MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức hút lớn từ kinh tế đêm

Trong bối cảnh bình thường mới, vừa phục hồi kinh tế vừa phòng chống dịch Covid-19, việc thúc đẩy kinh tế ban đêm là chiến lược lâu dài cần được quan tâm.

Tại buổi làm việc với TP HCM mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị TP phải thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm . Bởi theo tính toán, cứ 4 giờ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp tới 5%-8% GDP của TP. Đề án phát triển kinh tế ban đêm cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo, gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương để lấy ý kiến.

Những thành phố "không ngủ"

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, chia sẻ du lịch giải trí về đêm của TP đang phát triển. Hãng tư vấn Roland Berger - đơn vị tư vấn xây dựng Chiến lược phát triển du lịch TP - đã xác định sản phẩm du lịch giải trí về đêm đứng thứ 4 trong 7 nhóm sản phẩm của TP. Và TP rất cần không gian hoạt động nhiều hơn nữa về ban đêm để du khách có thể thưởng lãm những loại hình nghệ thuật, ăn uống, mua sắm, có hoạt động vui chơi giải trí sau 18 giờ - khi các hành trình tour kết thúc.

Theo ông Vũ, hiện TP có một số chương trình nghệ thuật đường phố, có không gian phòng trà, điểm biểu diễn nghệ thuật, hệ thống mua sắm... luôn hoạt động tấp nập. Đồng thời, nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi, quán ăn cũng phục vụ 24/24 giờ các nhu cầu của người dân và du khách; hệ thống các chợ đầu mối nhộn nhịp, tấp nập từ sáng sớm để luân chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đến khắp TP.

Trong khi đó, ngoài Đà Nẵng đang tạm thời gặp khó vì xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng thì nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước đã nhộn nhịp trở lại, đặc biệt trong dịp hè, nhu cầu đi lại của khách nội địa tăng cao.

Như tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), khu vực thị trấn Dương Đông, nhất là chợ đêm Phú Quốc, luôn tấp nập, sôi động mỗi tối. Khách ra vào mua sắm, ăn uống, thưởng thức đặc sản hay đơn giản chỉ là dạo bộ, hưởng không khí trong lành của đảo ngọc tăng cao.

Gia đình chị Ngọc Mai (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vừa có chuyến du lịch từ Phú Quốc về cho biết cả nhà rất thích đi dạo chợ đêm Phú Quốc. Sau một ngày tham quan các thắng cảnh nổi tiếng, dạo chơi ở cáp treo Hòn Thơm, Vinpearl Safari, VinWonders, tắm biển..., buổi tối rủ nhau đi dạo ở chợ đêm, thưởng thức hải sản, món ăn vặt. "Ở thị trấn Dương Đông, không chỉ chợ đêm Phú Quốc mà dạo các tuyến đường như Trần Hưng Đạo, hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi... về đêm cũng rất đa dạng. Gia đình tôi nhất định sẽ trở lại Phú Quốc vào mùa hè năm sau" - chị Ngọc Mai chia sẻ.

Theo chân các du khách, chúng tôi có buổi trải nghiệm cuộc sống về đêm ở phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Từ 18 giờ, nhóm khách bắt đầu rời khách sạn đi dọc các đường Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Biệt Thự, Nguyễn Thị Minh Khai..., tại đây tập trung khá nhiều mini bar, nhà hàng với đủ món Á, Âu. Khu vực này được giới thiệu là nơi sầm uất nhất của TP Nha Trang, trước dịch từng được rất nhiều người nước ngoài ăn uống, mua sắm đồ lưu niệm.

Du khách đến Nha Trang cũng có thể thưởng thức hải sản ở khu vực bờ kè Bắc - Nam sông Cái hoặc bờ kè đường Nguyễn Văn Linh dọc sông Quán Trường. Ở đây, du khách có thể ăn những con tôm hùm tươi sống, mực nháy còn bơi lội hay ăn cá trong vùng rạn đặc trưng.

Một điểm sáng ở TP Nha Trang hiện nay là Ducashow (nhà hát Huyền thoại - số 62 Thái Nguyên, Nha Trang) với các hoạt động nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam như: du xuân đến miền Bắc - Tây Bắc, múa cung đình của cố đô Huế, hương vị miền Nam và văn hóa bản xứ Nha Trang với những điệu nhảy Chăm Pa độc đáo, khám phá đại dương bí ẩn.

Đặc biệt, tại chợ đêm lớn nhất Nha Trang - phố đi bộ Yến Sào ở Quảng trường 2 Tháng 4 có khoảng 100 gian hàng bày bán các đồ đặc trưng của địa phương như yến sào, trầm hương, rong nho, một số đồ thủ công mỹ nghệ như ốc, ngọc trai... Khu vực này tập trung rất đông du khách từ 19 giờ đến 23 giờ.

Bà Đặng Hoàng Bích Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phố đi bộ, cho biết hiện nay, các chợ đêm ở Nha Trang là lựa chọn số 1 của du khách vì họ có thể thoải mái dạo chơi và mua sắm được những thứ mình thích. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, khách nước ngoài rất đông nên các dịch vụ ban đêm như massage chân, dưỡng da gần chợ đêm Yến Sào khá phát triển. Sau khi đi chợ hoặc sử dụng dịch vụ, du khách dạo chơi nên chợ thường xuyên quá tải.

Sức hút lớn từ kinh tế đêm - Ảnh 1.

Phố đi bộ Yến Sào ở Quảng trường 2 Tháng 4 là chợ đêm lớn nhất TP Nha Trang nhưng được đánh giá còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ảnh: KỲ NAM

Chưa có nhiều sản phẩm hấp dẫn

Tuy vậy, chị Nguyễn Thanh Tâm (du khách TP HCM), sau khi tham quan chợ đêm, nhận xét khu chợ còn khá khiêm tốn khi chỉ có chiều dài hơn 100 m quá ngắn, đi 15-30 phút là hết khu chợ. Chị Tâm cũng đánh giá Nha Trang là một thành phố thú vị, rất đẹp, phù hợp để nghỉ dưỡng; còn nếu là các thanh niên đến đây thì rất khó tìm được nơi vui chơi về đêm vui vẻ, an toàn...

Bà Đặng Hoàng Bích Trâm thừa nhận ở TP Nha Trang thực sự đang thiếu những dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm. TP Nha Trang có các trung tâm thương mại nhưng lại phù hợp với người địa phương nhiều hơn là du khách; các nhà hát, khu vực biểu diễn nghệ thuật còn rất thiếu nên du khách đến Nha Trang thường ngủ sớm. Ngay cả chợ đêm cũng hoạt động đến khoảng 22 giờ - 23 giờ là đóng cửa. Trong khi đó, Phòng Văn hóa và Thông tin TP Nha Trang cho biết hiện trên địa bàn TP có gần 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nhưng đủ tiêu chuẩn hoạt động đến 2 giờ sáng chỉ khoảng trên 10 điểm.

TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) được xem là trung tâm du lịch của miền Trung nhưng hiện dường như chưa có nhiều sản phẩm du lịch về đêm để hút khách du lịch. Du khách đến Hội An vào ban đêm ngoài ngắm phố cổ, xem sô biểu diễn thực cảnh "Ký ức Hội An", đi dạo chợ đêm hoặc vào các quán bar thì không còn chỗ vui chơi nào hấp dẫn. Đáng nói là những điểm vui chơi như vừa kể trên cũng thường "đi ngủ sớm" vì có đặc thù nằm gần các khu dân cư, nếu hoạt động về khuya sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nên các ngành chức năng không thể cấp phép cho hoạt động quá 23 giờ.

Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế khi Hội An thiếu chỗ vui chơi về đêm để níu chân du khách. Ông Sơn cho biết Hội An đang xúc tiến thực hiện các dự án ở những khu vực cách xa khu phố cổ để phục vụ nhu cầu vui chơi về đêm của khách du lịch. "Khách nước ngoài đến Hội An thường thức rất khuya vì khác múi giờ bên nước họ, nhiều người phàn nàn vì hiện TP chưa có các khu vui chơi về đêm nên gây sự nhàm chán. Điều đó đặt ra cho Hội An phải nhanh chóng tạo ra các sản phẩm đặc sắc, mang nét riêng để thu hút du khách, giữ chân họ được lâu hơn" - ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Ngay cả ở TP Đà Nẵng, dù phải "đóng cửa" lần 2 do vừa phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 nhưng thúc đẩy kinh tế ban đêm cũng là hướng đi lâu dài cần được triển khai, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cho TP. Dù là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhưng lâu nay, Đà Nẵng vẫn được cho là "thủ phủ du lịch ngủ sớm" bởi các dịch vụ về đêm ở đây còn khá ít ỏi.

Thực tế, tại dự thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm, đơn vị soạn thảo cũng nhìn nhận các hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam còn nghèo nàn, đơn điệu. Về tổng thể, Việt Nam chưa có các tổ hợp vui chơi giải trí về đêm chất lượng và quy mô tầm khu vực. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn đơn điệu, thiếu bản sắc và phát triển ở quy mô nhỏ, chỉ mới tập trung vào các hoạt động ẩm thực, chợ đêm hoặc phố đi bộ.

Nhiều hoạt động về giải trí, biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm, hệ thống các cửa hàng, siêu thị, khu mua sắm đêm sầm uất chưa được hình thành một cách đồng bộ, bài bản, mang tầm cỡ tại các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP HCM. Những điểm du lịch nổi tiếng như: Hội An, Sa Pa, Mũi Né... chưa đa dạng hóa được các dịch vụ phát triển về đêm, chưa phát triển được các thương hiệu nổi bật để hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm như: tham quan di tích lịch sử, văn hóa (đền, chùa...) chưa thực sự phát triển.

Đặc biệt, những hoạt động sôi động nhất về đêm là quán bar, vũ trường, karaoke nhưng số lượng hộ kinh doanh đăng ký mở cửa ban đêm còn rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do khi đăng ký hoạt động đêm sẽ phát sinh nhiều vấn đề như: tuyển thêm nhân công, tăng chi phí, trong khi lượng khách thực tế chưa đông như mong đợi.

Mang lại nhiều lợi ích

Tại dự thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn thông tin cho thấy ở nhiều nước hiện nay, kinh tế đêm là một phần không thể thiếu cho sự phát triển của các trung tâm thành phố. Những hoạt động kinh tế về đêm mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt các hoạt động giải trí vào ban đêm giúp người dân thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn và thành phố sống động hơn. Bên cạnh đó, phát triển xã hội 24 giờ cũng giúp giảm thiểu hiện tượng quá tải cơ sở hạ tầng và tắc đường vào ban ngày.

Kinh tế ban đêm còn được coi là công cụ nhằm thu hút nhân tài, giới kinh doanh, khách du lịch và quảng bá văn hóa đất nước. Ngoài ra, kinh tế ban đêm còn giúp chỉnh trang đô thị thông qua đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng để có thể sử dụng 24 giờ/ngày; cũng sẽ là động lực giúp thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của địa phương. Thực tế, nhiều lĩnh vực sáng tạo công nghiệp đã phát triển như phim ảnh, âm nhạc và các công việc thiết kế, xuất bản.

"Nhìn chung, kinh tế ban đêm giúp góp phần tái cấu trúc ngành công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm, tái thiết và phát triển khu vực đô thị, khuyến khích tiêu dùng nội địa và tạo nguồn thu thuế cho địa phương. Một khi bảo đảm được các điều kiện an toàn và quản lý hiệu quả kinh tế ban đêm sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước" - dự thảo nhấn mạnh.

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên