MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Suýt cháy cả căn chung cư vì hành động vô tình khi dùng bếp từ: Nhiều gia đình đang thực hiện hàng ngày!

18-01-2024 - 00:05 AM | Sống

Nhiều gia đình vẫn đang thực hiện công việc này với bếp từ mà không hề biết nó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố rất lớn.

Hiện nay, bên cạnh bếp gas được xem là truyền thống nhất, trong căn bếp của nhiều gia đình còn sử dụng các loại bếp khác như bếp từ hay bếp hồng ngoại. Các loại bếp này được đánh giá là dễ sử dụng và có độ an toàn cao hơn. Tuy nhiên trên thực tế, bếp từ hay bếp hồng ngoại vẫn có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố vì những thói quen hàng ngày hoặc hành động vô tình tưởng chừng như vô hại của người dùng.

Trường hợp sau đây là một ví dụ. Câu chuyện được một người dùng có tài khoản Tú Tú chia sẻ trên trang cá nhân. Cụ thể người dùng này kể lại, dù bếp đã được khoá an toàn nhưng vẫn lên điện. Khi cô đặt một số đồ vật như thùng carton lên mặt bếp, vài phút sau đã thấy cháy, khói bốc lên nghi ngút. "Nghĩ mà thấy nguy hiểm thật sự. Giả sử hôm nay nhà mình mà không có ai ở nhà chắc cháy nguyên cả cái chung cư mất", người dùng này nói thêm.

Suýt cháy cả căn chung cư vì hành động vô tình khi dùng bếp từ: Nhiều gia đình đang thực hiện hàng ngày! - Ảnh 1.

Người dùng vô tình đặt chiếc thùng carton lên mặt bếp từ, khiến thùng carton bị cháy (Ảnh Tú Tú)

Trên thực tế, trường hợp xảy ra sự cố với bếp từ, bếp hồng ngoại như câu chuyện trên không phải là hiếm. Với mặt bếp phẳng, thường được lắp đặt âm dưới mặt bàn bếp, nhiều người dùng sẽ có xu hướng tận dụng khu vực bếp làm nơi đặt một số đồ đạc, khi không sử dụng bếp. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, việc làm này là vô cùng nguy hiểm và không nên thực hiện.

Cơ chế hoạt động của bếp từ chủ yếu dựa trên từ tính. Khi bật bếp, dòng điện sẽ chạy qua cuộn dây đồng đặt dưới mặt kính bếp và sinh ra dòng từ trường trong phạm vi vài milimet trên mặt bếp. Lúc này, chúng sẽ kết hợp lại, đưa nhiệt độ làm nóng đáy nồi, từ đó làm chín thức ăn bên trong.

Suýt cháy cả căn chung cư vì hành động vô tình khi dùng bếp từ: Nhiều gia đình đang thực hiện hàng ngày! - Ảnh 2.

Với cấu tạo mặt bếp phẳng, nhiều người dùng thường để đồ trên mặt bếp từ khi không sử dụng, tuy nhiên việc làm này là vô cùng không nên (Ảnh minh hoạ)

Bởi vậy việc đặt đồ đạc lên mặt bếp, đặc biệt tại khu vực các nút bấm điều khiển, hay việc người dùng chỉ vô tình chạm, hoặc thú cưng chạy qua, có thể khiến bếp được khởi động. Nếu không có sự giám sát và để ý kịp thời, hoả hoạn nghiêm trọng có thể xảy ra.

Thao thác đảm bảo an toàn khi không sử dụng bếp từ

Theo tư vấn từ các đơn vị sản xuất và phân phối, cũng như các thợ sửa chữa, lắp đặt, có một thao tác nhỏ người dùng có thể thực hàng ngày, nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối khi không sử dụng bếp từ, bếp hồng ngoại. Đó chính là thao tác ngắt hoàn toàn nguồn điện vào thiết bị.

Thao tác này có thể được thực hiện bằng cách rút điện bếp từ, bếp hồng ngoại, hoặc lắp đặt thêm aptomat cho bếp, khi không sử dụng thì tắt aptomat. Aptomat là dụng cụ để ngắt mạch điện, bảo vệ nguồn điện khi bị quá tải, ngắn mạch, sụt áp... khi có sự cố, đảm bảo rủi ro về điện không ảnh hưởng đến các thiết bị điện khác trong mạng lưới điện gia đình.

Suýt cháy cả căn chung cư vì hành động vô tình khi dùng bếp từ: Nhiều gia đình đang thực hiện hàng ngày! - Ảnh 3.

Lắp thêm aptomat để phục vụ cho những lúc cần ngắt nguồn điện vào bếp từ là rất cần thiết (Ảnh minh hoạ)

Hiện nay, aptomat thường chủ yếu được lắp đặt riêng cho những thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt... Riêng với bếp từ, nhiều gia đình sử dụng bếp có công suất nhỏ như bếp đơn, việc lắp đặt aptomat trên thực tế không phải là bắt buộc.

Tuy nhiên, việc lắp đặt aptomat sẽ giúp người dùng có công cụ để ngắt điện trong thời gian dài không sử dụng, đảm bảo an toàn cho chính thiết bị cũng như chính các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, aptomat cũng phục vụ cho việc duy trì bếp ở một công suất ổn định, ngay cả khi các thiết bị điện khác trong nhà được đồng loạt sử dụng.

Quay lại việc cần ngắt hoàn toàn nguồn điện vào bếp từ. Công việc này nên được thực hiện sau khi gia đình đã kết thúc sử dụng thiết bị; hoặc khi gia đình vắng nhà, không có nhu cầu sử dụng trong vài giờ, hoặc vài ngày.

Suýt cháy cả căn chung cư vì hành động vô tình khi dùng bếp từ: Nhiều gia đình đang thực hiện hàng ngày! - Ảnh 4.

Việc ngắt hoàn toàn nguồn điện vào bếp từ nên được thực hiện sau khi gia đình đã kết thúc sử dụng thiết bị (Ảnh minh hoạ)

Những lưu ý cần ghi nhớ để sử dụng bếp từ an toàn

Bên cạnh ngắt nguồn điện vào bếp từ, trong suốt quá trình sử dụng, người dùng cũng cần ghi nhớ một số lưu sau. Chúng sẽ giúp người dùng sử dụng bếp một cách an toàn và lâu bền hơn.

1. Thường xuyên vệ sinh bếp

Mặt bếp từ, bếp hồng ngoại trong quá trình sử dụng chắc chắn không thể tránh khỏi việc bị bẩn do dầu mỡ hay thức ăn thừa, cháy khét, bám chặt lại. Vấn đề này không chỉ khiến mất thẩm mỹ còn ảnh hưởng đến khả năng gia nhiệt của bếp. Lâu dần, thậm chí còn có thể gây mất chênh lệch nhiệt độ, nghiêm trọng hơn là nứt vỡ mặt kính bếp.

Vì vậy, tốt hơn hết ngay sau khi kết thúc công việc nấu nướng, người dùng hãy đợi khoảng 15-20 phút cho bếp nguội, rồi dùng khăn vải mềm cùng chất tẩy rửa chuyên dụng để vệ sinh bếp.

2. Sử dụng bếp ở nhiệt độ phù hợp

Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng không nên bật bếp ở chế độ nhiệt cao nhất liên tục trong thời gian dài. Việc làm này sẽ làm tăng lượng điện năng thiết bị tiêu thụ, đồng thời khiến thiết bị bị hao mòn nhanh hơn.

Mức nhiệt lý tưởng người dùng nên sử dụng đó là mức nhiệt trung bình. Có thể sử dụng mức nhiệt tối đa nhưng chỉ nên trong vài phút đầu của chu trình nấu ăn. Trong quá trình sử dụng bếp, hãy sử dụng tính năng khoá trẻ em hoặc khoá an toàn. Và ngay cả khi bật chế độ nhiệt nào đi chăng nữa, thấp hay cao, có bật tính năng khoá hay không, việc nấu ăn trên bếp từ vẫn cần có sự giám sát của người lớn.

Suýt cháy cả căn chung cư vì hành động vô tình khi dùng bếp từ: Nhiều gia đình đang thực hiện hàng ngày! - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ

3. Lựa chọn nồi phù hợp

Lưu ý thứ 3 để việc dùng bếp từ được an toàn, hiệu quả đó là người dùng cần lựa chọn được loại nồim chảo phù hợp. Các loại này nên được làm bằng inox, sắt hoặc thép không gỉ. Đây là những chất liệu có khả năng nhiễm từ và hấp thụ nhiệt tốt, giúp rút ngắn thời gian nấu nướng của người dùng. Bên cạnh đó, các loại nồi, chảo có đáy phẳng cũng được khuyên nên ưu tiên sử dụng.

Người dùng cũng nên chú ý đến kích thước của bếp rồi mới chọn mua nồi, chảo, không nên mua loại quá to hoặc quá nhỏ so với bếp. Một mẹo nữa là hãy chú ý đến các ký tự dưới đáy nồi, chảo. Nếu có ký hiệu cuộn dây điện trở thì tức là sản phẩm đó phù hợp với bếp từ.

Suýt cháy cả căn chung cư vì hành động vô tình khi dùng bếp từ: Nhiều gia đình đang thực hiện hàng ngày! - Ảnh 6.

Ảnh minh hoạ


Theo Thu Phương

Đời sống pháp luật

Trở lên trên