Sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ
Theo đánh giá của các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng, chính sách ổn định, nguồn nhân lực dồi dào...
- 10-02-2024Những kế hoạch tỷ đô từ ngoại giao kinh tế
- 10-02-2024Vì sao Amkor chọn Việt Nam là 'cứ điểm' sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới?
- 10-02-2024Ba dự án giao thông trọng điểm, tổng trị giá 36.000 tỷ sẽ đi vào hoạt động trong năm Giáp Thìn tại Hà Nội
Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến FDI hàng đầu
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/01/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với xu hướng tích cực của vốn đăng ký, vốn giải ngân cũng rất khả quan với mức tăng 9,6% so với tháng 1/2203 khi các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân được 1,48 tỷ USD.
Tính lũy kế đến ngày 20/01/2024, cả nước có 39.377 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 471,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 298,66 tỷ USD, bằng gần 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số...
Các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Theo Sách Trắng 2024 mà Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố, môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ.
63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến FDI hàng đầu. 31% đánh giá Việt Nam là một trong 3 mục tiêu đầu tư hàng đầu, trong đó 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất. Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vào cuối năm nay.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit đánh giá, dù kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện khả năng phục hồi, linh hoạt. Dấu hiệu quan trọng của điều này là đầu tư của châu Âu vào Việt Nam gia tăng. Cụ thể, Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD. "Điều này nhấn mạnh niềm tin của châu Âu đối với Việt Nam", ông Gabor Fluit khẳng định.
Các doanh nghiệp nước ngoài hướng vào Việt Nam
Ông Luigi Santoro - Tổng Giám đốc Ariston Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất quan tâm đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đầu tư của chúng tôi tại đây là dài hạn và nằm trong chiến lược kinh doanh quan trọng. Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp nước ngoài đều hướng vào Việt Nam bởi đây là địa điểm đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng”.
Theo ông Luigi Santoro, thị trường Việt Nam rất hấp dẫn bởi môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng tốt, chính sách ổn định, nguồn lao động dồi dào, và đời sống người dân ngày càng đi lên, quan tâm nhiều đến các sản phẩm chất lượng cao, nhãn hàng nổi tiếng.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi tiếp tục các kế hoạch bắt đầu thực hiện cách đây vài năm và tiếp tục đầu tư trung và dài hạn để đạt được mục tiêu kinh doanh bền vững tại Việt Nam”, ông Luigi Santoro nói.
Khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, hiện tại có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đạt số lượng lớn nhất trong các nước ASEAN. Các doanh nghiệp Nhật vẫn đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, tình hình chính trị xã hội ổn định, nhân lực phong phú.
Đối với kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2024 so với năm 2023, số DN Nhật Bản được JETRO khảo sát cho biết 50,4% tin tưởng sẽ cải thiện, 56,7% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của JETRO đánh giá cao về môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Trong cuộc khảo sát các công ty mẹ tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật vẫn coi Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng thứ 2 (chỉ đứng sau thị trường số 1 là Hoa Kỳ).
Theo đại diện của JETRO, Việt Nam có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt nếu như trước đây, Việt Nam là thị trường có sản xuất có chi phí rẻ phục vụ xuất khẩu dần đang dịch chuyển sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng tập trung nhiều hơn dầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới ở Việt Nam.
Sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 86 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 76,1 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)…
VOV