MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

T. Boone Pickens - Người khiến văn hóa tài chính doanh nghiệp của nước Mỹ thay đổi mãi mãi

22-09-2019 - 13:56 PM | Tài chính quốc tế

Thâu tóm doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy (LBO) không phải là khái niệm quá mới mẻ. Tuy nhiên phải đến thương vụ Mesa mua Gulf Oil do Pickens đạo diễn làn sóng này mới thực sự bùng nổ.

Đầu những năm 1950, Thomas Boone Pickens là nhà địa chất học làm việc tại Phillips, công ty dầu mỏ có trụ sở ở Bartlesville, Oklahoma. Tuy nhiên ông ghét công việc của mình. Chế độ làm việc quá nghiêm ngặt và các đồng nghiệp thiếu tham vọng khiến ông cảm thấy phát ốm vì nhàm chán. "Ở Phillips, tôi gặp con quái vật Big Oil", ông viết.

Kết quả là Pickens quyết định bỏ việc và lập ra công ty của riêng mình, đặt tên là Mesa Petroleum. Mất kiên nhẫn với việc xây dựng công ty từ con số 0, ông quyết định theo đuổi 1 kế hoạch táo bạo. Ông sẽ "hạ gục" con quái vật bằng cách sử dụng Mesa để mua đứt những công ty có quy mô lớn nhưng không được quản lý tốt.

Năm 1969, thương vụ đầu tiên của Mesa, thâu tóm công ty khí đốt Hugoton vốn có quy mô lớn hơn Mesa nhiều lần, thành công bất ngờ. Nhưng Pickens, người vừa qua đời ngày 11/9 vừa qua, được tưởng nhớ đến nhiều nhất bởi một loạt vụ thâu tóm táo bạo mà ông thực hiện trong những năm 1980 (trong đó có công ty cũ của ông, Phillips). Không phải thương vụ nào cũng thành công tốt đẹp nhưng trước khi chúng sụp đổ đều giúp cổ phiếu của các công ty bị thâu tóm tăng giá và giúp Pickens kiếm được một gia tài.

Không chỉ làm thay đổi ngành dầu mỏ nước Mỹ, các thương vụ của ông còn mang đến những ảnh hưởng lâu dài cho văn hóa doanh nghiệp Mỹ mà thương vụ có dấu ấn đậm nét nhất chính là ở Gulf Oil Company.

Năm 1984, Gulf nằm trong top 6 công ty dầu mỏ lớn nhất ở Mỹ và Mesa chỉ là một kẻ tí hon nếu đặt hai công ty cạnh nhau. Chừng đó đã đủ thể hiện sự táo bạo của Pickens. Tuy nhiên, điều khiến thương vụ này nổi bật là đây là lần đầu tiên Pickens cố gắng thực hiện 1 vụ buyout (mua đứt bán đoạn) đầy thù địch sử dụng trái phiếu rác làm đòn bẩy. Drexel Burnham Lambert, 1 ngân hàng đầu tư còn non trẻ, hỗ trợ về tài chính trong khi Pickens có sự am hiểu về công nghệ dầu khí. Thương vụ này đã khiến văn hóa tài chính doanh nghiệp của nước Mỹ thay đổi mãi mãi.

Thâu tóm doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy (LBO) không phải là khái niệm quá mới mẻ. Trong những năm 1960, phương pháp này được sử dụng như 1 cách để các doanh nghiệp gia đình có quy mô nhỏ tự bán mình cho người bên ngoài mà không cần phải tốn kém thực hiện IPO.

Tuy nhiên, ở thời điểm đầu những năm 1980, ngành tài chính đang thay đổi. Các công ty đặc biệt chuyên đi thâu tóm đang trên đà lớn mạnh, trong đó có Kohlberg Kravis Roberts (KKR). Và tài trợ bằng nợ cũng dần trở nên phổ biến. Vua trái phiếu rác Michael Milken đã nuôi dưỡng một mạng lưới các nhà đầu tư háo hức chờ đón các vụ phát hành mới. Milken khẳng định có thể huy động được 4-5 tỷ USD cho T. Boone để ông thâu tóm Gulf.

Đây cũng là thời điểm mà các quan điểm về tài chính doanh nghiệp thay đổi. Trong các thập kỷ trước đó, Franco Modigliani và Merton Miller cho rằng cấu trúc vốn của 1 công ty - gồm vốn chủ sở hữu và nợ - không nên ảnh hưởng đến giá trị của công ty đó. Dòng tiền của công ty mới quan trọng.

Tuy nhiên lý thuyết này đã tỏ ra không hiệu quả trong thế giới thực. Nhiều người cho rằng cấu trúc vốn lý tưởng của doanh nghiệp sẽ là điểm cân bằng giữa hình phạt mà doanh nghiệp phải chịu nếu nợ quá nhiều (phá sản) và nợ quá ít (từ bỏ các lợi ích về thuế).

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Michael Jensen và William Meckling năm 1976 cho thấy kể cả lý thuyết này cũng không hoàn toàn chính xác. Họ lập luận nợ là một công cụ được các cổ đông sử dụng để bắt buộc ban điều hành công ty phải trung thực. Các ông chủ sẽ chịu áp lực lớn hơn về chuyện cắt giảm chi phí và tăng doanh thu nếu như họ đối mặt với gánh nặng lãi vay mỗi quý.

Quan điểm cho rằng nợ là tốt trở nên hấp dẫn trong mắt nhóm các công ty chuyên đi thâu tóm mới nổi lên. Pickens hoàn tìm kiếm 1 công ty năng lượng quy mô lớn nhưng có cổ phiếu đang ở mức định giá thấp, thâu tóm một lượng lớn cỏ phần rồi sau đó chiếm luôn công ty này hoặc chí ít là buộc ban điều hành phải gia tăng lợi nhuận.

Gulf Oil đáp ứng đủ các tiêu chí để trở thành mục tiêu của Mesa. Ban đầu ông đã thất bại, nhưng Chevron chào mua thành công. Mesa bỏ hàng trăm triệu USD mua cổ phần của Chevron và cuối cùng thương vụ của Pickens ở Gulf trở thành hình mẫu cho nhiều vụ LBO sau này.

Ngày nay chúng ta vẫn có thể nhìn thấy dấu ấn của thương vụ Mesa-Gulf. Các trái phiếu rác có lợi suất cao không còn là "đứa con đáng xấu hổ" trong gia đình trái phiếu. Trung bình xếp hạng tín dụng của các công ty Mỹ đã giảm xuống mức bbb, tức chỉ cao hơn 1 nấc so với trái phiếu rác. Nguyên nhân lớn nhất là do chiến lược tài chính các của doanh nghiệp: nhiều công ty vững mạnh tăng lợi suất cho cổ đông bằng cách tăng nợ. Nếu doanh nghiệp từ chối "tối ưu hóa" bảng cân đối kế toán bằng cách tăng nợ, các công ty chuyên đi thâu tóm với nguồn vốn dồi dào sẵn sàng làm điều đó.

Trong ngành các tài chính, các xu hướng thường đi quá xa trước khi chúng bị đảo ngược. Tuy nhiên hiện đã xuất hiện một số yếu tố có thể khiến tài trợ bằng nợ trở nên kém hấp dẫn hơn. Một trong những mục đích của các chính sách cải cách thuế là hạn chế việc các công ty tận dụng nợ để trốn thuế. Bên cạnh đó bản chất của các công ty cũng dần thay đổi. Các công ty công nghệ đang chiếm thế thượng phong trong khi họ cần phải chứng minh được rằng họ sẽ làm công việc đó trong vài chục năm tới thì mới có thể thuyết phục người dùng sử dụng sản phẩm.

Các công ty có quá nhiều nợ sẽ bị nhìn nhận là những đối tác rủi ro nhiều hơn. Nhưng chúng ta cũng không thể biết chắc chắn điều gì sẽ diễn ra. Có lẽ trong tương lai một T. Boone Pickens khác sẽ tạo ra trào lưu mới mà trong đó nguồn vốn khỏe mạnh hơn sẽ là yếu tố tối quan trọng của 1 cấu trúc vốn tối ưu.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên