Sức khỏe tiếp viên thực hiện chuyến bay có khách mắc Covid-19 hiện ra sao?
Vietnam Airlines hiện đang có 213 cán bộ, nhân viên đang được cách ly vì có tiếp xúc với hành khách dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 -19 hoặc trở về từ vùng dịch, trong đó có phi hành đoàn chuyến bay VN0054 có nữ hành khách mắc Covid-19 thứ 17.
- 09-03-2020Đường di chuyển của 2 du khách Anh nhiễm Covid-19 lên du lịch ở Sa Pa
- 09-03-2020Quảng Ninh phong tỏa 5 khu vực và 18 tàu du lịch liên quan đến 4 du khách nhiễm Covid-19
- 08-03-2020Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc Covid-19
Tính đến 17 giờ ngày 8-3, Vietnam Airlines hiện đang có 213 cán bộ, nhân viên đang được cách ly vì có tiếp xúc với hành khách dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh Covid-19 hoặc trở về từ vùng dịch, bao gồm 33 người cách ly tập trung và 180 người cách ly tại nhà.
Trong đó, liên quan đến vụ hành khách người Nhật Bản đi trên hành trình bay Siem Reap - TP HCM - Nagoya bị phát hiện mắc Covid-19 ngày 4-3, đã có 43 cán bộ, nhân viên hàng không bị cách ly. Đây là những người đã phục vụ 2 chuyến bay VN814 từ Siem Reap (Campuchia) về TP HCM ngày 3-3 và VN340 từ TP HCM đi Nagoya (Nhật Bản) ngày 4-3 mà vị khách người Nhật Bản đi.
Trong 43 cán bộ, nhân viên hàng không đang cách ly này có 23 người cách ly tập trung, 20 người cách ly tại nhà, tất cả không có biểu hiện bất thường.
Đoàn bay Vietnam Airlines của c huyến bay có hành khách Nhật Bản mắc Covid-19 đang được cách ly tại trường quân sự TP HCM cơ sở 2 tại huyện Củ Chi - Ảnh: VNA
Còn đối với chuyến bay VN0054 từ London (Anh) về Hà Nội hôm 1-3, chuyến bay có nữ hành khách ngồi hạng thương gia N.T.H.N. (SN 1993, trú ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) sau đó được phát hiện mắc Covid-19, đến nay có 58 người phục vụ chuyến bay này bị cách ly (bổ sung 23 nhân viên kỹ thuật đã lên cabin máy bay). Trong đó, 11 tiếp viên cách ly tập trung tại bệnh viện, 47 người cách ly tại nhà. Tất cả đều không có biểu hiện bất thường.
110 người tiếp xúc với phi công và tiếp viên phục vụ chuyến bay này hiện đang cách ly tại nhà, bao gồm 109 cán bộ, nhân viên của Vietnam Airlines và 1 thân nhân. Tất cả không có biểu hiện bất thường.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, những ngày qua Việt Nam đã phát hiện các ca bệnh Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 30 người. Đây được xem là giai đoạn 2 của quá trình phòng chống dịch bệnh này ở Việt Nam khi trước đó, Việt Nam có 16 ca mắc Covid-19 đã chữa khỏi bệnh và 28 ngày qua không có trường hợp mắc mới.
Giai đoạn từ ngày 5-3 đến nay, đã ghi nhận 14 trường hợp mắc mới, trong đó duy nhất chỉ 1 trường hợp người Việt Nam nhập cảnh từ Daegu, Hàn Quốc, và đã được cách ly ngay khi về Việt Nam tại Trường Quân sự Quân Đoàn 1 - TP Tam Điệp, chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình ngày 7-3.
13 trường hợp còn lại đều liên quan đến hành khách N.T.H.N trên chuyến bay VN0054 từ London (Anh) về Hà Nội cất cánh hôm 1-3, nhập cảnh vào ngày 2-3, trong đó có 2 trường hợp lây nhiễm thứ phát.
Cụ thể, 11 trường hợp nhập cảnh nhập cảnh vào Việt Nam ngày 2-3 trên chuyến bay VN0054 của Vietnam Airlines, trong đó có bệnh nhân 17 của Việt Nam là cô gái N.T.H.N, ngồi khoang thương gia. Có 2 người lây nhiễm thứ phát từ bệnh nhân 17, cư trú tại số 125 phố Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Ông N.Q.T. (nam, 61 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) là người ngồi gần hàng ghế với bệnh nhân N.T.H.N. trên chuyến bay VN0054 cũng đã được xác định mắc Covid-19.
Ngoài ra, 9 người nước ngoài khác đều nhập cảnh trên chuyến bay VN0054 đã xác định mắc Covid-19. Trong đó, 4 trường hợp (3 người Anh, 1 người Ireland) được cách ly tại khách sạn ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 8-3. Hai người Anh ở tại khách sạn ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, đã chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng ngày 7-3. Hai người Anh ở khách sạn tại Sapa, tỉnh Lào Cai, đã chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai ngày 7-3. Một người Anh ở tại Khách sạn ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), đã chuyển về Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2 ngày 7-3-2020.
Ngoài các trường hợp trên, có 1 nhân viên kỹ thuật của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay từ TP HCM đi Busan (Hàn Quốc) ngày 27-2, trên chuyến bay có 36 khách ở Daegu. Nhân viên này hiện đang cách ly tại nhà, không có biểu hiện bất thường.
Một tiếp viên thực hiện chuyến bay VN409 từ Seoul về TP HCM ngày 22-2 và London - TP HCM ngày 29-2 hiện đang cách ly tại BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Hiện tiếp viên này không còn ho, sốt và đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-Cov-2. Bệnh viện vẫn yêu cầu cách ly 14 ngày tại Bệnh viện.
Hiện tất cả 213 trường hợp trên đều đang tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu cách ly của Bộ Y tế.
Trong quá trình phục vụ các chuyến bay mùa dịch, phi hành đoàn và nhân viên phục vụ mặt đất của Vietnam Airlines đều được trang bị đầy đủ thiết bị y tế gồm găng tay, khẩu trang,... Đồng thời, hãng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh như khử trùng máy bay; hạn chế các sản phẩm dịch vụ dùng nhiều lần; trang bị khẩu trang, nước rửa tay cho toàn bộ nhân viên, phi hành đoàn và hành khách khi cần; điều chỉnh nhiệt độ máy bay lên 26 độ C và tăng cường bảo dưỡng hệ thống lọc không khí HEPA trên máy bay, giúp hạn chế đến 99,99% vi khuẩn, virus theo khuyến cáo của WHO và các nhà sản xuất máy bay.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cuối tuần qua vừa đưa dự báo các hãng hàng không trên toàn thế giới dự kiến sẽ tổn thất khoảng 63 tỉ USD doanh thu trong năm 2020, giảm khoảng 11% so với năm ngoái. Trong đó, 70% tổn thất đến từ các hãng hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các hãng hàng không Trung Quốc sẽ tổn thất khoảng 22,2 tỉ USD doanh thu, còn các hãng hàng không Nhật Bản tổn thất 5,3 tỉ USD. IATA cho biết tổn thất sẽ còn gia tăng và thúc giục các chính phủ nghiên cứu biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không.
Bên cạnh đó, IATA cho rằng các cơ quan quản lý cần nới lỏng quy định về phân bổ thời gian cất/hạ cánh tại sân bay trong những tình huống ngoại lệ như dịch Covid-19. Gần 50% lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trên thế giới khởi hành từ hơn 200 sân bay với các quy định kết hợp về thời gian cất/hạ cánh (yêu cầu các hãng hàng không thực hiện ít nhất 80% số lần cất/hạ cánh đã được phân bổ hoặc có nguy cơ mất các quyền cất/hạ cánh). Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac kêu gọi các cơ quan quản lý hàng không trên toàn cầu tạm ngừng áp dụng quy định về sử dụng thời gian cất/hạ cánh của các hãng hàng không ngay lập tức và thực hiện điều này trong cả năm 2020. Các hãng hàng không cần có sự linh hoạt trong việc điều chỉnh lịch bay trong những tình huống bất thường.
Người lao động