Sửa Nghị định chi phí lãi vay: Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm không hồi tố hàng nghìn tỷ đồng DN đã nộp
Theo Bộ Tài chính với tổng số kinh phí phải hoàn trả 5.875 tỷ đồng, hiện chưa có nguồn để thanh toán.
- 02-12-2019Nới hay bỏ trần chi phí lãi vay?
- 29-11-2019Tin vui cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp: Chính phủ sẽ sửa nhanh Nghị định 20 về chi phí lãi vay của DN, có thể nới trần lên 30%
Kể từ khi Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết với mục tiêu là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp trong đó cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn đều đã lên tiếng phản ánh những bất cập của quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính sau đó đã xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 8 áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi, không đề cập đến việc xử lý số tiền đã thu của doanh nghiệp năm 2017, 2018. Với số tiền ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng.
Thông tin trên Reatimes cho biết, Bộ Tài chính mới có văn bản báo cáo Chính phủ giải trình đối với ý kiến của thành viên Chính phủ liên quan đến quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018 và cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm khi sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Mặc dù đã lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, các bộ ngành và các tổ chức hội đặc biệt là kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính vẫn gạt điều khoản doanh nghiệp quan tâm nhất là việc cho phép hồi tố khoản tiền đã nộp 2 năm 2017, 2018.
Cụ thể, tờ trình này của Bộ Tài chính cho biết, đối với quy định hồi tố cho năm 2017 và 2018: khi dự thảo Nghị định sửa đổi, một số ý kiến đề xuất cho phép hồi tố (tức là áp dụng quy định mới tại dự thảo Nghị định từ năm 2017, 2018), dự thảo Nghị định lấy ý kiến Bộ tư pháp có nêu nội dung này". Tuy nhiên, qua rà soát Bộ Tài chính thấy có nhiều bất cập vì vậy đã báo cáo Chính phủ không áp dụng hồi tố.
Lý do được Bộ Tài chính đưa ra như dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, việc áp dụng hồi tố cần được cân nhắc.
Bên cạnh đó, về mặt bằng chính sách quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 hiện hành có khác so với mặt bằng dự thảo Nghị định, không chỉ có nội dung điều chỉnh mức khống chế từ 20% lên 30% mà còn cho phép tính lãi thuần (chi phí lãi trừ đi tiền gửi, lãi cho vay). Nếu tính lại theo mặt bằng dự thảo Nghị định thì phải bồi hoàn cho người nộp thuế. Có thể trường hợp số thu Ngân sách nhà nước (NSNN) thấp hơn số bồi hoàn.
Thứ ba, các khoản thu năm 2017, 2018 đã được đưa vào quyết toán NSNN, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận, nay nếu tính lại thì phải sử dụng NSNN để hoàn thuế. Trong khi đó, dự toán NSNN năm 2020 mà Quốc hội phê duyệt không có khoản này. Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế, đối với các doanh nghiệp đã tuân thủ kê khai, năm 2017 số chi phí lãi vay được từ tăng 10.336 tỷ đồng (tương đương số thuế vay được trừ tăng 14.041 tỷ đồng (tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn là 2.808 tỷ đồng).
Số liệu này chưa bao gồm số tiền lãi tương ứng từng kỳ quyết toán đến nay và không bao gồm các doanh nghiệp cố tình không tuân thủ kê khai chí phí lãi vay và số thuế phải nộp chỉ được phát hiện, truy thu qua thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới. Với tổng số kinh phí phải hoàn trả 5.875 tỷ đồng, hiện chưa có nguồn để thanh toán.
Thứ tư, có ý kiến cho rằng đây là số thuế nộp thừa nên có thể hoàn trả doanh nghiệp bằng cách khấu trừ vào tiền thuế phải nộp năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 37, 40, 47 và 48 của Luật quản lý thuế, số thuế nộp thừa là số thuế cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số thuế doanh nghiệp bị tính thừa chứ không phải số thuế tăng do thay đổi chính sách. Vì vâỵ, không vận dụng được quy định hoàn nộp thừa trong trường hợp này nếu cho áp dụng hồi tố và sẽ tạo cơ chế không minh bạch, rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, quản lý cán bộ của ngành thuế.
Thứ năm, công tác quản lý thuế đối với giao dịch liên kết được thực hiện trong tất cả các đơn vị trong ngành thuế (từ Tổng cục Thuế đến các Cục, Chi cục thuế). Trường hợp hồi tố đối tượng được hoàn thuế lên đến hàng trăm doanh nghiệp, do đó có thể sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Trước đó, như BizLIVE đã ghi nhận một số ý kiến cho rằng, việc hồi tố lại cho các doanh nghiệp là hợp lý và chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20.
Bizlive