và 81%.

Châu Cao, theo SSI Research

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên