Sửa đổi quy định về tiền lương: Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Trong nỗ lực tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ hướng đến mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 theo Nghị quyết 35 của Chính phủ và Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.
- 23-08-2018Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương doanh nghiệp: Không dễ nhưng phải làm
- 21-08-2018Từ 2021, Nhà nước sẽ không can thiệp chuyện tiền lương của doanh nghiệp
- 27-05-2018Infographic: Sắp tới tiền lương sẽ thay đổi như thế nào?
Trong nỗ lực tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ hướng đến mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 theo Nghị quyết 35 của Chính phủ và Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.
Mới đây, Chính phủ đã tiếp tục ban hành chính sách nhằm tháo những nút thắt cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, cụ thể là ban hành Nghị định 121, có hiệu lực từ 1.11.2018.
Tháo rào cản và tăng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ
Ngày 13.9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14.5.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
Trong đó, nội dung nổi bật là: Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Một xưởng cơ khí của doanh nghiệp siêu nhỏ. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Trước đây việc khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và trong quá trình vận hành sản xuất thì việc phải xây dựng và gửi thang - bảng lương cho cơ quan quan lý nhà nước khiến rất nhiều chủ doanh nghiệp loay hoay lo lắng bởi quy mô quá nhỏ trong khi các quy định về pháp luật giữa doanh nghiệp siêu nhỏ dưới 10 lao động và doanh nghiệp hàng nghìn lao động không có nhiều khác biệt. Điều này dẫn đến tình trạng trong nền kinh tế các hộ gia đình kinh doanh “không chịu lớn” phát triển thành doanh nghiệp.
Thực tế, theo các quy định, sự khác biệt giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp lớn khi chấp hành các quy định về pháp luật chỉ có mấy điểm khác biệt sau:
Doanh nghiệp siêu nhỏ không phải xây dựng và đăng ký nội quy lao động (Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động năm 2012); Người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động không bắt buộc phải có chuyên môn phù hợp (Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2012); doanh nghiệp có dưới 10 lao động được miễn tổ chức hội nghị người lao động (Nghị định 60/2013/NĐ-CP)…
Chính vì thế, các doanh nghiệp siêu nhỏ đã tìm nhiều cách để không thực hiện một số quy định. Trong đó có việc xây dựng thang lương, bảng lương (phải mời đại diện liên đoàn lao động cấp huyện tham gia khi không có tổ chức công đoàn và phải gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện).
Với nghị định 121/2018 có hiệu lực từ 1.11.2018, một nút thắt lớn đối với doanh nghiệp nhỏ đã được gỡ bỏ.
Cần thêm những chính sách cho các doanh nghiệp siêu nhỏ
Theo định nghĩa mới nhất trong Nghị định 39/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định dựa trên các tiêu chí: Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng: Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỉ đồng; Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỉ đồng.
Việc phát triển lực lượng này còn gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng: “Việc thực hiện mục tiêu “1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả” theo Nghị quyết 35 thực sự là thách thức cho Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thành công nếu cải cách thể chế được đẩy mạnh, tiếp tục “cởi trói”, giải phóng và tạo thuận lợi tối đa cho sự nghiệp kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Cả nước hiện có 3,5 triệu hộ kinh doanh, phần nhiều trong số này là hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, kinh doanh gia đình, nhưng cũng có một số không nhỏ những hộ kinh doanh này có quy mô và hiệu quả hoạt động thậm chí còn lớn hơn doanh nghiệp. Trở ngại lớn nhất khiến các hộ kinh doanh không muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp là do các quy định pháp lý với doanh nghiệp phức tạp, phiền hà mà chế độ kế toán và thanh tra, kiểm tra là điển hình”.
Ông Lộc cũng cho rằng: “Đối với những doanh nghiệp siêu nhỏ, cần có những chế độ kế toán, kiểm tra đơn giản hơn, phù hợp với trình độ, quy mô của doanh nghiệp sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Gỡ được khúc mắc này, lượng doanh nghiệp thành lập sẽ tăng lên đáng kể.
Thành công hay không phụ thuộc nhiều vào việc có chuyển đổi được một phần trong 3,5 triệu hộ kinh doanh - lực lượng tiềm năng của các doanh nghiệp sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hay không?”.
Nghị quyết Trung ương 5- Đại hội 12 chỉ rõ: “Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp”.
Rõ ràng, việc tháo thêm những nút thắt, lần này là việc “miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” được cho là bước đi phù hợp và kịp thời của Chính phủ.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng cần tiếp tục có những chính sách miễn, giảm tiêu chuẩn, thủ tục trong pháp luật lao động cho doanh nghiệp siêu nhỏ cần cân bằng giữa việc thúc đẩy sự phát triển và lợi nhuận của doanh nghiệp trong khi vẫn đảm bảo sự bảo vệ thích đáng cho người lao động tham gia vào thành phần kinh tế này.
Theo đó, ngoài những quy định bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp như vấn đề an toàn lao động, tiền lương tối thiểu, an sinh xã hội cần cho những doanh nghiệp nhỏ tự điều chỉnh những quy định về vệ sinh lao động, phúc lợi đối với lao động nữ; khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe cho lao động cao tuổi, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; đối thoại trực tiếp tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, thành lập tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội khác.
Đặc biệt cần miễn giảm các tiêu chuẩn, thủ tục như: Miễn thủ tục giao kết hợp đồng lao động, khám sức khỏe định kỳ, xử lý kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ… cho doanh nghiệp siêu nhỏ mà chủ doanh nghiệp và người lao động là các thành viên của gia đình.
Với những chính sách phù hợp, mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp” mà Nghị quyết TW5 đưa ra là hoàn toàn khả thi.
Lao động