Sửa luật để giảm rút BHXH một lần
Người lao động tại tỉnh Bình Dương làm thủ tục nhận BHXH một lần Ảnh: THẢO NGUYỄN
Tỉ lệ rút BHXH tăng tạo sức ép lên ngân sách nhà nước chăm lo cho hệ thống an sinh và trợ cấp người cao tuổi không có lương hưu, đặc biệt khi Việt Nam đối mặt với tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh
- 05-05-2022Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đã thất hứa nộp 100 tỉ đồng
- 05-05-2022Hơn 1,1 triệu lượt khách đi hàng không dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5
- 05-05-2022Bình Dương lại tiếp tục đón làn sóng FDI tăng kỷ lục
Để giảm số người rút BHXH một lần , cơ quan chức năng đề xuất sửa quy định theo hướng giảm số năm đóng BHXH để được nhận lương hưu, bổ sung chế độ trợ cấp nuôi con nhỏ, thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) duy trì việc làm với người lao động (NLĐ) trung tuổi.
Người rút BHXH một lần phần lớn dưới 30 tuổi
Bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Ban Thực hiện chính sách - BHXH Việt Nam, cho biết theo thống kê, trong quý I/2022, cả nước có trên 208.000 người rút BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người rút BHXH một lần, giảm 3% so với 4 tháng của năm trước. Riêng trong tháng 4-2022, cả nước có trên 93.000 người rút BHXH một lần, giảm 10% so với tháng 4-2021.
Phân tích nguyên nhân về số lao động nhận BHXH một lần có xu hướng giảm, bà Hiền cho rằng tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Việc làm của NLĐ mất việc dưới 1 năm đã được cải thiện. Nhiều NLĐ từng khó khăn nay đã có thu nhập và không có ý định rút BHXH một lần. Cũng theo bà Hiền, có tới 97% người chọn rút một lần là lao động sau 1 năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tỉ lệ này ở nữ giới trên 55%, cao hơn nam giới. "Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, phổ biến ở tuổi dưới 40, trong đó phần lớn chỉ 20-30 tuổi và hầu hết ở khu vực ngoài nhà nước. Do đó, cần có những chính sách hạn chế rút BHXH một lần, song phải tăng quyền lợi lâu dài mà không tác động lớn đến tâm lý NLĐ" - bà Hiền kiến nghị.
Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, đã có hơn 4,59 triệu người hưởng BHXH một lần, trung bình cứ 2 người tham gia BHXH có 1 người rút một lần và năm sau luôn cao hơn năm trước. So sánh về quyền lợi của người rút và không rút BHXH một lần, bà Hiền cho biết lao động rút BHXH một lần sẽ mất đi nhiều quyền lợi, khi toàn bộ thời gian tham gia BHXH trước đó không được bảo lưu; không được hưởng chế độ ốm đau, hưu trí; khám chữa bệnh bằng BHYT miễn phí; quyền lợi cho thân nhân, như chế độ tử tuất và những quyền lợi đi kèm.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết nhiều người trẻ khó khăn về tài chính, có suy nghĩ rút một lần rồi sau này lại tham gia tiếp. Thực tế vẫn có một số không nhỏ NLĐ đã rút BHXH một lần và có nguyện vọng được đóng nối tiếp, nhưng hiện chính sách BHXH không quy định nội dung này.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 28 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHXH để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
"Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn, bảo đảm hạn chế tình trạng NLĐ vì lợi ích trước mắt mà rút BHXH một lần" - thông báo nêu.
Các chuyên gia về an sinh cho rằng đối tượng rút BHXH một lần chủ yếu ở nhóm công nhân với thu nhập thấp, không có tích lũy, nên khi mất việc thì đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế. Khi đứng trước lựa chọn phải đi vay để lo cuộc sống và nhận BHXH 1 lần, NLĐ thường chọn phương án sau. Thậm chí, nếu chưa đủ 1 năm sau khi nghỉ việc, NLĐ còn chọn biện pháp thế chấp sổ BHXH để nhận được ngay số tiền chỉ bằng 50%-60% số tiền đáng lẽ họ được nhận, trong khi quy định đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được nhận lương hưu khiến nhiều NLĐ khó đạt.
Tỉ lệ rút BHXH tăng tạo sức ép lớn lên ngân sách nhà nước chăm lo cho hệ thống an sinh và trợ cấp người cao tuổi không có lương hưu, đặc biệt khi Việt Nam đối mặt với tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh. Trước đó, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất sửa quy định theo hướng giảm số năm đóng BHXH để được nhận lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm; bổ sung chế độ trợ cấp nuôi con nhỏ; thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm với NLĐ trung tuổi.
Đặc biệt, bộ này còn đề xuất bổ sung quy định NLĐ có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu không nhận BHXH 1 lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn với mức trợ cấp hằng tháng cao hơn so với những người khác.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết đề xuất giảm thời gian đóng BHXH đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 28 với mục tiêu để người cao tuổi vẫn đóng được BHXH. "Việc giảm thời gian đóng là điều kiện tốt để người cao tuổi vẫn đóng được, thậm chí người ngoài 50 tuổi vẫn đóng được BHXH để hưởng lương hưu" - ông Lợi nói.
Tăng diện tham gia BHXH bắt buộc
Mới đây, tại hội thảo tham vấn ý kiến quốc tế về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHXH do BHXH Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình Phát triển con người tại Việt Nam, cho rằng tỉ lệ tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam thấp là do quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu dài (20 năm). Việt Nam cũng là nước duy nhất cho phép NLĐ rút BHXH một lần, từ đó làm tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, đồng thời nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho lượng lớn người dân là người cao tuổi không tham gia vào hệ thống an sinh xã hội. "Để chính sách BHXH phát triển bền vững, Chính phủ cần tăng diện tham gia BHXH bắt buộc, hạn chế số người rút BHXH một lần, hỗ trợ 30%-50% mức đóng BHXH tự nguyện cho nhóm người nghèo thì mới có thể đạt mục tiêu 60% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2030" - ông Christophe Lemiere nhấn mạnh.
Người Lao Động