Tác động môi trường đe dọa tăng trưởng kinh tế
Cần phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển kinh tế bền vững.
- 25-12-2016Giải pháp cho tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững
- 13-12-2016Tăng trưởng kinh tế Việt Nam “nghẽn” ở 3 nhóm chính
- 06-12-2016Quảng Nam: Tăng trưởng kinh tế đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế nước ta trong trung và dài hạn. Dự báo, giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm. Thực tế này đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cần phải có những chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến nền kinh tế Việt Nam có thể diễn ra mạnh mẽ và nghiêm trọng hơn. (Ảnh minh họa:KT)
Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng với kỳ vọng đột phá của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng bị đe dọa do chịu tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại đến 5% GDP hàng năm. Trong khi đó, kết quả tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng tiêu dùng bình quân mỗi năm giảm 0,1%; tăng trưởng tổng đầu tư toàn xã hội và việc làm sẽ bị giảm trung bình mỗi năm tương ứng khoảng 1,2 và 0,08%.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia cho biết, trong thời gian tới, tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến nền kinh tế Việt Nam có thể diễn ra mạnh mẽ và nghiêm trọng hơn.
Ngoài những tác động gián tiếp như làm giảm khả năng sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của dân cư, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như nguồn thu của ngân sách.
“Giải pháp khá nhiều nhưng vấn đề là việc thực hiện làm sao cho hiệu quả. Diễn biến của biến đổi khí hậu dường như nhanh hơn so với những kịch bản Việt Nam đang thực hiện. Do đó, cần phải đánh giá, cập nhật một cách nhanh hơn và kịp thời hơn đối với kịch bản và cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Đặng Đức Anh nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Nguyễn Thế Phương cho rằng, trước thực trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đe dọa tăng trưởng kinh tế, cần phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn.
“Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững. Việc xem xét, đánh giá tác động của yếu tố môi trường đến sự phát triển của kinh tế xã hội cần được thực hiện một cách nghiêm túc, trên cơ sở khoa học để đưa ra những dự báo, cảnh báo sớm, phục vụ công tác hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nêu rõ.
Có thể thấy, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường tác động tới tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực về tài nguyên, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, trong đó tài nguyên nước, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế - sức khoẻ và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất.
TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, nền nông nghiệp của nước ta có sự tăng trưởng âm. Dưới sự tác động mạnh mẽ của hiện tượng El-nino đã gây ra hạn hán nghiêm trọng, làm sản lượng lương thực giảm khoảng 1 triệu tấn, chưa kể chăn nuôi, trồng trọt.
Về dài hạn, biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng nước biển dâng, làm ảnh hưởng nặng nề tới các quốc gia có đường bờ biển dài như Việt Nam. Do đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
“Cần phải chuyển đổi từ tăng trưởng kinh tế đơn thuần sang tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế đồng thời phải đảm bảo được an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Mặc dù từ trước tới nay đã có một số biện pháp để thực hiện điều này, tuy nhiên trong định hướng vẫn thiên về tăng trưởng kinh tế”, ông Lê Quốc Phương cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn thông qua tái cơ cấu lại các ngành kinh tế, Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt thật mạnh đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm, đồng thời phải có tỉ lệ chi ngân sách đúng mức cho hoạt động sự nghiệp môi trường./.
VOV