Sức mạnh quân sự vượt trội Hamas của Hezbollah: Israel không dễ đối phó nếu xung đột lan rộng
Hơn 8 tháng sau khi Hamas bất ngờ tấn công Israel, khơi nguồn cuộc chiến tàn khốc ở Gaza, một nhóm vũ trang khác được Iran hậu thuẫn đang đe dọa lôi Israel vào một mặt trận mới.
- Cả Hamas và Hezbollah đều được Iran hậu thuẫn và coi Israel là kẻ thù không đội trời chung.
- Hamas có xu hướng tập trung vào số lượng hơn chất lượng.
- Kho vũ khí của Hezbollah bao gồm tên lửa không điều khiển và tên lửa có điều khiển, máy bay không người lái và vũ khí chống hạm tinh vi.
Các cuộc đụng độ ngày càng nhiều giữa Hezbollah và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) dọc biên giới Israel - Lebanon đang làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột ở Gaza có thể lan rộng thành một cuộc xung đột toàn diện trong khu vực.
Theo tờ Newsweek, cả Hamas và Hezbollah - đều bị Mỹ, EU và một số chính phủ khác coi là tổ chức khủng bố - rất giỏi trong chiến tranh bất đối xứng. Cả hai nhóm vũ trang đều được Iran hậu thuẫn và coi Israel là kẻ thù không đội trời chung của họ.
Nhưng trong khi Hamas ít nhiều bị kiềm chế ở Gaza - với cuộc tấn công miền nam Israel vào ngày 7/10/2023 là một ngoại lệ đáng chú ý - thì Hezbollah đã chuyển mình trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Hassan Nasrallah, thành một đảng chính trị có ảnh hưởng và là nhà môi giới quyền lực trong khu vực.
"Hamas ngày càng nhận được nhiều tài trợ, vũ khí và đào tạo từ Iran, nhưng lực lượng này không bị Iran kiểm soát như Hezbollah, vốn gần như được Iran hậu thuẫn hoàn toàn và tuân theo chỉ thị của nước này", Julie M. Norman - phó giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại trường University College London - gần đây đã viết cho báo The Conversation (Australia).
Dưới đây là cái nhìn tổng quan của Newsweek về sức mạnh quân sự của hai nhóm chiến binh.
Hamas: Chiến thuật du kích
Hamas được thành lập năm 1987 với tư cách là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood), hoạt động chủ yếu ở Dải Gaza. Cánh quân sự của họ - được gọi là Lữ đoàn al-Qassam - đã phát triển một mạng lưới đường hầm bên dưới Gaza mà họ sử dụng cho chiến tranh du kích, khiến lực lượng Israel khó phát hiện.
Theo Newsweek, Hamas nổi tiếng với việc sản xuất và mua sắm các loại tên lửa, súng cối, chất nổ, tên lửa dẫn đường chống tăng và tên lửa phòng không vác vai (MANPADS). Nhóm chiến binh này có xu hướng tập trung vào số lượng hơn chất lượng, vận chuyển vũ khí qua mạng lưới đường hầm rộng khắp để tránh bị phát hiện.
Hamas có nhiều loại tên lửa, bao gồm M-75, R-160 và J-80, có tầm bắn lên tới 80 km. Những tên lửa này, cùng với tên lửa tầm xa do Iran và Syria cung cấp, rất quan trọng đối với khả năng tấn công của họ.
Theo các quan chức Israel, ước tính về kho dự trữ tên lửa của Hamas rất khác nhau, với số lượng từ 5.000 đến 20.000 đầu đạn.
Một số báo cáo cho thấy Hamas cũng có nguồn cung cấp tên lửa dẫn đường chống tăng đáng kể, bao gồm tên lửa Kornet do Nga sản xuất và tên lửa Bolsai của Triều Tiên, gây ra mối đe dọa cho lực lượng mặt đất của Israel.
Hamas gần đây đã giới thiệu máy bay không người lái cảm tử được mô phỏng theo Ababil-2 của Iran để thực hiện các nhiệm vụ nhắm mục tiêu và cảm tử.
Khi nói đến vũ khí hạng nhẹ, các chiến binh Hamas chủ yếu sử dụng súng trường tấn công, súng máy và lựu đạn cũ do Trung Quốc và Nga sản xuất. Kho vũ khí của họ bao gồm các biến thể AK-47, súng bắn tỉa, lựu đạn phóng tên lửa và súng máy hạng nặng.
Sau nhiều tháng giao tranh khốc liệt, Hamas đã mất đi một phần đáng kể lực lượng chiến đấu của mình, mặc dù những ước tính đó rất khác nhau. Các báo cáo chỉ ra rằng Hamas ban đầu có khoảng 30.000 chiến binh trước ngày 7/10/2023. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã tiêu diệt khoảng 12.000 thành viên Hamas kể từ đó.
Hezbollah: Năng lực quân sự tiên tiến
Theo Newsweek, Hezbollah được thành lập năm 1982 và chủ yếu đóng quân tại Lebanon, có năng lực quân sự tiên tiến hơn nhiều so với Hamas. Với nguồn tài trợ và nguồn cung cấp đáng kể từ những người bảo trợ ở Tehran, kho vũ khí của Hezbollah bao gồm tên lửa không điều khiển và tên lửa có điều khiển, máy bay không người lái và vũ khí chống hạm tinh vi.
Israel tin rằng Hezbollah sở hữu khoảng 150.000 tên lửa không điều khiển và tên lửa có điều khiển, bao gồm cả Fateh-110 và Zelzal-2 của Iran, có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Israel với độ chính xác cao. Kho vũ khí lớn và hiện đại của Hezbollah có khả năng đe dọa hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel trong trường hợp xảy ra chiến tranh tổng lực.
Hezbollah cũng sử dụng rất nhiều máy bay không người lái, chẳng hạn như Shahed 136, để trinh sát và thực hiện các hoạt động tấn công, nhằm nâng cao khả năng thu thập thông tin tình báo và thực hiện các cuộc tấn công có mục tiêu.
Kho vũ khí của Hezbollah bao gồm các tên lửa chống hạm tiên tiến Yakhont do Nga sản xuất và Silkworm của Trung Quốc, mỗi tên lửa có tầm bắn khoảng 300 km.
Với hơn 100.000 chiến binh như tuyên bố của thủ lĩnh Nasrallah, Hezbollah tự hào có một lực lượng chiến đấu lớn hơn đáng kể so với Hamas. Và giống như Hamas, nhóm này đã phát triển một mạng lưới đường hầm rộng khắp ở miền nam Lebanon, mang lại lợi thế chiến lược và bảo vệ lực lượng tránh khỏi các cuộc không kích của Israel.
Chiến lược quân sự của Hezbollah liên quan đến việc sử dụng các loại đạn dẫn đường chính xác và tên lửa hiệu suất cao, tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với các mục tiêu cụ thể, nổi bật hơn hẳn các loại tên lửa và súng cối kém hiện đại hơn của Hamas trong cuộc chiến với Israel.
Theo Newsweek, sự sẵn sàng của Hezbollah cho cuộc xung đột quy mô lớn, kết hợp với kho vũ khí tiên tiến của họ, đưa ra một thách thức ghê gớm đối với các hệ thống phòng thủ của Israel - điều này giải thích phần nào lý do tại sao Mỹ và các đồng minh khác của Israel lại kêu gọi bình tĩnh.
Đời sống pháp luật