MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức sống mới từ sau đại hội cổ đông bất thường ở AFIEX

20-12-2016 - 20:00 PM | Doanh nghiệp

ĐHCĐ bất thường vừa được tổ chức để thông qua đề án tái cơ cấu của Công ty cổ phần XNK Nông sản Thực Phẩm An Giang (AFIEX).

Ông Nguyễn Thanh Xuân, thành viên HĐQT AFIEX trao đổi về đại hội và định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Chào ông, được biết AFIEX vừa kết thúc xong phiên ĐHCĐ và đây không phải là ĐHCĐ thường niên mà là phiên ĐHCĐ bất thường, xin ông cho biết tại sao có cuộc ĐHCĐ bất thường này và kết quả ra sao?

Do phần vốn nhà nước chiếm 51% trong tổng vốn điều lệ 350 tỷ đồng tại Afiex đã được UBND tỉnh An Giang chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào tháng 12 năm 2015, lúc đó, cổ đông SCIC đã yêu cầu Công ty rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng của Công ty.

Báo cáo thực trạng sau đó cho thấy Công ty đã kinh doanh thua lỗ từ các năm trước, cộng với kết quả kinh doanh của những tháng đầu năm 2016 tiếp tục thua lỗ, và nâng mức lỗ lũy kế lên trên hai mươi tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty còn tồn tại nhiều vấn đề tài chính như nợ quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và tiền cổ tức vốn nhà nước, chưa chuyển trả nợ gốc và chưa hạch toán nợ lãi chậm nộp... nếu phải hạch toán lãi chậm nộp quỹ, số lỗ lũy kế có thể tăng lên gấp đôi.

Trong các năm gần đây, lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty là chế biến xuất khẩu gạo, thủy sản và sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho gia cầm, thủy sản gặp nhiều biến động bất lợi cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, tuy vậy Công ty chưa có các phương án, giải pháp thích ứng để cải thiện tình hình, dẫn đến hoạt động của AFIEX lâm vào khó khăn, bế tắc. Đội ngũ lãnh đạo và cơ cấu tổ chức hoạt động của Công ty cũng bộc lộ những hạn chế...

Xuất phát từ tình hình trên, cổ đông SCIC đã yêu cầu Ban lãnh đạo mới tập trung xây dựng một đề án tổng thể nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của AFIEX giai đoạn 2016-2020 với những mục tiêu, giải pháp có tính chiến lược và lộ trình thực hiện chi tiết tại từng thời điểm, bám sát với tình hình của thị trường. Vì thế, sau khi đề án được xây dựng hoàn thành, chúng tôi phải nhanh chóng tổ chức trình Đại hội đồng cổ đông thông qua nhằm triển khai ngay.

ĐHCĐ cũng vừa thông qua đề án này với tỷ lệ tán thành gần 100%.

Ông vui lòng cho biết các nội dung chính trong Đề án tái cơ cấu là gì, nội dung nào là trọng tâm và tại sao?

Mục tiêu của đề án là xây dựng các giải pháp khả thi nhất nhằm khắc phục tình trạng thua lỗ, nâng cao hiệu quả kinh doanh của AFIEX với những chỉ tiêu khá cụ thể. Theo đó, từ tình trạng đang bị thua lỗ AFIEX sẽ có lãi ngay trong năm 2016, đến năm 2017 sẽ hết lỗ lũy kế và từ năm 2018 trở đi sẽ chia cổ tức cho cổ đông.

Để đạt được mục tiêu này, đề án tái cơ cấu đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp và lộ trình triển khai chi tiết. Trong đó, nội dung chính là tập trung cơ cấu lại các lĩnh vực kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, khó có khả năng cải thiện và cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh yếu kém của Công ty. Theo đó, Công ty sẽ chủ động ngừng hoạt động, thu hẹp và đổi mới phương thức kinh doanh tại một số cơ sở, lĩnh vực hoạt động.

Các nội dung, giải pháp khác bao gồm nâng cấp, tổ chức lại các cơ sở kinh doanh có tiềm năng phát triển và đem lại lợi nhuận lớn cho Công ty, nhất là trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi. Việc sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu tổ chức của Công ty theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, tinh giản lao động cũng là một nội dung quan trọng nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của cổ đông chi phối SCIC (chiếm 51%) trong quá trình tái cơ cấu AFIEX từ khi tiếp nhận đến nay?

Chúng tôi nhận thấy cổ đông SCIC đã nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và có những tác động tích cực vào hoạt động của AFIEX. Thực tế, cán bộ SCIC đã nắm thông tin về Công ty từ lúc địa phương chuẩn bị bàn giao doanh nghiệp. Biết được những khó khăn và hạn chế của AFIEX lúc đó, SCIC đã cử 4/7 người đại diện tham gia thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới từ tháng 6/2016, trong đó cán bộ của SCIC giữ vai trò Chủ tịch HĐQT và cử thêm một cán bộ biệt phái làm thường trực Ban chỉ đạo tái cơ cấu để trực tiếp phối hợp với Công ty.

Tôi cũng được giao vai trò TGĐ Công ty tại cùng thời điểm đó. Những nhân sự này đã cùng chung lưng, sát cánh với cán bộ, nhân viên của Công ty trong tình thế khó khăn. Bên cạnh đó, SCIC cũng đã cử thêm Tổ tư vấn doanh nghiệp của mình để hỗ trợ xây dựng hoàn thành đề án tái cơ cấu trong những tháng qua.

Sự hỗ trợ kịp thời đã phát huy tác dụng rõ rệt. Đến nay, tình hình tài chính tài chính của AFIEX đã được cải thiện đáng kể. Từ tình trạng thua lỗ đầu năm, nay kết quả kinh doanh đã đảo ngược sang dự báo có lãi trên 8 tỷ đồng trong cuối năm 2016. Thành tích khả quan này tuy còn khiêm tốn, nhưng rất đáng khích lệ cho những nỗ lực không mệt mỏi của chúng tôi và của cả SCIC khi đã vượt qua được thời điểm bế tắc. Vì vậy chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của cổ đông SCIC tại AFIEX trong suốt thời gian qua.

Ông nhìn thấy thách thức và tiềm năng phát triển của Công ty như thế nào trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu?

Đề án vừa được thông qua tạo tiền đề để Công ty phát triển ổn định và đi lên trong tương lai. Chúng tôi hiểu rằng yếu tố mang tính quyết định đến sự thành công của đề án, cũng như sự phát triển bền vững của AFIEX chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Công ty. Nghĩa là năng lực triển khai thành công các giải pháp của đề án của bộ máy điều hành.

Đây là thách thức lớn nhất đối với AFIEX. Hiện Công ty đã rà soát, kiện toàn lại đội ngũ lãnh đạo từ Ban giám đốc đến các phòng ban, đơn vị trực thuộc; đồng thời triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận hiện có và thu hút nguồn cán bộ có năng lực bên ngoài về để chủ động khắc phục khó khăn này.

Trên nền tảng chiến lược vừa được ĐHCĐ thông qua, AFIEX có thể phát huy hết tiềm năng sẵn có. Khi dòng tiền thu được từ việc thanh lý các tài sản kinh doanh kém hiệu quả, thu hồi công nợ và bộ máy và lao động được tinh giản, sắp xếp lại, Công ty sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả hơn và tận dụng lợi thế mặt bằng sẵn có để liên kết hoặc kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ khác.

Với sự ủng hộ của chính quyền địa phương tại tỉnh An Giang và sự hỗ trợ mật thiết của cổ đông SCIC, chúng tôi tin rằng AFIEX có đủ điều kiện để phát triển vững chắc trong giai đoạn mới.

Xin cảm ơn ông đã trả lời các câu hỏi và xin chúc AFIEX có được sức bật mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Cảm ơn anh/chị.

A.D

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên